Bộ Y tế 'lắc đầu' với đề nghị bỏ giấy chuyển viện

Thừa nhận thủ tục chuyển tuyến còn phiền hà cho người bệnh, song theo Thứ trưởng Bộ Y tế, với điều kiện hiện nay, không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trên, gây xáo trộn cả hệ thống

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời báo chí về vấn đề chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT - Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời báo chí về vấn đề chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT - Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Chiều 6/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. Tại họp báo, câu hỏi về thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng và xin giấy chuyển tuyến tại các bệnh viện được đặt ra với lãnh đạo Bộ Y tế.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả miễn phí, nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho người dân.

Thứ trưởng cho biết theo quy định của Luật Ngân sách, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ Y tế là cơ quan đầu mối mua vaccine phân bổ cho toàn quốc.

Với vaccine trong nước sản xuất, Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng và phê duyệt phương án giá cụ thể, giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ký hợp đồng và phân bổ.

Với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, bà Hương cho biết đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vắc xin DPT-VGB-Hib theo quy định, với hình thức đấu thầu rộng rãi.

Trong quá trình chờ hoàn tất thủ tục, Bộ Y tế cho hay đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ, tiếp nhận 258.000 liều vaccine 5 trong 1 và phân bổ cho địa phương. Ngoài ra có thêm 490.600 liều vaccine do Úc hỗ trợ, dự kiến về Việt Nam trong tháng 12.

"Bộ Y tế đã có hướng dẫn các tỉnh về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương. Mũi tiêm còn thiếu sẽ được rà soát, danh sách trẻ cần tiêm bù từng loại vaccine sẽ được lập để các trạm y tế lên kế hoạch triển khai cụ thể", Thứ trưởng Hương thông tin.

Năm 2024, Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng hoạt động rà soát tiền sử tiêm chủng và tiêm bù tại 30% số tỉnh/thành phố, để chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ em và cộng đồng.

Đại diện Bộ cho biết, cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan để tránh tình trạng thiếu vaccine, đảm bảo không bị gián đoạn. Các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và đáp ứng, triển khai các biện pháp về tiêm chủng vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều giải pháp giải quyết bất cập khi chuyển tuyến

Trả lời câu hỏi về việc chuyển tuyến bệnh nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sau 15 năm ban hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay đã đạt gần 91 triệu người, với khoảng 92% dân số. Số lượt khám chữa bệnh BHYT cũng gia tăng với 150,5 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT năm 2022.

"Mỗi năm, Quỹ BHYT chi khoảng hơn 110.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí do quỹ BHYT chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện", theo bà Hương.

Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được những kết quả này là việc tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh. Quy định này nhằm góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám chữa bệnh, đại diện Bộ Y tế nhận định.

Dù vậy, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính.

"Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc", Thứ trưởng Hương cho hay.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2016, việc thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện và từ 1/1/2021 áp dụng thông tuyến tỉnh trên toàn quốc cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở.

"Với điều kiện hiện nay, có thể khẳng định không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương, gây xáo trộn cả hệ thống khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT", Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Bà Hương cho hay, các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.

Do đó, để đảm bảo chất lượng, Thứ trưởng Y tế cho biết đã tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho tuyến dưới.

Áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng.

Cùng với đó, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân và mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho tuyến xã, cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính, cân đối, cải cách các quy định về chuyển tuyến.

"Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới, đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến", Thứ trưởng thông tin về các giải pháp từ phía Bộ Y tế.

Kiều Chinh - Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-y-te-lac-dau-voi-de-nghi-bo-giay-chuyen-vien-post29853.html