Bộ Xây dựng 'lắc đầu' đối với dự án thủy điện hạ lưu đập dâng Phú Phong Bình Định

Một dự án (DA) thủy điện đến giờ vẫn thiếu các bản vẽ thể hiện phương án đấu nối vào lưới điện khu vực; Những phân tích về khó khăn, thuận lợi của DA vẫn chưa đầy đủ... Đây chính là lý do để Bộ Xây dựng khẳng định: 'Chưa có cơ sở xem xét và đánh giá DA'.

Vẫn còn nhiều bất cập

Công trình thủy điện hạ lưu đập dâng Phú Phong nằm trong DA đầu tư Đập dâng Phú Phong đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 5433/QĐ-UBND ngày 31/12/2020.

Cuối năm 2022, Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch DA thủy điện hạ lưu đập dâng Phú Phong gửi kèm hồ sơ điều chỉnh quy hoạch do Cty TNHH Tư vấn và Xây dựng Phúc Thành lập.

 Công trình thủy điện nằm trong tổng thể DA đầu tư Đập dâng Phú Phong.

Công trình thủy điện nằm trong tổng thể DA đầu tư Đập dâng Phú Phong.

Sau khi nghiên cứu về hồ sơ, tính pháp lý của DA, mới đây Bộ Xây dựng có văn bản hồi âm tới Bộ Công thương. Trong văn bản của mình, Bộ Xây dựng chỉ ra một loạt bất cập về kỹ thuật và tính pháp lý của DA như: “Công trình thủy điện hạ lưu đập dâng Phú Phong được đề xuất xây dựng kết hợp với DA đập dâng Phú Phong thuộc sơ đồ khai thác bậc thang trên sông Kôn gồm 08 công trình các loại: Hồ chứa nước, thủy điện, đập dâng. Do vậy, cần bổ sung sơ bộ quy trình vận hành liên hồ chứa, đánh giá sơ bộ an toàn các công trình liên quan thuộc sơ đồ khai thác bậc thang sông Kôn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình khai thác, vận hành an toàn công trình hồ, đập và đảm bảo an sinh cho người dân hạ du khu vực DA, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch hạ tầng xây dựng trong khu vực...”.

Hiện thiết kế sơ bộ DA còn thiếu các bản vẽ thể hiện phương án đấu nối vào lưới điện khu vực (trạm biến áp, hệ thống cột điện và lưới diện đấu nối), nhà quản lý vận hành, hệ thống công trình phụ trợ.

Về các bản vẽ thiết kế sơ bộ hiện có, Bộ Xây dựng nhận định các bản vẽ này: “Không đảm bảo các quy định về quy cách hồ sơ thiết kế (bản vẽ chưa hoàn chỉnh, tỷ lệ nhỏ, không có khung tên thể hiện chức danh tư vấn và chữ ký xác nhận). Do vậy, cần rà soát bổ sung, cập nhật các bản vẽ thiết kế sơ bộ đảm bảo đúng quy cách theo quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng”.

DA cần được phân tích kĩ để đảm bảo tính khả thi

Đánh giá về tính khả thi và hiệu quả của DA, Bộ Xây dựng cho rằng: “Các nội dung liên quan tới giải tỏa công suất của hệ thống điện khu vực tỉnh Bình Định cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi phương án đấu nối vào lưới điện quốc gia. Đồng thời cần có phân tích, đánh giá đầy đủ về những khó khăn, thuận lợi và hiệu quả kinh tế-xã hội của DA”.

Tại phần căn cứ pháp lý của DA, Bộ Xây dựng yêu cầu: “Cần rà soát để cập nhật, bổ sung các văn bản pháp luật thay thế các văn bản đã hết hiệu lực như: Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ... và các văn bản liên quan của DA theo quy định.

Hồ sơ thể hiện danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng của DA, tuy nhiên còn tồn tại thể hiện sai ký hiệu tiêu chuẩn, có một số tiêu chuẩn đã hết hiệu lực như: TCVN 2737:2000 - Tải trọng và tác động; TCVN 5574:2012 - Thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép,... Vì vậy, cần rà soát để cập nhật các tiêu chuẩn theo quy định. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng; Tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý DA đầu tư xây dựng”.

Trong văn bản gửi tới Bộ Công thương, Bộ Xây dựng nêu quan điểm: “Cần bổ sung đánh giá tác động, dự báo tác động của các DA tới các hoạt động kinh tế-xã hội trong quá trình vận hành công trình đặc biệt liên quan đến việc khai thác sử dụng nguồn nước phục vụ nhu cầu an sinh của người dân khu vực hạ lưu.

Đối với việc sử dụng đất của DA cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Đất đai và quy định của pháp luật có liên quan; đảm bảo quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...

Về đề xuất quy mô công suất của DA 2,9MW cần được xem xét căn cứ vào các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện khu vực DA, đảm bảo cá cơ cấu nguồn điện trong tổng thể phát triển ngành điện”.

Từ những phân tích, đánh giá nói trên, Bộ Xây dựng khẳng định: “Chưa có cơ sở xem xét và đánh giá DA theo quy định”.

Gia Bảo

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-xay-dung-lac-dau-doi-voi-du-an-thuy-dien-ha-luu-dap-dang-phu-phong-binh-dinh-post237202.html