Bộ Xây dựng bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn: Tiếp tục tranh cãi

Mới đây, Bộ Xây dựng đã loại bỏ đề xuất này, thay thế 'bắt buộc' giao dịch thông qua sàn bằng 'khuyến khích' giao dịch thông qua sàn. Dù vậy, đề xuất này tiếp tục nhận được các ý kiến trái chiều.

Cách đây gần một năm, trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất các giao dịch bất động sản đều phải thông qua các sàn. Tuy nhiên, đề xuất này nhận được không ít ý kiến phản đối, vì việc bắt buộc giao dịch qua sàn sẽ khiến giá bất động sản tăng thêm 2% - 8%.

Do đó, mới đây, Bộ Xây dựng đã loại bỏ đề xuất này, thay thế “bắt buộc” giao dịch thông qua sàn bằng “khuyến khích” giao dịch thông qua sàn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: DXX)

Cụ thể, tại khoản 7, Điều 7, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Dù vậy, đề xuất này tiếp tục nhận được các ý kiến trái chiều. Một số quan điểm cho rằng, đề xuất mới của Bộ Xây dựng có thể khiến chủ các sàn giao dịch bất động sản rơi vào thế vô vàn khó khăn.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng. Ông Châu cho rằng, sàn giao dịch bất động sản là tổ chức trung gian kết nối cung - cầu, kết nối giữa chủ đầu tư, chủ sở hữu bất động sản với khách hàng, người mua nhà và là đơn vị không thể thiếu cho thị trường.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định chỉ “khuyến khích” mà không bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản sẽ không dẫn đến hệ quả làm cho sàn giao dịch bất động sản bị mất việc làm hoặc “nhân viên môi giới” bị thất nghiệp.

Ông Châu giải thích: Trong 8 năm thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định không bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản đã không hề làm cản trở hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản.

“Trên thực tế, các sàn giao dịch bất động sản chỉ gặp khó khăn từ năm 2020 đến nay là do tác động của đại dịch COVID-19 và do thị trường bất động sản đang rất khó khăn trong 3 năm gần đây”, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Châu tiếp tục lấy dẫn chứng, tại Mỹ, quy định không bắt buộc giao dịch bất động sản thông qua nhân viên môi giới hoặc văn phòng môi giới. Tuy nhiên, có tới 99% các giao dịch bất động sản đều thông qua các tổ chức, cá nhân môi giới.

Nguyên nhân là do các cá nhân, tổ chức môi giới bất động sản tại Mỹ có chất lượng và trình độ tốt. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện nay các cá nhân môi giới chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất lớn, thậm chí áp đảo so với các cá nhân môi giới đã qua đào tạo.

Vì vậy, Chủ tịch HoREA đề nghị Bộ Xây dựng khi xây dựng Nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản cần đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, thực hành nghiệp vụ môi giới bất động sản, sát hạch, cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học, cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân viên môi giới bất động sản.

“Hành động này có thể khắc phục tình trạng chỉ có khoảng 10% trong tổng số hơn 300.000 nhân viên môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề mà chỉ mới được đào tạo với chương trình khá mỏng, để nâng cao chất lượng đội ngũ môi giới bất động sản tương tự mô hình đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho công chứng viên hoặc thẩm định viên về giá”, ông Châu nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-xay-dung-bo-quy-dinh-bat-buoc-giao-dich-bat-dong-san-thong-qua-san-tiep-tuc-tranh-cai-post269017.html