Bộ Văn hóa không đồng ý đề xuất thưởng tiền cho khán giả phát hiện phim sai phạm

Cục Điện ảnh đã xây dựng quy chế, đề xuất thưởng 200.000 đồng kèm giấy chứng nhận cho khán giả phát hiện phim sai phạm, nhất là phim có đường lưỡi bò phi pháp.

Điểm rơi đắt giá làm nên thành công của 'Đào, Phở và Piano'

Tại họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ VHTTDL, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhắc đến thành công của phim Đào, Phở và Piano.

Theo ông, có 3 lý do khiến doanh thu phim đề tài lịch sử đạt mức cao.

Thứ nhất, phim được dàn dựng tốt, có dàn diễn viên tham gia diễn xuất tròn vai.

Thứ hai, bộ phim nhận được sự ủng hộ của truyền thông, cộng đồng mạng dù không có đồng nào chi cho quảng bá, phát hành.

Thứ 3, phim ra rạp vào khoảng thời gian thuận lợi sau kỳ nghỉ Tết, thời điểm đã bão hòa về những nội dung khác như đời sống gia đình, xã hội.

Ông Vi Kiến Thành tại họp báo.

Về doanh thu hòa vốn của Đào, Phở và Piano, lãnh đạo Cục Điện ảnh phân tích: Phim được bán với giá vé bằng một nửa so với giá vé thông thường. Nếu phim được bán với giá vé bình thường, trong điều kiện phát hành thuận lợi, Đào, Phở và Piano có thể lãi 21 tỷ đồng thay vì hòa vốn.

Trao đổi quanh vấn đề phát hành phim Nhà nước đặt hàng trong thời gian tới, ông Vi Kiến Thành cho biết, những dự đoán về khán giả đến rạp là thách thức đối với người làm phim và là bài toán vô cùng khó, chưa ai giải được.

Ngay việc phát hành Đào, Phở và Piano cũng nằm trong đợt thử nghiệm phát hành một số phim Nhà nước đặt hàng ngoài hệ thống rạp của Bộ VHTTDL để xem khả năng doanh thu phòng vé của các phim này. Cùng đợt thử nghiệm,còn có phim Hồng Hà nữ sĩ và 6 phim hoạt hình khác nhưng chỉ có Đào, Phở và Piano đạt doanh thu cao.

“Các phim Nhà nước đặt hàng sản xuất được sử dụng cho tuần phim trong nước và nước ngoài, chiếu trên truyền hình, phục vụ nhân dân miễn phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị chứ không phải làm xong rồi cất kho như một số ý kiến trên báo chí. Các tuần phim đều lấy phim Nhà nước đầu tư sản xuất, không lấy sản phẩm của đơn vị tư nhân vì Nhà nước không có kinh phí mua bản quyền”, ông Thành nói.

Ông Thành thông tin thêm, Cục đã đề xuất giao Trung tâm Chiếu phim Quốc gia làm nhiệm vụ phát hành phim Nhà nước đặt hàng; đồng thời đề xuất xây dựng Nghị định về phát hành, phổ biến phim, trong đó tháo gỡ một số vướng mắc liên quan. Dự kiến, Nghị định sẽ được ban hành vào cuối năm 2024.

Đề xuất thưởng 200.000 đồng cho người phát hiện phim sai phạm, Bộ VHTTDL không đồng ý

Liên quan đến vấn đề phim chiếu tràn lan trên mạng, trong đó có nhiều phim nhảm nhí, ông Vi Kiến Thành cho biết, theo quy định hiện hành, chỉ có phim chiếu rạp được thực hiện theo chế độ tiền kiểm (cấp phép phổ biến). Phim chiếu trên không gian mạng tuân theo chế độ hậu kiểm, các nhà phát hành chịu trách nhiệm phân loại phim và hiển thị cảnh báo cho người xem. Tuy nhiên, hiện nay, Cục Điện ảnh chỉ có 10 người làm nhiệm vụ kiểm soát phim trên mạng và toàn bộ đều là kiêm nhiệm. Mỗi ngày chia 2 ca trực, mỗi ca 5 người nên không thể xem hết được.

Ông Thành cho hay, Cục Điện ảnh đã xây dựng quy chế, đề xuất thưởng 200.000 đồng kèm giấy chứng nhận cho khán giả phát hiện phim sai phạm, nhất là phim có đường lưỡi bò phi pháp và báo về Cục Điện ảnh. Nhưng Bộ VHTTDL không đồng ý với đề xuất này.

Một trích đoạn trong phim (Nguồn: Doãn Quốc Đam):

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-thuong-200-000-dong-cho-khan-gia-phat-hien-phim-sai-pham-2269467.html