Bộ Tư pháp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh vừa chủ trì phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.

Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp theo 6 nhóm chính sách, gồm: Tăng thẩm quyền của một số chủ thể trong tình trạng khẩn cấp; rút gọn trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, quy định các biện pháp đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, phục hồi sản xuất kinh doanh sau tình trạng khẩn cấp; các biện pháp đặc biệt cứu trợ, hỗ trợ người dân để ứng phó, khắc phục hậu quả trong tình trạng khẩn cấp.

Bổ sung các biện pháp áp dụng trong tình huống sự cố, thảm họa có nguy cơ gây ra hoặc gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; các biện pháp Tòa án có thể áp dụng tình trạng khẩn cấp để duy trì hoạt động xét xử.

Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng Phạm Hải Châu cho biết, việc xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Dự án Luật sẽ tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp; góp phần bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận về nội dung Tờ trình và các chính sách được đề xuất. Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để xây dựng dự án Luật; nghiên cứu thêm quy định về phân loại và cấp độ tình trạng khẩn cấp, trong đó đưa ra các tiêu chí định lượng cụ thể; bổ sung thêm các quy định cụ thể về tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định áp dụng, trình tự, thủ tục, trường hợp áp dụng từng biện pháp hoặc nhóm biện pháp phù hợp với mức độ phân loại các trường hợp tình trạng khẩn cấp...

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định.

Thứ trưởng cũng đề nghị, cơ quan chủ trì phải làm rõ mối quan hệ giữa Luật này với các luật khác có quy định liên quan, từ đó có cách tiếp cận và xây dựng dự án Luật phù hợp. Theo Thứ trưởng, Luật Tình trạng khẩn cấp chỉ nên đưa ra các quy định chung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công bố, ban bố tình trạng khẩn cấp, còn các nội dung chi tiết sẽ được quy định ở các văn bản pháp luật chuyên ngành...

H.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bo-tu-phap-tham-dinh-de-nghi-xay-dung-du-an-luat-tinh-trang-khan-cap-169017.html