Bộ Tư pháp phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024

Ngày 22.3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024 với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Tư pháp

Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Trần Tiến Dũng và Mai Lương Khôi.

Tham dự hội nghị có: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu.

Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội Khóa XV thông qua vào ngày 18.1.2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm. Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương và 260 điều, so với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.

Những quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 nhằm giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh; qua đó để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh Luật Đất đai ở Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành tư pháp như: lĩnh vực thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý…

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 được ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5.3.2024 của Thủ tướng Chính phủ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ cần ban hành 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024, gồm: 9 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 6 Thông tư của Bộ trưởng. Qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy Luật Đất đai năm 2024 có 18 nội dung giao UBND cấp tỉnh phải quy định chi tiết và 1 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND cấp tỉnh. Điều này đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực của Bộ Tư pháp cũng như các Sở Tư pháp trong quá trình xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 để đưa luật vào cuộc sống.

"Để có thể triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu quả, chất lượng, Bộ, ngành Tư pháp cần chủ động nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Luật Đất đai; hiểu đúng và đầy đủ các điểm mới của luật này. Chính vì vậy Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt luật trong toàn ngành" - Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày những điểm mới của Luật Đất đai 2024

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Đất đai giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và một số lưu ý cho ngành tư pháp về: công chứng, chứng thực liên quan đến thực hiện quyền của người sử dụng đất; các quy định liên quan đến thi hành án; xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 tại cấp Trung ương và địa phương.

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương như Bình Dương, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cục Thi hành án dân sự… nêu lên các vướng mắc từ thực tiễn, qua đó kiến nghị những giải pháp trong triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Đại diện Sở Tư pháp An Giang phát biểu

Kết quả của hội nghị sẽ góp phần nâng cao chất lượng góp ý, thẩm định đối với các văn bản của cấp Trung ương và cấp địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng tinh thần và yêu cầu của Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng tham mưu của bộ, ngành tư pháp để đảm bảo hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo hiểu đúng và áp dụng đúng, hợp lý quy định của Luật Đất đai năm 2024, cũng như xử lý tốt các vấn đề liên quan trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành tư pháp, như: thi hành án dân sự, hoạt động công chứng, đấu giá, đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của nguồn lực đất đai, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/bo-tu-phap-pho-bien-quan-triet-trien-khai-luat-dat-dai-nam-2024-i363508/