Bộ trưởng Tài chính Afghanistan thành tài xế Uber ở Mỹ

Từng là bộ trưởng tài chính cuối cùng trong chính phủ cũ của Afghanistan, ông Khalid Payenda đã từ bỏ tất cả và đang lái xe taxi công nghệ Uber ở Washington, Mỹ để kiếm sống.

Cho đến mùa hè năm ngoái, ông Khalid Payenda vẫn là bộ trưởng tài chính của Afghanistan và giám sát ngân sách 6 tỷ USD.

Thế nhưng, giờ đây, 7 tháng sau khi Kabul rơi vào tay Taliban, ông đang cầm lái chiếc Honda Accord, đi về phía bắc trên Xa lộ Liên bang 95 từ ngôi nhà mới ở Woodbridge, thành phố thuộc bang Virginia, Mỹ

Ông Payenda vuốt điện thoại và mở Uber, ứng dụng đặt xe giúp ông kiếm thu nhập vào cuối tuần. Hiện tại, thành công của ông được tính bằng hàng trăm USD chứ không phải hàng tỷ.

“Nếu tôi hoàn thành 50 chuyến đi trong hai ngày tới, tôi sẽ nhận được 95 USD tiền thưởng”, ông nói.

Công việc mới này là cách ông kiếm sống và nuôi vợ con sau khi đã dùng hết số tiền tiết kiệm khiêm tốn. “Tôi cảm thấy biết ơn vì điều đó. Có việc làm nên tôi không rơi vào tuyệt vọng”, người đàn ông 40 tuổi nói.

Đối với ông Payenda, công việc này mang lại sự giải thoát tạm thời khỏi ám ảnh về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Afghanistan, nơi hứng chịu thảm họa hạn hán, đại dịch, các lệnh trừng phạt quốc tế, nền kinh tế sụp đổ, nạn đói và sự trỗi dậy của chính quyền Taliban.

Công việc là tài xế Uber giúp ông trang trải thu nhập cho gia đình tại Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Cho đến giờ, câu hỏi về chuyện gì đã xảy ra và ai là người có lỗi vẫn ám ảnh ông.

“Nó khiến tôi chìm trong cảm xúc tiêu cực", ông nói. Payenda cho biết ông cảm thấy bị mắc kẹt giữa cuộc sống cũ cùng những ước mơ dành cho Afghanistan và cuộc sống mới ở Mỹ - điều mà ông chưa bao giờ thực sự muốn.

“Tôi không thuộc về nơi đây (Mỹ), nhưng tôi cũng không còn thuộc về nơi đó (Afghanistan). Tôi cảm thấy trống rỗng”, ông Payenda nói.

Ngày Taliban lên nắm quyền

Chiếc điện thoại phát sáng, chỉ đường cho ông Payenda đến đón các vị khách là phương tiện lưu giữ câu chuyện trong những tháng cuối cùng của ông ở Afghanistan, qua ảnh, video và tin nhắn văn bản.

Ông Payenda đã từ chức bộ trưởng tài chính một tuần trước khi Taliban chiếm Kabul, trong bối cảnh tổng thống Afganistan khi đó là Ashraf Ghani chỉ trích ông trước một cuộc họp công khai, đồng thời quy trách nhiệm cho ông khi Bộ Tài chính không thể thanh toán với một công ty Lebanon.

"Ông ấy rất giận dữ", Payenda nhớ lại. Các phụ tá cho biết tâm lý căng thẳng khi quân đội Mỹ rút quân và những chiến thắng của Taliban khiến tâm lý cựu tổng thống Afghanistan trở nên bất ổn, thiếu tin cậy và nóng nảy.

Payenda không nghĩ rằng chính phủ sắp sụp đổ, nhưng ông cảm thấy mình đã mất lòng tin của tổng thống. Ông thậm chí còn lo lắng rằng cựu Tổng thống Ghani có thể sẽ bắt ông vì tội danh giả. Vì vậy, ông nhanh chóng lên máy bay đến Mỹ, nơi mà vợ và con ông, những người đã rời đi trước đó một tuần, đang chờ đợi.

Chiếc điện thoại lưu giữ câu chuyện trong những tháng cuối cùng của ông ở Afghanistan, qua ảnh, video và tin nhắn văn bản. Ảnh: Washington Post.

Vào ngày 15/8 - thời điểm chính quyền cũ Afghanistan sụp đổ, ông Payenda thức dậy vào khoảng 14h, sau khi kiệt sức vì theo dõi tin tức cho đến rạng sáng. Ông nhận được một tin nhắn văn bản từ giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới ở Kabul. "Thật là một ngày buồn", tin nhắn viết.

Payenda liếc nhìn Twitter và biết rằng Taliban hiện nắm quyền ở Afghanistan.

"Tất cả đã kết thúc, chúng tôi có 20 năm với sự hỗ trợ của cả thế giới để xây dựng một hệ thống hoạt động vì người dân. Nhưng chúng tôi đã thất bại”, ông trả lời lại.

Trong những giờ sau đó, các bộ trưởng nội các - đồng nghiệp của ông Payenda nhắn tin với nhau trên nhóm WhatsApp. Họ sốc, lo lắng cho nhau và sau đó là tức giận.

Các cuộc trò chuyện trên WhatsApp giờ đây như thể “đến từ một cuộc đời khác của tôi”, ông Payenda nói khi lái xe qua Washington. “Giống như một phần cuộc đời tôi chỉ là câu chuyện mà người khác kể cho tôi”.

Bảy tháng sau Taliban lên nắm quyền, vị trí bộ trưởng tài chính cũ của ông Payenda được nắm giữ bởi một người bạn thời thơ ấu của người sáng lập Taliban Mohammad Omar, kẻ đã gây dựng tên tuổi trong chiến tranh bằng cách quyên tiền cho những kẻ đánh bom liều chết ở Kandahar.

"Tôi ước mình không bao giờ nhận vị trí đó"

Việc trở thành tài xế taxi Uber tại Mỹ dường như là cách giúp ông Payendav quên đi cuộc sống cũ của mình. Đó là những ngày diễn ra tại trụ sở của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nơi ông từng tham gia các buổi đào tạo và gặp gỡ nhiều nhà kinh tế để thảo luận về tương lai đất nước.

Ông Khalid Payenda năm 2016. Ảnh: AFP.

Ông Payendav bị cuốn vào công việc này với mong muốn giúp đỡ quê hương mà ông phải rời đi khi còn nhỏ. Vào năm 1992, khi ông mới 11 tuổi, pháo kích đã nổ ra tại khu phố Kabul nơi ông sống.

Cả gia đình sau đó rời khỏi hầm trú ẩn để đến Pakistan. Một thập kỷ sau, khi người Mỹ lật đổ Taliban, ông trở lại để sáng lập trường đại học tư thục đầu tiên của Afghanistan.

Ông tin vào những điều mà người Mỹ nói rằng họ đang đấu tranh - dân chủ, quyền phụ nữ, nhân quyền. Ông làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ và Ngân hàng Thế giới, và năm 2008, ông đến Mỹ lần đầu tiên, theo học tại Đại học Illinois với học bổng Fulbright.

Ngay cả trong những năm cuối của chiến tranh, sau khi mục tiêu của người Mỹ chỉ còn là rời khỏi chiến trường Afghanistan, Payenda là một phần của một nhóm nhỏ các nhà cải cách trẻ - những người vẫn tin rằng có thể xây dựng một quốc gia có năng lực và dân chủ.

Ông trở thành thứ trưởng tài chính vào năm 2016, quyết tâm sửa chữa một số quy hoạch yếu kém khiến chính phủ không thể chi tới 50% ngân sách hàng năm. Vào thời điểm ông rời chính phủ vào năm 2019 và tạm thời chuyển đến Mỹ, ông đã giúp tăng số tiền chi tiêu lên hơn 90%.

Hai năm sau, trải nghiệm ác mộng trong bệnh viện Kabul kéo ông trở lại Afghanistan. Vào tháng 11/2020, ông trở lại thủ đô của Afghanistan để thực hiện một dự án ngắn hạn cho cựu Tổng thống Ghani và cha mẹ ông bị mắc Covid-19.

Payenda đã dành 13 ngày với họ trong phòng chăm sóc đặc biệt. "Đó là 13 ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi", ông nói.

Thế nhưng, bệnh viện đó - một trong những cơ sở công cộng tốt nhất ở Kabul - không đủ khả năng mua một chiếc máy trị giá 200 USD để giúp mẹ ông thở và bà đã qua đời.

Vài tuần sau, cựu Tổng thống Ghani đề nghị ông làm bộ trưởng tài chính. Vợ và các đồng nghiệp cũ của Payenda đã thúc giục ông từ chối lời đề nghị: Taliban đang thắng thế, người Mỹ rời đi, các vấn đề tham nhũng đang bòn rút nguồn thu của chính phủ, và mối đe dọa ám sát là có thật.

Nhưng điều kiện ở bệnh viện cùng sự đau khổ mà mẹ ông phải chịu đựng những ngày cuối đời đã thuyết phục Payenda nhận công việc này. Chừng nào ông còn tin rằng vẫn còn một khả năng thành công mong manh, ông muốn cố gắng.

Thế nhưng, giờ đây, ông nói với vợ rằng ông ước mình không bao giờ nhận vị trí đó.

"Chúng tôi đã thất bại. Tôi là một phần của thất bại. Thật khó khăn khi bạn nhìn thấy sự khốn khổ của người dân và bạn cảm thấy có trách nhiệm", ông chia sẻ.

Tương lai nào?

Hiện tại, bên cạnh việc làm tài xế Uber, ông Payenda cũng đồng giảng dạy một khóa học về chiến tranh và những nỗ lực tái thiết tại Đại học Georgetown. Công việc giảng dạy chỉ được trả 2.000 USD/một học kỳ, nhưng ông Payenda không làm điều đó vì tiền.

Ông hy vọng rằng lớp học sẽ giúp các học viên của ông - các quan chức tương lai của Bộ Ngoại giao Mỹ và nhân viên cứu trợ - nhìn nhận xung đột từ quan điểm của những người đang tiếp nhận viện trợ, hơn là những người cho đi.

Gần đây, ông Payenda cũng được đề nghị một công việc liên quan đến ngành phát triển quốc tế ở Iraq, nhưng vợ ông đã khuyên ông nên từ bỏ. Họ có 4 đứa con trong độ tuổi 2-15. “Bọn trẻ cần anh”, bà nói. "Và nếu anh cứ bay đi bay lại, anh sẽ không bao giờ ổn định ở đây".

Ông Payenda cùng vợ tại nhà của họ ở Woodbridge. Ảnh: Washington Post.

Trước khi Taliban nắm quyền, gia đình Payenda đã bị chia cắt nhiều lần trong suốt 6 năm trước đó. Vào năm 2015, họ đủ điều kiện để được cấp Thị thực Nhập cư Đặc biệt tại Mỹ, nhưng Payenda cho biết ông chưa bao giờ tưởng tượng về “một tương lai” cho mình ở đây.

“Tôi chỉ có một đất nước duy nhất, đó là Afghanistan”, ông nói.

Đôi khi khi đang lái xe, suy nghĩ của ông lại hướng về người cha 75 tuổi của mình, người đã quá yếu để chống chọi với đám đông chen chúc ở sân bay Kabul và trốn thoát. Ông biết rằng ông có thể dễ dàng giúp cha mình có được visa Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đất nước rơi vào tay Taliban, nhưng ông không ngờ sự sụp đổ lại đến nhanh như vậy.

“Điều hối tiếc lớn nhất của tôi là đã quá tập trung vào cải cách mà quên mất những thứ lớn hơn”, ông nói.

Ông nghĩ về các đồng nghiệp cũ của mình, bao gồm cả tổng giám đốc hải quan, những người đã bị thương trong vụ đánh bom sân bay tháng 8 và cũng đang mắc kẹt. Payenda ước rằng ông có thể làm được nhiều hơn để giúp đỡ họ.

Thế nhưng, giờ đây, ông chỉ có thể ngồi lái xe trong bóng tối, nghe những bài hát về tình yêu và đức tin của Afghanistan - giai điệu vốn đã là một phần trong cuộc sống của ông từ khi còn nhỏ nhưng hiện bị Taliban cấm đoán.

Sau một đêm làm việc, ông trở về nhà, tắt động cơ và bước đi một cách khó nhọc trên con đường lát gạch, lưng và chân đau nhức vì ngồi hàng giờ. Ông nhìn thấy ánh sáng từ sau rèm cửa trong phòng chơi trên lầu, nơi các con quên tắt đèn.

Giống như nhiều người Afghanistan rời khỏi đất nước, Payenda nhận thấy rằng khi ông cố gắng tưởng tượng về một tương lai mới cho bản thân, suy nghĩ của ông lại hướng về những đứa con của mình.

“Tôi nghĩ một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa là nơi bạn có thể nuôi dạy những đứa trẻ có trách nhiệm, ý thức và không quá hư hỏng hay quá ham vật chất”, ông nói.

Cảnh hỗn loạn ở Kabul sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 30/8, kết thúc 20 năm can dự quân sự ở quốc gia Nam Á.

Minh An

Theo: Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-truong-tai-chinh-afghanistan-thanh-tai-xe-uber-o-my-post1272204.html