Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lan tỏa sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần phải lan tỏa sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp, để làm sao trên một đơn vị diện tích nông nghiệp tạo ra giá trị nhiều hơn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải lan tỏa sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp - Ảnh: Nguyễn Giang

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải lan tỏa sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp - Ảnh: Nguyễn Giang

Theo ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng ngành đã, đang và sẽ đối mặt với "3 chữ biến": Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững.

Do đó, từ các thực tiễn, ngành NN-PTNT vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.

Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2023 khép lại với những thành tựu rất lớn mà toàn ngành đã đạt được khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 53 tỉ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỉ USD - mức cao nhất trong những năm gần đây. Vai trò, vị thế "trụ đỡ" của nông nghiệp càng ngày càng được khẳng định. Bộ trưởng muốn chia sẻ điều gì với báo chí trong năm mới?

+ Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2023. Để đạt được kết quả này, có lẽ là thành công trong kích hoạt được tư duy kinh tế và tư duy thị trường.

Trước đây, ngành nông nghiệp tạo ra được sản lượng nhiều nhất, nhưng sản lượng càng cao đôi lúc thu nhập của người nông dân không phải vậy. Được mùa thì mất giá, nhiều khi chúng ta nên sản xuất ít hơn để có thể được nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu không có thị trường thì cũng không thể kích hoạt được sản xuất.

Thị trường ngày càng khắc nghiệt hơn và chúng ta không chỉ mở cửa thị trường mà cần hiểu được đặc điểm của từng thị trường. Có những nông sản tiêu thụ sang Trung Quốc được, song không tiêu thụ được sang châu Âu. Hay có nông sản bán được ở Mỹ, nhưng không bán được ở châu Âu... Trước đây, chúng ta cho rằng thị trường chỉ là nơi mua bán, nay thị trường còn là văn hóa tiêu dùng. Ngay cả 27 quốc gia châu Âu cũng không phải cùng một xu thế tiêu dùng.

Do đó, quan trọng khi mở cửa thị trường là phải chuyển vùng nguyên liệu sản xuất cho nông dân và trách nhiệm của Bộ NN-PTNT là gắn tiêu chuẩn của thị trường xuống vùng nguyên liệu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm nông nghiệp tại Hội nghị tổng kết ngành NN-PTNT năm 2023. Ảnh: Nguyễn Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm nông nghiệp tại Hội nghị tổng kết ngành NN-PTNT năm 2023. Ảnh: Nguyễn Giang

Sự thành công trong xuất khẩu nông sản đã chứng minh rằng nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được những thị trường khắt khe nhất" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Chẳng hạn gạo Việt Nam được đưa vào thị trường Nhật Bản, EU… Ngay cả Trung Quốc hiện cũng không phải là thị trường dễ tính mà ngày càng siết chặt hàng rào kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm.

Thị trường không chỉ là yếu tố cung cầu, bởi còn có những yếu tố ngoại giao. Do đó, thành tích của ngành nông nghiệp là những hình ảnh của đất nước và khi hình ảnh đất nước nâng lên thì niềm tin vào nông sản Việt cũng nâng lên theo.

Chiến lược của Đảng, Nhà nước xác định nông sản như là hình ảnh quốc gia và truyền đi thế giới với thông điệp: Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn là không của riêng ai. Mỗi người, bằng chức nghiệp, nghề nghiệp của mình đều có thể đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết của Đảng.

Báo chí có sức mạnh diệu kỳ của báo chí, sẽ dẫn dắt được tâm thức của xã hội để thay đổi. Một câu mà tôi hay nói, đó là mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì sẽ khó khăn hơn.

Chúng ta hay nói nhiều quá về cái giá phải trả cho sự thay đổi, nhưng chúng ta ít cân nhắc đến cái giá chúng ta phải trả nếu chúng ta không thay đổi hoặc chúng ta chả thay đổi.

Thế giới giờ không đứng yên giống như như chúng ta nghĩ. Người ta bây giờ không mua một sản phẩm nữa, mà mua cách tạo ra sản phẩm, mua câu chuyện tạo ra sản phẩm đó của người nông dân, của một ngành hàng của một đất nước.

Tại sao người ta không mua một con cá của mình nếu mình vi phạm IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định)?. Đó là người ta mua cái cách tạo ra cái sản phẩm đó.

Thủ tướng và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của ngành nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Giang

Thủ tướng và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của ngành nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Giang

Xưa giờ ta hay quen nghĩ: Sản phẩm của tôi là ngon, cafe của tôi là ngon, xoài của Đồng Tháp là ngon. Nhưng, ngon không phải là yếu tố quyết định, mà chỉ là một điều kiện cần mà thôi. Ngon còn phụ thuộc vào khẩu vị và văn hóa tiêu dùng của mỗi quốc gia. Có thể cái của mình ngon chưa chắc người ta nói là ngon; hay cái người ta ngon chưa, chắc mình xem nó là ngon. Đó là chuyện đời thường. Thành ra, nhiều khi mình tự hào miết theo cái đó thì mình chậm thay đổi.

Phải cân bằng giữa sự phát triển và giữ gìn hệ sinh thái, môi trường tự nhiên

- Thưa Bộ trưởng, tư duy xanh trong phát triển ngành nông nghiệp cần được hiểu và thực hiện như thế nào trong giai đoạn tới?

+ Nói tư duy xanh nhưng có lẽ chúng ta ít hiểu đây thực sự là cái gì. Thực ra chữ "xanh" đi sau chữ "nâu". Trước đây ta nói nền kinh tế "nâu" - nền kinh tế vì sự phát triển mà làm biến dạng môi trường.

Để phục vụ cuộc sống của con người chúng ta đã khai thác và nghĩ làm vậy là để nuôi sống con người, mà không biết rằng đang tạo ra sự biến dạng về mặt môi trường, biến dạng về mặt đa dạng sinh học.

Chúng ta quên rằng: Môi trường tồn tại có thể không cần có con người, nhưng con người không thể tồn tại mà không có môi trường xanh xung quanh mình, đó là khí oxy để chúng thở, và bóng mát chúng ta hưởng thụ. Cho nên, cái "xanh" là cái mà chúng ta cân bằng giữa sự phát triển và giữ gìn hệ sinh thái, môi trường tự nhiên.

Mô hình tôm, lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

Mô hình tôm, lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

Đã có thời chúng ta nghĩ rằng, muốn phát triển thì phải đánh đổi. Muốn tăng trưởng thì phải hi sinh. Nhưng giờ cần phải hành động xanh để sản xuất xanh, cân bằng giữa sự phát triển với hệ sinh thái, môi trường tự nhiên.

Ví dụ khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Đề án thủy sản phát triển bền vững, thì chữ "bền vững" đó chính là mục tiêu và giải pháp.

Hay cần phải thấy được rằng trong xuất khẩu đồ gỗ, viên nén Châu Âu quy định EUDR truy xuất nguồn gốc, hôm nay chỉ xem sản phẩm của nước xuất khẩu có vi phạm phá rừng hay không, nhưng ngày mai người ta có thể xem xét đến các vấn đề cao hơn: Khi sản xuất gỗ nhà sản xuất có dùng năng lượng hóa thạch hay không, vì sử dụng năng lượng này đã ảnh hưởng đến môi trường.

Bây giờ người ta không phải chỉ là mua một sản phẩm, mà còn là mua cách tạo ra sản phẩm đó" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Như vậy, bây giờ người ta không phải chỉ là mua một sản phẩm, mà còn là mua cách tạo ra sản phẩm đó. Thế giới đã đặt trên bàn nghị sự chuẩn bị xem nguồn gốc tạo ra sản phẩm đó, ví dụ như có sử dụng lao động trẻ em không, sản xuất có ảnh hưởng môi trường hay không, gây biến đổi khí hậu hay không? Không chỉ trực tiếp sản phẩm đó, mà còn các yếu tố tác động tạo ra sản phẩm đó, trong đó đặc biệt là năng lượng. Cả thế giới đã giảm nhiệt điện để giảm phát thải, nếu truy xuất ra nhà sản xuất vẫn sử dụng thì sẽ không mua nữa.

Có thể hôm nay điều này chưa xảy ra nhưng chắc chắn điều này đã được đặt trên bàn nghị sự của Liên minh Châu Âu và của các quốc gia khác.

Hiện nay, EU truy xuất đồ gỗ, cà phê, cao su, điều… có trồng ở quốc gia vi phạm phá rừng không, nhưng sắp tới họ sẽ truy xuất cả gỗ mà chúng ta nhập về để làm nguyên liệu, truy xuất xem nước xuất khẩu gỗ sang Việt Nam có vi phạm phá rừng hay không.

Chúng ta phải thích ứng với xu thế thay đổi: Xu hướng xanh hóa toàn cầu là một xu thế không thể đảo ngược và Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng cam kết.

- Vậy để đáp ứng xu thế này, ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì?

+ Từ tư duy xanh đến hành động xanh và lối sống xanh, bắt đầu được chuyển vào hệ thống giáo dục, đi vào các trường học từ lứa tuổi nhỏ nhất như mẫu giáo. Tư duy này cho chúng ta đào tạo nên những ngành nghề phù hợp, sản phẩm phẩm xanh là sản phẩm cuối cùng chúng ta đóng góp cho xã hội.

Vì vậy, cần giáo dục về tình yêu thiên nhiên, môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường như một phản xạ tự nhiên.

Tuy nhiên, vấn đề giáo dục về môi trường mới bắt đầu nên nhiều khi đề cập đến vấn đề này, nhiều người, đặc biệt là nông dân cho rằng vấn đề này xa vời quá, huyễn hoặc quá, họ không hiểu và không cho rằng trồng nhiều, nuôi nhiều lại có thể gây biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, vai trò truyền thông rất quan trọng, phải giáo dục từ từ, không thể năm nay nói xanh thì năm sau sẽ xanh.

Việt Nam là đất nước đang phát triển, đồng hành cùng thế giới và thế giới đang bắt đầu có những nguồn lực tài trợ cho Việt Nam để bảo vệ môi trường, tăng trưởng "xanh". Nhưng dù tài trợ bao nhiêu đi nữa nhưng nếu Việt Nam không vượt qua được tư thế đối phó thì sẽ không thành công.

Cần phải thấy rằng, trước sau gì cũng phải đổi mới, phải "xanh hóa", quốc gia nào đi trước sẽ thành công trước. Ủy ban Châu Âu (EC) rất tôn trọng Việt Nam vì Việt Nam đã chủ động sang EU bàn bạc về vấn đề này. EC đánh giá cao về hành động này và đánh giá Việt Nam là quốc gia tiên phong trong thực hiện các cam kết này và họ sẽ có nghĩa vụ với chúng ta để cấu trúc lại thị trường xanh. Bởi, như tôi đã nói ở trên, xu hướng xanh hóa là xu hướng không đảo ngược được.

- Với kết quả đã đạt được trong năm 2023, Bộ sẽ có những định hướng phát triển như thế nào trong năm 2024, thưa Bộ trưởng?

+ Ngành nông nghiệp lan tỏa sâu sắc hơn hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp và ngành đang nỗ lực chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư kinh tế nông nghiệp. Ngành cũng sẽ nghiên cứu giải pháp để trên một đơn vị diện tích nông nghiệp tạo ra giá trị nhiều hơn. Cùng với đó, nông nghiệp không chỉ đơn thuần là nông nghiệp mà tích hợp nhiều ngành, lĩnh vực mới tạo ra giá trị. Đồng thời, tạo ra không gian phát triển cho nông nghiệp.

Chẳng hạn như nông nghiệp du lịch ở Đài Loan (Trung Quốc) đã chứng minh, lợi nhuận thu nhập người nông dân tăng gấp 5 - 10 lần. Hay như làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp trước chỉ bán hoa thì nay thu hẹp sản xuất để tạo thêm điểm dừng nghỉ cho du khách. Vì vậy, những điều vô hình chưa khai thác còn giá trị nhiều hơn những cái hữu hình.

Về vấn đề thứ hai là tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp, những cụm từ như du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang, nông nghiệp công nghệ cao, Nông nghiệp thông minh…, tư duy từng năm một cần phải thay đổi, mà phải nghĩ cho 5 năm sau, thậm chí 10 năm sau...

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thị trường trong nước hay ngoài nước cũng đều là thị trường, làm sao tiêu thụ được nông sản cho bà con nông dân với giá tối ưu, nông dân bán giá 10 đồng trừ chi phí sản xuất 9 đồng thì lãi 1 đồng, nhưng trường hợp chỉ bán với giá 8 đồng, chi phí sản xuất chỉ hết 6 đồng thì lãi 2 đồng. Kinh tế là ở chỗ đó. Kinh tế là bài toán trừ chứ không phải chỉ ở đầu ra, thực tế đo lường được thu nhập của người nông dân mới là quan trọng.

Văn Duẩn (thực hiện)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bo-truong-le-minh-hoan-lan-toa-sau-sac-hon-nua-tu-duy-kinh-te-nong-nghiep-196240211143807837.htm