Bộ trưởng Kinh tế Malaysia: 'Thói quen ăn hàng khiến đất nước nghèo hơn'

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia hứng nhiều chỉ trích sau khi phát biểu rằng việc ăn ngoài tiệm khiến đất nước nghèo hơn.

Mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli cho biết thói quen ăn ngoài thường xuyên của người dân Malaysia là nguyên nhân khiến đất nước nghèo hơn.

“Chúng ta có thể thấy rằng số tiền mà người dân Malaysia chi tiêu cho việc đi ăn ngoài, dù là mua về hay ăn tại quán đều tăng qua các năm”, ông nói. Đồng thời, Bộ trưởng Kinh tế cũng đề nghị người dân nên tự nấu ăn ở nhà, thay vì đi ăn hàng, để tiết kiệm tiền.

Phát biểu của ông Ramli ngay lập tức gây ra làn sóng phản đối. Ông Christopher Choong, Phó giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Khazanah của Malaysia, cho biết: “Việc ăn ngoài sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian để làm nhiều việc khác”.

Ông Choong cũng chỉ ra rằng Bộ trưởng Kinh tế đã không tính đến các chi phí phát sinh khi nấu ăn tại nhà. Nếu nấu ăn tại nhà, người dân cần phải mất thời gian lên tính xem ăn gì, đi chợ, nấu nướng và dọn dẹp.

Ăn ngoài hay gọi đồ ăn ngoài đã trở thành một nét văn hóa của nhiều người Malaysia.

Những công việc này chiếm rất nhiều thời gian, khiến nhiều người không có thời gian, hoặc không thể tập trung vào những công việc có thể giúp họ kiếm ra tiền, ông Choong nhận định.

Anh Asrul, một người độc thân tại Malaysia, cho biết: “Mọi người nói rằng nấu ăn ở nhà rẻ hơn nhưng thực tế nấu ăn cho một người lại rất tốn kém”.

Một nghiên cứu về chủ đề ăn uống bên ngoài vào năm 2020 chỉ ra rằng tình trạng “nghèo thời gian” đã ảnh hưởng đến 61,5% phụ nữ và 48% nam giới ở Malaysia, đặc biệt là ở các thành viên của hộ gia đình có thu nhập thấp tại thủ đô Kuala Lumpur.

Chưa kể, việc đi lại giữa chỗ làm và nhà khá tốn thời gian khiến nhiều người không muốn nấu ăn tại nhà sau khi kết thúc giờ làm việc. Nghiên cứu năm 2022 của công ty bản đồ kỹ thuật số TomTom cho thấy người Malaysia mất 159 giờ vì tắc đường mỗi năm, trong khi người Singapore và người Hong Kong mất 150 giờ và 141 giờ. Chính vì thế, nhiều người Malaysia lựa chọn đi ăn ngoài hoặc gọi đồ ăn ngoài khi họ đã mất quá nhiều thời gian đi lại trên đường.

Các quán ăn có thể là nguồn lợi cho hoạt động du lịch và kinh tế của Malaysia.

Số lượng những quán ăn phục vụ 24/24 giờ trên khắp Malaysia bắt đầu tăng mạnh vào những năm 1990. Đây là kết quả của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của quốc gia này.

Ban đầu, các quán ăn 24/24 giờ phục vụ cho những công nhân nhà máy làm việc ca đêm và ca sáng sớm. Sau đó, dần dần các quán ăn này mở rộng phục vụ cho những người xem bóng đá, người dân có nhu cầu và cả khách du lịch trong nước lẫn khách quốc tế.

“Điều này đã trở thành một yếu tố mạnh mẽ trong nền văn hóa ẩm thực đường phố của chúng tôi. Thay vì chỉ trích người dân hay đi ăn ngoài, chúng ta nên bảo vệ điều đó”, một tài xế ở Kuala Lumpur cho biết.

Cũng theo tài xế này, qua nhiều năm lái xe chở khách du lịch ở Kuala Lumpur, ông nhận thấy nhiều du khách bị hấp dẫn bởi văn hóa ẩm thực đường phố của Malaysia và “đây có thể là nguồn lợi lớn cho hoạt động du lịch và nền kinh tế của đất nước về lâu dài”.

Minh Nhật

Theo SCMP

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bo-truong-kinh-te-malaysia-thoi-quen-an-hang-khien-dat-nuoc-ngheo-hon-20180504224289438.htm