Bộ trưởng KH-CN: Rất khó tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng thực tế

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 7-6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn sáng 7-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn sáng 7-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) chất vấn, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, cân đối bố trí vốn cho ngành. Dù hoạt động khoa học, công nghệ có nhiều tính đặc thù, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thanh Đạt, quan trọng là xác định được những kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học, đóng góp vào uy tín của các trường, viện nghiên cứu. Hiện đã có 9 trường đại học Việt Nam được xếp hạng trong bản đồ thế giới.

Bộ trưởng nhấn manh, các đề tài nghiên cứu có rủi ro, độ trễ, không phải lúc nào cũng chuyển giao, đưa vào ứng dụng ngay, bởi công tác này không phải của chính nhà khoa học mà của các đơn vị trung gian là các doanh nghiệp.

Hiện, Nhà nước có cơ chế chính sách khuyến khích để ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu khoa học từ nhà trường, viện nghiên cứu ra xã hội. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách còn vướng mắc phải tháo gỡ như Nghị định 70 về quản lý tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ sẽ kiến nghị để sửa đổi, bổ sung.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta luôn dành nguồn lực lớn cho phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên vấn đề sử dụng nguồn lực này như thế nào vẫn còn nhiều bất cập. Hiện trong tổng kinh phí dành cho khoa học công nghệ, chỉ có khoảng 13% dành cho nghiên cứu, còn lại dành cho chi bộ máy, chi thường xuyên… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong những năm tới cho vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) tại phiên chất vấn sáng 7-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) tại phiên chất vấn sáng 7-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Bộ trưởng KH-CN cho biết, một trong các giải pháp cần thực hiện là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về phương thức họp, kiểm tra, đánh giá, sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung để tăng hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch trong quá trình quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Về việc đầu tư kinh phí cho sự nghiệp khoa học ở các vùng khó khăn, Bộ trưởng cho biết, hàng năm, trên cơ sở tổng hợp, rà soát, đề xuất nhu cầu, kinh phí năm kế hoạch của các địa phương, Bộ KH-CN làm việc với Bộ Tài chính về nguyên tắc, phương án phân bổ kinh phí cho các địa phương theo các tiêu chí. Bộ KH-CN đề xuất mức tăng kinh phí hàng năm từ 5 đến 10% tùy theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương để gửi Bộ Tài chính xem xét, bố trí thích hợp, quan tâm đến những vùng khó khăn. Với các tỉnh miền núi khó khăn, Bộ có sự ưu tiên trong phân bổ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định về ngân sách và chu kỳ ổn định phân bố ngân sách.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202306/bo-truong-kh-cn-rat-kho-tinh-toan-cu-the-bao-nhieu-de-tai-duoc-dua-vao-ung-dung-thuc-te-3168245/