Bộ trưởng GTVT: Quyết liệt, kiên trì hơn nữa trong công tác đảm bảo TTATGT

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024.

TNGT giảm nhưng chưa bền vững

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác đảm bảo TTATGT, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân ngày càng gia tăng.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị (ảnh: Tạ Hải).

"TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét, có lúc có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm giao thông chưa được khắc phục triệt để, TNGT giảm nhưng chưa bền vững", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp TTATGT thời gian tới cần kiên trì, kiên quyết và quyết tâm hơn nữa.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, các địa phương tham gia hội nghị nhìn thẳng vào các vấn đề nổi cộm về đảm bảo TTATGT trong thời gian qua, đặc biệt trong quý I/2024, chỉ rõ các khó khăn vướng mắc, phân tích cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đồng thời, đề xuất đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, khả thi hơn trong thời gian tới.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/3/2024, toàn quốc xảy ra 6.550 vụ TNGT, làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.194 vụ (tăng 22,3%), giảm 484 người chết (giảm 15,1%), tăng 1.847 người bị thương (tăng 54,3%).

Trong đó, đường bộ, xảy ra 6.496 vụ, làm chết 2.686 người, bị thương 5.239 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.179 vụ, giảm 490 người chết, tăng 1.845 người bị thương. Trong đó, có 6 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 22 người, bị thương 4 người.

Đường sắt xảy ra 40 vụ, làm chết 30 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 11 vụ, tăng 9 người chết.

Đường thủy xảy ra 14 vụ, làm chết 7 người, bị thương 2 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 4 vụ, giảm 3 người chết, tăng 2 người bị thương.

Hàng hải xảy ra 2 vụ, không gây thương vong về người.

Ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo tại Hội nghị (ảnh: Tạ Hải).

22 địa phương có số người chết do TNGT tăng

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, quý I/2024 có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 11 địa phương giảm trên 30% số người chết là: Long An, Hậu Giang, Bình Thuận, Thái Nguyên, Ninh Thuận, TP.HCM, Bình Định, Sơn La, Quảng Nam, Phú Thọ, Bình Phước. Đặc biệt, các tỉnh: Long An, Hậu Giang, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do TNGT.

Tuy nhiên, vẫn còn 22 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là: Tiền Giang, Bến Tre, Điện Biên, Quảng Trị, Hưng Yên, Hà Giang, Đồng Tháp, TT-Huế, Lào Cai, Cà Mau.

Và 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% trở lên là: Hà Giang, Đồng Tháp, TT-Huế, Lào Cai, Cà Mau.

Đặc biệt, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình như vụ TNGT ngày 23/1/2024 trên địa bàn Đà Nẵng làm 2 người tử vong, bị thương 20 người; Vụ TNGT ngày 18/2/2024, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm 3 người chết, 2 người bị thương; Vụ TNGT ngày 5/3/2024, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang làm 5 người chết, 9 người bị thương…

Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.

Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện, khiến cho hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông tiếp tục diễn ra, điển hình như một số vụ xe container rơi cuộn thép tại TP.HCM (tháng 1/2024), tại Hà Nội (tháng 2/2024).

Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn tiếp diễn trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn, do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao vượt quá năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Nguyên nhân là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép... còn diễn ra khá phổ biến; Hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng.

Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về TNGT trên mạng lưới kết cấu hạ tầng, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về TTATGT dành cho các đoàn thể, chính trị xã hội.

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/bo-truong-gtvt-quyet-liet-kien-tri-hon-nua-trong-cong-tac-dam-bao-ttatgt-192240424090530821.htm