Bộ trưởng diệt 'giặc đói', 'giặc dốt'

Trên cương vị là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuy thời gian không dài (25/8/1945 - 2/3/1946), nhưng vào thời điểm khó khăn nhất, khi chính quyền cách mạng trong tình thế 'ngàn cân treo sợi tóc', Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói, nạn dốt - hai trong ba loại giặc nguy cấp của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

Chân dung cụ Nguyễn Văn Tố.

Cụ Nguyễn Văn Tố, hiệu Ứng Hòe, sinh ngày 5/6/1889 trong gia đình nhà nho yêu nước ở làng Ðông Thành, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cụ không chỉ uyên thâm về Hán học mà còn tinh thông cả Tây học. Sau khi tốt nghiệp Trường thông ngôn, cụ vào làm việc tại Viện Viễn Ðông Bác Cổ - cơ quan nghiên cứu lịch sử văn hóa của người Pháp ở Hà Nội. Tại đây, Cụ trở thành một học giả tên tuổi được các thành viên trong Viện nể trọng. Những công trình nghiên cứu của Cụ về các lĩnh vực lịch sử, văn học, ngôn ngữ, khảo cổ học đã gây được tiếng vang lớn, nội dung của các công trình thể hiện một tấm lòng yêu nước nồng nàn.

Năm 1938, Hội truyền bá Quốc ngữ ra đời góp phần chống lại chính sách ngu dân của chính quyền thực dân, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Hội trưởng. Nhờ có uy tín trong giới trí thức và sự khéo léo của Cụ trong cách tổ chức hoạt động, phong trào truyền bá Quốc ngữ đã lan rộng và phát huy hiệu quả. Chỉ sau 6 năm hoạt động, riêng ở Bắc Kỳ đã thành lập được 20 chi nhánh, xóa mù chữ cho hơn 5 vạn người.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia việc nước, nhậm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cương vị mới, cụ Nguyễn Văn Tố đã làm việc không mệt mỏi để tổ chức và động viên nhân dân tích cực tham gia phong trào quyên góp gạo để cứu đói.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 6 việc cấp bách cần làm ngay, trong đó vấn đề số 1 được xác định là cứu đói. Ngày 28/9/1945, trong bức thư gửi thư cho toàn thể đồng bào đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy, tôi đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngày 2/11/1945, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, ông Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội được thành lập đồng thời ở Hà Nội, Thuận Hóa, Sài Gòn và có chi nhánh tại các tỉnh, các làng với mục đích cứu dân khỏi đói, khỏi rét. Phương pháp hoạt động chủ yếu là tìm nguồn thực phẩm, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ; phát triển sản xuất, khuyến khích công việc đồng áng và trông nom đê điều; giúp đỡ nhân dân trong việc khai khẩn đất hoang hóa để đưa vào sản xuất.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố phát động nhiều cuộc vận động quyên góp ủng hộ người lao động nghèo và tổ chức nhiều triển lãm về chủ đề “nạn đói” cuối năm 1944 đầu năm 1945 do thực dân Pháp, phát xít Nhật gây ra. Nhờ đó, đã tạo được phong trào thi đua cứu đói rầm rộ trên cả nước từ các làng, xã cho đến các xí nghiệp sản xuất; làm cho các nhà tư sản, địa chủ bỏ tiền của, thóc gạo cứu đói. Trong khoảng thời gian 2 tháng (tháng 9 đến 11/1945), Bộ Cứu tế xã hội đã quyên góp ở 3 miền với số tiền 160 triệu đồng và gạo từ Nam ra Bắc giao cho Hội Cứu đói.

Cùng thời điểm này, xét thấy yêu cầu và nhiệm vụ của Chính phủ đặt ra là phải thực hiện ngay các biện pháp cứu tế xã hội, ngày 31/12/1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố ra Sắc lệnh 63 về thành lập Hội Cứu tế xã hội với nhiệm vụ: Cứu giúp và vận động nhân dân tương trợ giúp đỡ những người lao động đói rách do thiên tai địch họa; những người mất sức lao động hoàn toàn và không có nơi nương tựa; giúp đỡ, cải tạo những người chưa quen lao động do xã hội cũ gây ra như: Gái điếm, lưu manh, nghiện hút, cơ nhỡ… và tạo điều kiện cho họ sinh sống.

Sắc lệnh yêu cầu ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam phải thành lập một cơ sở y tế ở địa phương để có thể thực hiện tốt công tác cứu tế khi đời sống của nhân dân tại địa phương gặp khó khăn. Ban Cứu đói có nhiệm vụ xem xét tình hình đời sống nhân dân trong nạn đói để ấn định phương pháp chẩn tế. Ban Thóc gạo có nhiệm vụ thu mua thóc gạo, trông nom công tác vận tải để thiết lập các kho chứa gạo. Ban Di dân tiến hành điều tra và tìm việc cho nạn nhân, với sự phối hợp của Bộ Canh nông và Bộ Lao động. Đối với Ban Hội thiện cần tiến hành giám sát các hội có tính cách cứu tế xã hội tổ chức, xem xét sự thu chi của các hội đó. Ban Dân sinh có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các điều lệ trong quá trình cứu tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên trái) tại Lễ mít tinh vận động cứu đói tổ chức trước Nhà hát lớn Hà Nội năm 1945.

Ngày 28/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 67 thành lập Ủy ban tối cao Cứu tế và tiếp tế của Chính phủ với nhiệm vụ: “Xét tình hình kinh tế hiện thời và cần phải đề phòng nạn đói có thể tái diễn ở Bắc bộ và một vài tỉnh ở Trung bộ, nay cử một ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế, gồm Bộ trưởng các Bộ Kinh tế, Canh nông, Cứu tế. Ủy ban có toàn quyền hành động để nghiên cứu và thi hành những biện pháp cần thiết để tăng gia sản xuất để tiếp tế và cứu tế cho nhân dân trên toàn cõi Việt Nam”.

Thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/11/1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc dân kinh tế ký Nghị định số 41-BKT đưa ra các biện pháp khuyến khích tận dụng nguồn đất đai trồng màu cứu đói và phối hợp Bộ Canh nông tổ chức thêm những cơ sở gia tăng tập thể, dùng nguồn đất công cộng gia tăng sản xuất, chỗ nào có đất trống đều trồng trọt rau màu… Do vậy, kết quả sản lượng màu đã tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc, trong 6 tháng (tháng 11/1945 đến 5/1946) đã đạt 614.000 tấn quy ra thóc là 506.000 tấn và nạn đói đã bị đánh lùi.

Không chỉ có đóng góp to lớn đối với việc giải quyết nạn đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố cùng với thành viên Chính phủ từng bước thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt “giặc dốt”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để nâng cao dân trí cho hàng triệu đồng bào như: phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ chuyên trách và đưa về các địa phương gây dựng cơ sở. Trong một thời gian ngắn, Bộ Cứu tế xã hội và Nha Bình dân học vụ đã tổ chức được 3 lớp huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ bình dân học vụ cho cấp tỉnh mang tên “khóa học Hồ Chí Minh”, “Phan Thanh” và “Đoàn kết”. Sau khi tham gia huấn luyện, học viên tản về các địa phương trong cả nước tích cực tuyên truyền vận động và trực tiếp dạy chữ cho hàng triệu đồng bào. Nhờ đó, tỷ lệ người không biết chữ giảm xuống, dân trí được nâng lên, có hàng triệu đồng bào tham gia học tập và học tập trở thành nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân.

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là đòi hỏi cấp bách, quan trọng hàng đầu để củng cố, tăng cường chính quyền với nhân dân. Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành, cả nước bầu được 333 đại biểu. Cụ Nguyễn Văn Tố được cử tri Nam Định bầu và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I.

Thư viết tay của cụ Nguyễn Văn Tố gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6/1/1947 về việc báo cáo các công tác đã làm trong chuyến đi tuyên truyền, vận động nhân dân tại Hoài Đức, Hà Đông (2 - 5/1/1947).

Ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, các đại biểu đã nhất trí bầu cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội ngày nay). Trên cương vị này (từ ngày 2/3 đến 9/11/1946), cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn với dân tộc và cách mạng Việt Nam, góp phần vào việc củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đường lối đối nội, đối ngoại, đưa đất nước thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ban Thường trực Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Nguyễn Văn Tố luôn góp sức cùng Chính phủ giải quyết những khó khăn của đất nước, đã lên tiếng phản kháng và tố cáo những hành vi trái tín nghĩa của thực dân Pháp trước dư luận thế giới và kêu gọi quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ để sẵn sàng đối phó.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cụ cùng các thành viên của Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp tiến hành một cuộc tập kích bằng không quân, đổ bộ xuống thị xã Bắc Kạn với hy vọng tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Cụ Nguyễn Văn Tố sa vào tay giặc, bị chúng tra tấn dã man và sát hại khi sự nghiệp cách mạng còn dang dở.

Đến nay, sau 76 năm Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố qua đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhưng các chính xã hội của cụ Nguyễn Văn Tố có giá trị nền móng cho các chính sách an sinh xã hội hôm nay.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/bo-truong-diet-giac-doi-giac-dot-20230825153848.htm