Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Phát biểu khai mạc, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Hội nghị hôm nay là một trong những hoạt động cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên của Bộ Thông tin và Truyền thông cho các cơ quan báo chí về công tác hội nhập”.

Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị được chia làm 3 phiên cung cấp nền tảng cho báo chí về chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước về các vấn đề thời sự quan trọng trên thế giới, như các bất ổn địa chính trị, xung đột vũ trang ở Ukraine, Gaza..., cũng như các chủ đề về sự hợp tác giữa Việt Nam với UNESCO và ASEAN.

Trong phiên tham luận của mình, ông Vũ Duy Thành, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách đối ngoại - Bộ Ngoại giao cho rằng cục diện thế giới hiện nay khác so với các giai đoạn trước là “thế giới đang đứng trước thời điểm bước ngoặt, dịch chuyển nhanh hơn sang cục diện mới đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc”. Cùng với đó là tính bất ổn, bất định và bất trắc gia tăng.

Trong phiên tham luận của mình, ông Thành chỉ ra rằng “đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như trong phát biểu kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và Hội nghị Ngoại giao 32 năm 2023, được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại. Đại hội XIII nêu “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa”. Đặc biệt, “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Ông cũng nêu rõ: "Về mục tiêu đối ngoại, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, đối ngoại hướng tới 3 mục tiêu là “an ninh, phát triển và ảnh hưởng”. Đại hội XIII đã cụ thể hóa rõ mục tiêu này là “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.

Quang cảnh Hội nghị.

Trong khi đó, thông qua phiên tham luận có nội dung “Thành tựu xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò và vị trí của ASEAN trong cục diện toàn cầu và quan hệ với các đối tác ngoại khối. Trọng tâm hợp tác ASEAN giai đoạn tới và định hướng tham gia của Việt Nam”, ông Trịnh Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng, Vụ ASEAN – Bộ Ngoại giao cũng đã giúp báo chí nắm rõ về các chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng của ASEAN đối với tình hình an ninh trong khu vực; khẳng định rằng Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đang ngày có vị thế cao trên trường quốc tế.

Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình bày một vấn đề rất được quan tâm khác là: Tầm nhìn 2035 về Thông tin Truyền thông ASEAN: “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng”. Thông qua bài tham luận, ông đã cung cấp cho báo chí chi tiết về các hoạt động hợp tác về thông tin trong khối ASEAN, như chống tin giả, tin sai lệch, xấu độc; Truyền thông về ASEAN và tăng cường “Bản sắc ASEAN”.

Về vấn đề UNESCO, ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (thường trực UBQG UNESCO Việt Nam) cũng đã có những chia sẻ về việc tình hình bất ổn về nhiều mặt trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, UBQG UNESCO Việt Nam đang có nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn để đạt được các mục tiêu về các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, khoa học, và thông tin truyền thông.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-thong-tin-va-truyen-thong-to-chuc-hoi-nghi-tap-huan-truyen-thong-ve-cong-tac-hoi-nhap-asean-va-unesco-post293252.html