Bộ Tài chính tập huấn các văn bản pháp luật mới về kinh doanh bảo hiểm

Sáng ngày 28/11, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo tập huấn quy định chung về Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, Thông tư số 67/2023/TT-BTC và Thông tư số 70/2022/TT-BTC.

Tham dự hội thảo có ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, lãnh đạo các phòng, ban của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và hơn 100 đại biểu là trưởng bộ phận pháp chế, kế toán, kế toán trưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm...

Phát biểu khai mạc, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã chia sẻ về những nỗ lực trong hơn một năm qua của thị trường bảo hiểm, của cơ quan quản lý và sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, phát biểu khai mạc. Ảnh: Đức Minh

“Khi Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được Quốc hội phê chuẩn, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã phối hợp cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thiện gần như toàn bộ các văn bản pháp luật, hướng dẫn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm 3 nghị định và 2 thông tư. Đến cuối năm 2023, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trình lãnh đạo Bộ Tài chính trình Chính phủ về việc ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm” - ông Trung thông tin.

Theo ông Ngô Việt Trung, mục đích của buổi tập huấn là giúp các doanh nghiệp bảo hiểm cùng hiểu thống nhất về các quy định trong kinh doanh bảo hiểm; hiểu đúng và áp dụng một cách thống nhất, đảm bảo tính tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó cùng xây dựng lại thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, tập trung hơn vào chất lượng dịch vụ kinh doanh bảo hiểm.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp bảo hiểm đã được nghe giới thiệu những nội dung mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 46/2018/NĐ-CP; Thông tư số 67/2023/TT-BTC và Thông tư số 70/2022/TT-BTC.

Theo đó, ngày 16/6/2022, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 3 thông qua với 7 chương, 157 điều, bao gồm các sửa đổi, bổ sung để: Thực hiện cam kết của Việt Nam; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; phù hợp với thực tiễn, giải quyết các vướng mắc trong thời gian qua; nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước.

Nghị định số 46/2023/NĐ-CP được Chính phủ ký ban hành ngày 1/7/2023 (có hiệu lực kể từ ngày ký) đã bổ sung quy định mới hoàn toàn so với hiện hành quy định về cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó là trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động, về tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm; hoạt động nghiệp vụ; chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…

Thông tư số 67/2023/TT-BTC được Bộ Tài chính ký ban hành ngày 2/11/2023 đã quy định một số điểm mới so với quy định hiện hành nhằm phát huy hơn nữa vai trò, ý nghĩa của chính sách bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ, chi tiết nghĩa vụ, hoạt động của các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, hướng tới thị trường bảo hiểm phát triển minh bạch và bền vững.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Thông tư số 70/2022/TT-BTC được Bộ Tài chính ký ban hành ngày 16/11/2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài. Thông tư quy định cụ thể về quản trị rủi ro, bước đầu xây dựng khung pháp lý cho hoạt động quản trị rủi ro tại doanh nghiệp bảo hiểm nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát một cách hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Cụ thể, thành phần cấu thành hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm: Cơ cấu, tổ chức của hệ thống quản trị rủi ro; chính sách, quy định nội bộ của hệ thống quản trị rủi ro; nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro; kiểm tra sức chịu đựng của doanh nghiệp trong các kịch bản tình huống xấu; báo cáo quản trị rủi ro; hệ thống thông tin quản lý; hệ thống công nghệ thông tin; văn hóa quản trị rủi ro, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp bảo hiểm trao đổi và đã được đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm giải đáp các thắc mắc để đảm bảo thống nhất và thuận lợi trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật mới trên thực tế.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-tap-huan-cac-van-ban-phap-luat-moi-ve-kinh-doanh-bao-hiem-140333.html