Bổ sung quy định có tính đặc thù để tổ chức kinh tế tập thể vùng dân tộc thiểu số tiếp cận được các chính sách

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân xung quanh một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng: Mặc dù có vai trò quan trọng, song các tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện còn gặp nhiều khó khăn…

Nâng cao chất lượng hoạt động cho HTX vùng DTTS

Theo đại biểu Dương Tấn Quân, Luật HTX (sửa đổi) lần này có vai trò rất quan trọng, tác động đến sản xuất, đời sống và xã hội ở vùng DTTS. Các tổ chức KTTT là cầu nối giữa các hộ sản xuất người dân tộc thiểu số với thị trường đầu vào, đầu ra; thông qua các tổ chức KTTT, các thành viên trong cộng đồng DTTS giúp đỡ lẫn nhau về kiến thức, kinh nghiệm, vốn sản xuất và hỗ trợ giải quyết nhiều khó khăn khác trong đời sống xã hội…

Đại biểu nhấn mạnh: So với mức trung bình, các tổ chức KTTT vùng DTTS thường có số thành viên ít hơn, vốn nhỏ hơn, và hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, là khả năng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển của các tổ chức KTTT vùng DTTS còn rất hạn chế… Vì vậy, nếu dự thảo Luật HTX (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mà không có những sửa đổi, bổ sung cụ thể đối với các quy định, chính sách có tính đặc thù liên quan thì các tổ chức KTTT ở vùng đồng bào DTTS sẽ tiếp tục gặp khó khăn như giai đoạn trước và khó có thể tiếp cận được các chính sách để phát triển.

ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Về chính sách phát triển nguồn nhân lực, thôn tin, tư vấn: Khoản 3 Điều 20 quy định về chính sách “Hỗ trợ lương, thưởng và phúc lợi để thu hút người lao động có chất lượng cao làm việc tại tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX”, đại biểu Dương Tấn Quân nhận định đây là chính sách được nhiều địa phương vận dụng trong thời gian gần đây.

Vì vậy, để nâng cao nguồn nhân lực và chất lượng hoạt động cho HTX vùng DTTS, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật nội dung: “Có quy định về hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực chất lượng cao là con em đồng bào DTTS, các thành viên HTX; có chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực quản lý, nhân lực kế toán tại chỗ đối với tổ chức KTTT ở vùng DTTS; hỗ trợ chi phí đào tạo và hỗ trợ lương thưởng, phúc lợi để thu hút tri thức trẻ là con em người DTTS, con em thành viên HTX tại địa phương”.

Đại biểu cũng cho rằng, quy định tại khoản 5 Điều 20 dự thảo về: “Hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý và các vấn đề khác trong quá trình thành lập, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản đối với Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX; chuyển đổi từ Tổ hợp tác thành HTX”, là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với hỗ trợ thành lập mới các tổ chức KTTT, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện khó khăn.

Thực tiễn cho thấy, chính quyền địa phương và liên minh HTX đều xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ thành lập mới HTX, nhưng không chỉ là hỗ trợ thuần túy về thông tin, mà còn hỗ trợ về tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, con dấu, hỗ trợ hội nghị thành lập... Theo đó, quy định trong dự thảo có nội dung, phạm vi hẹp hơn so với thực tiễn đã triển khai ở nhiều địa phương. “Về nội dung này, Luật HTX (sửa đổi) năm 2012 quy định cụ thể và rõ hơn; do đó, nên giữ nguyên điểm này trong Luật HTX năm 2012”, đại biểu nêu thực tiễn và đề xuất.

Cũng theo đại biểu Dương Tấn Quân, dự thảo không quy định hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình KTTT kiểu mới hoạt động hiệu quả (như đang triển khai đối với các HTX theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3.2.2021). Bên cạnh chính sách hỗ trợ thành lập mới, chính sách phát triển các mô hình KTTT hiệu quả rất quan trọng, nhằm thúc đẩy và lan tỏa các điển hình KTTT, nhất là ở vùng đồng bào DTTS… Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản mới trong Điều 20 về: Xây dựng, triển khai chính sách/đề án hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện, nhân rộng các mô hình tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, đặc biệt ở vùng DTTS”.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận tại Tổ

Về chính sách thuế, phí, và lệ phí (điều 22), đại biểu Dương Tấn Quân dẫn quy định tại khoản 1 về tổ chức KTTT “được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí”; và khoản 3 quy định một số trường hợp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, đại biểu cho rằng: Hiện không có quy định về miễn, giảm thuế (hoặc ưu đãi cao hơn) đối với các tổ chức KTTT hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ở vùng DTTS.

Trong thực tế, các tổ chức KTTT vùng DTTS gặp nhiều khó khăn hơn so với các tổ chức KTTT ở những vùng khác. Áp dụng chính sách thuế và phí với mức ưu đãi cao hơn, thời gian ưu đãi dài hơn là cần thiết để hỗ trợ phát triển các tổ chức KTTT vùng DTTS… Trên cơ sở phân tích đó, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 22: “Quy định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của tổ chức KTTT hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở địa bàn vùng DTTS, của đồng bào DTTS”; đồng thời, bổ sung khoản mới trong Điều 22: “Quy định về mức và thời gian ưu đãi về thuế, phí, và lệ phí cao hơn cho các tổ chức KTTT vùng đồng bào DTTS và miền núi, của đồng bào DTTS”.

Bảo đảm xác định được quỹ đất cho tổ chức KTTT thuê

Các ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV

Liên quan đến chính sách tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại Điều 21, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng: Tại khoản 1 Điều 21 quy định “Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính quyền địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX thuê”. Song, trong thực tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện tại của các địa phương hầu như không có nội dung này (trong bối cảnh quỹ đất công hạn chế)… Do đó, cần rà soát và xây dựng lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương thì mới bảo đảm được chính sách này.

Mặt khác, Điều 21 viện dẫn các chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh “theo quy định của pháp luật về đất đai” và “theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”… Song, theo đại biểu sự nhất quán giữa các quy định của pháp luật là vấn đề cần quan tâm để các chính sách mang tính khả thi trong triển khai.

“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện tại chưa rõ, chưa đồng nhất về chính sách tương ứng đối với KTTT nêu trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi). Riêng về Luật quản lý, sử dụng tài sản công yêu cầu phải tổ chức đấu giá, đấu thầu khi cho thuê tài sản công. Đây là một khó khăn với các tổ chức KTTT… Do đó, hầu hết các tổ chức KTTT thường sử dụng đất nông nghiệp của thành viên chủ chốt để cải tạo thành trụ sở tạm, nhà xưởng, kho bãi tạm, chứ hầu như không tiếp nhận được trụ sở và tài sản công khác”, đại biểu phân tích thêm.

Trên cơ sở đó, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 21 nội dung:“Chính quyền địa phương chủ động rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để ưu tiên bố trí quỹ đất cho tổ chức KTTT, HTX thuê đất”… Theo đại biểu, việc bổ sung này bảo đảm các địa phương sẽ phải rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm xác định được quỹ đất cho tổ chức KTTT thuê…

Các ĐBQH tại Kỳ họp thứ Năm

Liên quan đến Điều 25 về chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng: Tại điều này còn thiếu các quy định về chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, sự tham gia của các bên liên kết (cộng đồng dân cư, hộ gia đình) cùng với tổ chức KTTT trong phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết TW 20-NQ/TW: Có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thực tế, các tổ chức KTTT không thể phát triển liên kết chuỗi giá trị một mình, mà cần sự chung tay của doanh nghiệp và các bên liên quan, đặc biệt trong việc áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận để tạo vùng nguyên liệu và phát triển thị trường… Để chính sách chỉ hỗ trợ riêng KTTT thì không thu hút được đầu tư của doanh nghiệp, không khuyến khích được sự tham gia của các bên liên kết trong chuỗi giá trị, đặc biệt ở vùng DTTS với đặc điểm đất sản xuất manh mún nhỏ lẻ… Trong khi đó Luật HTX 2012 có quy định cụ thể, có chính sách cho các HTX, Liên hiệp HTX tiếp cận với các nguồn lực trong các Chương trình mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cụ thể .

Ngoài ra, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm là một trong hai trọng tâm hoạt động của các tổ chức KTTT (hợp tác trong cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra). Do đó, việc có chính sách khuyến khích các tổ chức KTTT liên kết để hình thành nên các liên minh trong tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường là rất quan trọng và cần thiết.

Từ các lý do trên, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung một khoản mới trong Điều 25 về chính sách hỗ trợ KTTT và khuyến khích, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, sự tham gia của các bên (cộng đồng dân cư, hộ gia đình) liên kết với các tổ chức KTTT trong tiêu thụ sản phẩm, áp dụng và chứng nhận theo các tiêu chuẩn (để tạo vùng nguyên liệu, phát triển thị trường) trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, đặc biệt ở vùng DTTS.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/bo-sung-quy-dinh-co-tinh-dac-thu-de-to-chuc-kinh-te-tap-the-vung-dan-toc-thieu-so-tiep-can-duoc-cac-chinh-sach-i330454/