Bộ sách quý về các dân tộc ở Việt Nam

LTS: Nhằm tuyên truyền, cổ vũ phong trào văn hóa đọc sách trong và ngoài quân đội, góp phần quảng bá tri thức, bồi đắp và định hướng các giá trị chân-thiện-mỹ cho cán bộ, chiến sĩ quân đội và công chúng, Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục 'Kết nối văn hóa đọc', đăng trên trang Văn hóa-Thể thao thứ ba hằng tuần.

Chuyên mục tập trung giới thiệu những cuốn sách có giá trị về tư tưởng nội dung; những cuốn sách đã đoạt Giải thưởng Sách quốc gia; những tấm gương điển hình, cách làm hay, mô hình sáng tạo trong hoạt động, phong trào đọc trong xã hội; kết quả hoạt động của các nhà xuất bản; việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện, phòng đọc, tủ sách... ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường, địa phương trong cả nước... Tòa soạn rất mong bạn đọc tích cực tham gia cộng tác chuyên mục này.

Bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” (Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật, xuất bản lần đầu năm 2015-2018, tái bản năm 2020) gồm 4 tập (6 quyển), do PGS, TS Vương Xuân Tình làm chủ biên, Viện Dân tộc học là cơ quan chủ trì, đã để lại dấu ấn quan trọng đối với ngành dân tộc học Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá cao, trở thành tài liệu tham khảo quý giá.

Bộ sách "Các dân tộc ở Việt Nam" được trưng bày giới thiệu với độc giả.

Việc nghiên cứu, biên soạn bộ sách xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn. Trước đó mới chỉ có bộ sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (hai tập, xuất bản năm 1978 và năm 1984) phản ánh về lịch sử và đời sống kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Sau hàng chục năm, đất nước đã có nhiều đổi thay, vì thế cần phải nghiên cứu, biên soạn và xuất bản bộ sách mới về các dân tộc Việt Nam.

Khác với bộ sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” được trình bày theo vùng địa lý, bộ sách mới về “Các dân tộc ở Việt Nam” trình bày theo nhóm ngôn ngữ: Tập 1 “Nhóm ngôn ngữ Việt-Mường”; tập 2 “Nhóm ngôn ngữ Tày-Thái Ka đai”; tập 3 hai quyển) “Nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer”; tập 4 gồm quyển 1 “Nhóm ngôn ngữ Mông-Dao và Tạng-Miến” và quyển 2 “Nhóm ngôn ngữ Hán và Mã Lai-Đa Đảo”. Tuy hạn chế về kinh phí và thời gian, song trong quá trình triển khai bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” (2012-2015), Viện Dân tộc học đã phát huy tối đa mọi nguồn nhân lực. Trước hết phải kể đến tham gia tư vấn, góp ý, cung cấp tư liệu. Để thực hiện nhiệm vụ này, viện đã tổ chức 4 hội nghị thông báo dân tộc học, 20 cuộc tọa đàm để thảo luận đề cương, trình bày, biên tập bản thảo, góp ý kết quả biên soạn từng dân tộc. Tham gia trực tiếp nghiên cứu, biên soạn công trình có 104 lượt cán bộ nghiên cứu, 61 lượt tác giả ảnh của 262 bức ảnh và có 2 tác giả xây dựng bản đồ.

Việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” còn được kết hợp với đào tạo, bằng phương thức kết nối nhiệm vụ này với đào tạo sau đại học (kế thừa kết quả nghiên cứu của một số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ). Theo đó, có 15 dân tộc được biên soạn với sự kết hợp nêu trên. Sự kết hợp giữa nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách với đào tạo còn được thực hiện qua việc kết nối giữa chuyên gia và cán bộ trẻ của Viện Dân tộc học bằng phương thức đồng tác giả.

Nhận thấy đây là công trình có giá trị khoa học và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã xây dựng dự án để đưa bộ sách này vào danh mục xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng. Ngoài chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo NXB và Ban sách Đảng, có 32 lượt cán bộ đã tham gia biên tập bộ sách. Như vậy, chất lượng xuất bản của bộ sách được như hiện nay còn nhờ sự quan tâm và trách nhiệm lớn của NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

Bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” vẫn có một số hạn chế, đó là có sự khác biệt nhất định trong biên soạn giữa tộc người được nghiên cứu có khảo sát thực tế (điền dã) với tộc người được nghiên cứu chỉ qua tổng quan tài liệu sẵn có; và ngay cả với những tộc người được biên soạn chỉ bằng nghiên cứu tài liệu, cũng có những dân tộc có nhiều tài liệu nghiên cứu và dân tộc có ít tài liệu nghiên cứu hơn. Tuy còn một vài hạn chế đã nêu, song với hơn 5.000 trang sách, bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” vẫn đạt được 3 giá trị cơ bản: Giá trị thông tin, giá trị tổng hợp và giá trị tổng kết. Đó là lý do bộ sách được trao giải B, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ II năm 2019.

Bài và ảnh: HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bo-sach-quy-ve-cac-dan-toc-o-viet-nam-648329