Bộ Nội vụ đề xuất khắc phục vướng mắc trong tuyển dụng công chức

Một trong những đề xuất mà Bộ Nội vụ đang dự thảo là cán bộ, công chức cấp xã và người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được điều động, luân chuyển giữ vị trí công tác tại các cơ quan, tổ chức khác (kể cả điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã) khi tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện trở lên thì không phải sát hạch.

Xét nâng ngạch khi có thành tích

Hiện nay, Bộ Nội vụ đã hoàn tất dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo đó, ngoài nội dung đề xuất trên, Bộ Nội vụ còn đề nghị bổ sung quy định trường hợp cán bộ khi thôi làm nhiệm vụ (do hết nhiệm kỳ hoặc thôi làm nhiệm vụ khi chưa hết nhiệm kỳ mà không phải vì lý do bị kỷ luật) thì được bố trí vào làm công chức tại nơi đang công tác nếu còn vị trí việc làm phù hợp và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện mà không phải thực hiện thủ tục tiếp nhận. Đối với viên chức và người công tác trong lực lượng vũ trang, cơ yếu khi tiếp nhận vào công chức chỉ thực hiện kiểm tra, sát hạch bằng hình thức phỏng vấn thay vì phải thực hiện thi viết hoặc viết và phỏng vấn như quy định hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QUANG PHÚC

Về chế độ tập sự khi tuyển dụng, tiếp nhận, Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi quy định về điều kiện trong trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự; đối với trường hợp đã có thời gian tập sự tại vị trí phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận nhưng chưa đủ thời gian tập sự theo quy định thì được trừ vào thời gian tập sự.

Liên quan tới các quy định về nâng ngạch công chức, Bộ Nội vụ đề nghị bỏ quy định Bộ Nội vụ có ý kiến về đề án và chỉ tiêu nâng ngạch đối với thi nâng ngạch từ chuyên viên hoặc tương đương lên chuyên viên chính hoặc tương đương, từ nhân viên hoặc tương đương lên cán sự hoặc tương đương, từ cán sự hoặc tương đương lên chuyên viên hoặc tương đương để thực hiện chủ trương phân cấp cho bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nội dung xét nâng ngạch, cụ thể sửa đổi quy định về các trường hợp xét nâng ngạch và nguyên tắc xét nâng ngạch; bổ sung quy định về xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ theo hướng mở rộng tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích để được xét nâng ngạch so với quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP; và bổ sung quy định xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo hướng không xét nâng ngạch đồng loạt khi bổ nhiệm mà có sự phân biệt theo cấp hành chính; đồng thời quy định áp dụng đối với chức vụ, chức danh tương đương trong các cơ quan của Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Đảng, đoàn thể.

Trong dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cũng đề xuất bổ sung quy định Bộ Nội vụ có trách nhiệm xây dựng và cung cấp miễn phí phần mềm dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương sử dụng trong tổ chức thi nâng ngạch để bảo đảm thống nhất trong quá trình thực hiện và tiết kiệm chi phí; đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ trong việc cấp phát ngân hàng câu hỏi và đáp án bảo đảm tính bảo mật, các cơ quan không phải cử người trực tiếp đến Bộ Nội vụ nhận ngân hàng câu hỏi và đáp án.

Phân cấp mạnh cho người đứng đầu

Về quy trình bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định xác định thành phần tập thể lãnh đạo. Theo đó, về nguyên tắc thẩm quyền thuộc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm; đồng thời quy định cấp có thẩm quyền bổ nhiệm có thể phân cấp, ủy quyền cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cấp dưới trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm (trong tất cả các trường hợp đều phải bảo đảm có sự tham gia của đại diện cấp ủy cùng cấp của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhân sự dự kiến bổ nhiệm và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi nhân sự dự kiến bổ nhiệm).

Trong nội dung quy trình bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý , Bộ Nội vụ còn đề nghị bổ sung quy định các bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể “thẩm quyền, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, trách nhiệm tổ chức cuộc họp các bước, quyết định cụ thể thành phần tham dự các bước trong quy trình bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc phạm vi phụ trách, bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng và quy định tại nghị định này để bảo đảm đúng thẩm quyền theo phân cấp.

Bổ sung quy định cách xác định nguồn nhân sự tại chỗ, cụ thể là: “Nguồn nhân sự tại chỗ được xác định như sau: Được quy hoạch vào vị trí chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm tại đơn vị đang công tác hoặc được quy hoạch vào vị trí chức vụ, chức danh tương đương trở lên của đơn vị cấu thành cùng cấp trong cùng cơ quan có thẩm quyền sử dụng”. Bên cạnh đó, còn bổ sung quy định về xác định thời hạn bổ nhiệm đối với bổ nhiệm trong trường hợp hợp nhất, chia tách, sáp nhập, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình tổ chức.

Ngoài các nội dung nêu trên, Bộ Nội vụ cho biết đã rà soát các nội dung khác của dự thảo nghị định, bảo đảm thống nhất với các quy định hiện hành của Đảng và của pháp luật.

Để bảo đảm chất lượng đầu vào công chức đối với từng vị trí việc làm cụ thể, dự thảo nghị định đã bổ sung nội dung “Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi ngoại ngữ”. Việc thi môn ngoại ngữ chỉ đặt ra đối với vị trí việc làm có yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì vẫn tổ chức thi (do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định); đồng thời, kế thừa quy định còn phù hợp của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, dự thảo nghị định vẫn tiếp tục quy định các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-noi-vu-de-xuat-khac-phuc-vuong-mac-trong-tuyen-dung-cong-chuc-post725553.html