Bộ Ngoại giao Mỹ phản ứng thế nào khi các nhà ngoại giao mắc Covid-19?

Việc các nhà ngoại giao Mỹ gặp gỡ trực tiếp các đối tác tưởng là điều hiển nhiên nhưng lại gây nhiều tranh cãi trong thời kỳ Covid-19 bùng phát.

Chuyến thăm châu Âu đầy tranh cãi

Số là ông Peter Berkowitz, Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một cuộc họp với các nhà báo Anh tại London thì có ho ít nhất 6 lần trong buổi họp dài hơn một giờ. Chủ đề buổi nói chuyện là về chiến lược của chính quyền Trump đối với Trung Quốc.

Cùng ngày, ông Peter Berkowitz cũng có các cuộc gặp trực tiếp với các quan chức Anh.

Sau đó, ông đến Paris, làm việc với các nhà ngoại giao Pháp trước khi trở về Mỹ bằng máy bay của một hãng hàng không thương mại. Trước khi đến Anh, ông đã dừng chân ở Budapest.

Theo New York Times, sau chuyến đi châu Âu kéo dài 2 tuần, ông Peter Berkowitz nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, các quan chức và các nhà ngoại giao châu Âu tự hỏi liệu mình có bị nhiễm bệnh không và tỏ ra tức giận. Họ đặt câu hỏi về mức độ cần thiết của chuyến đi.

Bộ Ngoại giao Mỹ thường kêu gọi các nhà ngoại giao cách ly ngay khi có triệu chứng nhiễm bệnh Covid-19. (Nguồn: AFP)

Bộ Ngoại giao Mỹ thường kêu gọi các nhà ngoại giao cách ly ngay khi có triệu chứng nhiễm bệnh Covid-19. (Nguồn: AFP)

Ngay chính các đồng nghiệp của ông ở Washington cũng đặt câu hỏi tương tự, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng Covid-19 đang bùng phát trở lại ở châu Âu và tình hình ở Mỹ vẫn chưa được cải thiện.

Bộ Ngoại giao Mỹ thường kêu gọi các nhà ngoại giao nước này rằng khi có các triệu chứng của virus, trong đó có biểu hiện như ho nhiều lần, cần phải cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm.

Nếu nhận kết quả dương tính với Covid-19, họ hoặc sẽ ở lại nước ngoài cho đến khi có kết quả âm tính hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, có thể được đưa trở lại Mỹ cùng với các nhân viên y tế.

Với vị trí cấp cao của mình tại Bộ Ngoại giao, có nhiệm vụ phân tích về các xu hướng toàn cầu cho Ngoại trưởng Mike Pompeo, ông Berkowitz không cần phải xin phép cấp trên trước khi lên kế hoạch cho chuyến công du có chủ đề tập trung vào Trung Quốc - vấn đề đang là ưu tiên hàng đầu của ông Pompeo.

Bài toán trực tiếp và trực tuyến

Trong lịch sử, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng hạn chế các quan chức và nhà ngoại giao đi thăm đối tác nước ngoài. Chẳng hạn như trong đợt dịch Ebola bùng phát, các thời điểm chính phủ Mỹ đóng cửa hoặc khi các cuộc họp ngân sách đang diễn ra. Những thời điểm đó, các nhà ngoại giao được yêu cầu nói chuyện với các đối tác nước ngoài qua điện thoại hoặc qua hội nghị trực tuyến.

Trong thời đại đại dịch Covid-19, hình thức họp trực tuyến qua phần mềm Zoom trở nên phổ biến. Điều này lại khiến các nhà ngoại giao Mỹ, cả đương nhiệm và nghỉ hưu, tiếp tục đặt câu hỏi không rõ điều gì đã khiến chuyến đi châu Âu của ông Berkowitz trở nên cần thiết đến mức đáng để mạo hiểm.

“Hình ảnh của nước Mỹ sẽ phải trả giá như thế nào nếu chúng ta lây nhiễm cho những đối tác nước ngoài của mình?”, ông David Wade, Chánh văn phòng cho cựu Ngoại trưởng John Kerry đặt câu hỏi.

Trong thời gian gần đây, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Thứ trưởng Stephen E. Biegun đã duy trì các chuyến thăm nước ngoài nhưng thường bay trên máy bay của chính phủ và được nhân viên y tế tháp tùng, những người liên tục theo dõi sức khỏe cho họ. Khi cần thiết, các nhân viên y tế thực hiện các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho Ngoại trưởng và Thứ trưởng để có thể nhập cảnh vào quốc gia họ đến.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 2/10, ngay sau khi rời Croatia, ông Pompeo đề cập việc Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra các tiêu chí để quyết định khi nào các cuộc gặp trực tiếp là cần thiết. Ông nói rằng, đại dịch sẽ giúp các hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ "gọn hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn so với trước đại dịch".

Ngoại trưởng Pompeo nói: “Việc đi khắp thế giới với tư cách là một nhà ngoại giao và gặp gỡ mọi người sẽ khó hơn một chút”.

“Làm thế nào để bạn có thể trực tiếp trò chuyện riêng tư, điều khó có thể nói trên điện thoại luôn là vấn đề quan trọng, nhưng đồng thời, tất cả chúng tôi đều đã thích nghi giống như doanh nghiệp và các cá nhân khác đã phải làm”, ông Pompeo nói.

Vào tuần trước, các quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ đến thăm Mexico và Nigeria. Trong hầu hết các trường hợp, các quan chức dưới cấp của ông Pompeo và ông Biegun đều bay bằng các chuyến bay thương mại quốc tế.

Tình huống khó xử

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã rơi vào tính huống khó xử khác.

Vào tháng trước, bà Kay Bailey Hutchison, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được cho là có khả năng bị phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 ở Brussels. Các câu hỏi được đặt ra là liệu bà Kay Bailey Hutchison có nên bay về Mỹ hay không. Bộ Ngoại giao từ chối bình luận về trường hợp này.

Vào tháng 3/2020, các nhân viên của Bộ đã phàn nàn rằng Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Lana Marks đã từ chối cách ly sau khi tham dự một sự kiện tại Mar-a-Lago, một câu lạc bộ của Tổng thống Trump ở Florida, sau khi các vị khách khác có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Quay trở lại trường hợp ông Berkowitz. Một số quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, bao gồm Đại sứ ở Paris và Phó Đại sứ ở London, đã được làm xét nghiệm Covid-19 sau khi tiếp xúc với ông Berkowitz trong chuyến công du châu Âu.

Các quan chức Đại sứ quán cũng thông báo với chính phủ Anh và Pháp rằng ông Berkowitz đã có kết quả xét nghiệm dương tính sau cuộc gặp với họ. Các nhà ngoại giao Mỹ ý phân trần rằng họ rất khó xử khi đưa ra thông báo trên.

Có tin cho rằng các quan chức ngoại giao Anh và Pháp đón nhận tin tức một cách nhã nhặn nhưng tỏ ra bực tức về thái độ dường như ung dung của chính quyền ông Trump đối với việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Eric Rubin, cựu Đại sứ Mỹ tại Bulgaria cho rằng các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ Mỹ cần làm gương để đảm bảo rằng “sức khỏe và sự an toàn của các đồng nghiệp và của công chúng là ưu tiên cao nhất”.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-ngoai-giao-my-phan-ung-the-nao-khi-cac-nha-ngoai-giao-mac-covid-19-128080.html