Bộ kiểm tra công suất nguồn đa năng: Ứng dụng hiệu quả trong huấn luyện thực hành

Với nhiều ưu điểm, sáng kiến “Bộ kiểm tra công suất nguồn đa năng cho các khí tài, trạm thông tin liên lạc bảo đảm huấn luyện thực hành tại Trường Sĩ quan Thông tin” do Đại úy, Tiến sĩ Phạm Kỳ và cộng sự thuộc Khoa Vô tuyến điện, Trường Sĩ quan Thông tin chế tạo đã đoạt giải nhất hội thi sáng tạo khoa học và công nghệ của trường năm 2023.

Theo Đại úy Phạm Kỳ, trong quá trình huấn luyện, khai thác các thiết bị thông tin tại nhà trường, các khối nguồn có khả năng và xác suất hỏng hóc lớn nhất. Theo số liệu thống kê tại các khoa, năm học 2020-2021 có 195 lượt; năm học 2021-2022 có 247 lượt; đặc biệt năm học 2022-2023 có 368 lượt sự cố hỏng hóc, mất liên lạc do nguồn. Trong khi đó, do đặc thù biên chế trang thiết bị quân sự, thủ tục cấp mới hay gửi đi sửa chữa tại các nhà máy phải qua nhiều cấp, nhiều bước, tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, những năm qua, nhu cầu khai thác, huấn luyện thực hành trên số lượng đầu máy, khí tài tại trường rất lớn, việc kiểm tra nhiều khối nguồn khác nhau sẽ tốn rất nhiều thời gian và cần nhiều phương tiện đo, khó thao tác, khó vận hành. Mặt khác, các bộ thiết bị có khả năng đo hỗn hợp đồng thời nhiều thông số kỹ thuật cho các khối nguồn hiện nay ở Việt Nam chưa sản xuất được, phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành rất cao nhưng không thể chủ động về công nghệ, phụ tùng thay thế, sửa chữa trong các tình huống sự cố, hỏng hóc. Chính vì vậy, anh và cộng sự đã đưa ra sáng kiến chế tạo bộ kiểm tra công suất nguồn đa năng phục vụ huấn luyện thực hành tại trường.

Đại úy Phạm Kỳ báo cáo kết quả sáng kiến trước Hội đồng khoa học nhà trường.

Sản phẩm có thể đo đạc đồng thời nhiều thông số kỹ thuật quan trọng của các khối nguồn, mô-đun nguồn cho nhiều loại khí tài, trạm thông tin khác nhau. Nhóm tác giả lựa chọn phần mềm Nextion để lập trình giao diện điều khiển và hiển thị các tham số đầu vào, đầu ra khối nguồn một cách đầy đủ, trực quan, dễ quan sát. Sản phẩm sử dụng bo mạch xử lý và điều khiển do nhóm nghiên cứu và thiết kế tạo ra. Ngoài thiết kế, bo mạch còn được nạp phần mềm để điều khiển, xử lý tín hiệu. Với việc có thể lập trình điều khiển hoạt động của bo mạch nên sản phẩm đã được điều chỉnh các giá trị tham số điện áp, cường độ dòng điện, công suất, hiệu suất nguồn trong quá trình kiểm chứng. Đây cũng là một trong những lý do khiến sản phẩm có thể đo đạc các tham số với sai số nhỏ.

Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Danh Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin, Chủ tịch Hội đồng khoa học nhà trường, sản phẩm đã được ứng dụng hiệu quả tại nhà trường và phục vụ tốt công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các khối nguồn, tránh các sự cố mất thông tin liên lạc, hỏng hóc khí tài, máy thông tin bảo đảm quá trình huấn luyện, thực hành. Sản phẩm đã phát hiện, phân loại và khắc phục hàng trăm lượt sự cố hỏng hóc, mất liên lạc vô tuyến, hữu tuyến liên quan đến nguồn qua các năm học, góp phần nâng cao năng lực khai thác, vận hành, bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa các khí tài, trạm thông tin tại nhà trường trong thời gian qua. Ngoài khả năng đo đạc nhanh, chính xác các chỉ tiêu kỹ thuật, sản phẩm còn đảm bảo tính gọn nhẹ, tiện cơ động, triển khai nhanh, màn hình cảm ứng thân thiện với người dùng, cho phép khắc phục được các hạn chế, tồn tại trong quá trình huấn luyện khí tài, thực hành liên lạc tại nhà trường. Chính vì thế, hội đồng khoa học nhà trường đánh giá cao sản phẩm về tính ứng dụng và khả năng phát triển trong thời gian tới, xếp giải nhất hội thi.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202310/bo-kiem-tra-cong-suat-nguon-da-nang-ung-dung-hieu-qua-trong-huan-luyen-thuc-hanh-b1b0b26/