Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo chủ đầu tư 'cắm chốt' ở hiện trường 22 dự án giải ngân chậm

Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử lãnh đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường.

Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang do Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư là 1 trong 22 dự án đang có tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch

22 dự án giải ngân chưa đạt kế hoạch

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban QLDA: 2, 7, 85, Mỹ Thuận; Ban QLDA ĐTXD CTGT và NNPTNT Đắk Lắk và Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tích cực, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân để hoàn thành kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo báo cáo ngày 27/11/2023 của Vụ Kế hoạch - Đầu tư, đến hết tháng 11/2023 có 22 dự án chưa giải ngân đáp ứng kế hoạch vốn bố trí năm 2023. Các dự án cụ thể gồm: Cầu Mỹ Thuận 2; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn (Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau); dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên.

Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án cầu Đại Ngãi trên QL60; dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ; dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa, Quốc lộ 20; dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km90 - Km108; dự án cải tạo, nâng cấp QL26.

Dự án mở rộng QL1 đoạn Km996+889 - Km996+2189; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP.Buôn Ma Thuột; dự án cầu Rạch Miễu 2; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Dự án QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; dự án tuyến tránh QL1A qua TP.Cà Mau; dự án cải tạo nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành.

Để đảm bảo giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử lãnh đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng...

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu; Khẩn trương kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu, thanh toán để đẩy nhanh công tác giải ngân các khối lượng đã thi công.

"Kết quả giải ngân so với kế hoạch đăng ký là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2023 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức được giao và cán bộ có liên quan", Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ GTVT giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo các bên liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng yêu cầu nhằm đáp ứng kế hoạch giải ngân.

Thúc tiến độ giải ngân các dự án

Đưa ra chỉ đạo đối với từng dự án cụ thể, Bộ GTVT nêu rõ, đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu còn phải giải ngân khoảng 225 tỷ đồng, đề nghị Ban QLDA 7 quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" đảm bảo hoàn thành dự án ngay trong năm 2023.

Đối với 4 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bàn giao phần mặt bằng còn lại; phối hợp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải tại các dự án; sớm hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán để giải ngân tối đa kế hoạch được giao.

Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (Ban QLDA 7) còn phải giải ngân khoảng 1.111 tỷ đồng. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Vân Phong - Nha Trang (Ban QLDA 7) còn phải giải ngân khoảng 929 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (Ban QLDA Mỹ Thuận) còn phải giải ngân khoảng 168 tỷ đồng. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Hậu Giang - Cà Mau (Ban QLDA Mỹ Thuận) còn phải giải ngân khoảng 459 tỷ đồng.

Đối với 4 dự án ODA còn phải giải ngân khoảng 110 tỷ đồng. Trong đó, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Ban QLDA 2) còn phải giải ngân khoảng 63 tỷ đồng.

Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên (Ban QLDA Mỹ Thuận) còn phải giải ngân khoảng 40 tỷ đồng. Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Ban QLDA Mỹ Thuận) sớm hoàn thiện thủ tục thanh toán, quyết toán để giải ngân khoảng 4,2 tỷ đồng. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 (Ban QLDA Mỹ Thuận) sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân khoảng 3,0 tỷ đồng.

Thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Đối với 7 dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn, còn phải giải ngân khoảng 649 tỷ đồng. Cụ thể, dự án cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng (Ban QLDA 85) còn phải giải ngân khoảng 434 tỷ đồng, Bộ GTVT đề nghị Ban QLDA 85 chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị để rút ngắn tối đa thời gian thi công hoàn thành dự án theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và TP.Cần Thơ (Ban QLDA Mỹ Thuận) còn phải giải ngân khoảng 72 tỷ đồng. Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Ban QLDA Mỹ Thuận) còn phải giải ngân khoảng 5,4 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên QL20, tỉnh Lâm đồng (Ban QLDA 85) còn phải giải ngân khoảng 57 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km90 - Km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (Ban QLDA 2) còn phải giải ngân khoảng 50 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp QL26 các đoạn còn lại chưa đầu tư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Cục ĐBVN) còn phải giải ngân khoảng 28 tỷ đồng. Dự án mở rộng QL1 đoạn Km996+889 - Km996+2189 và cầu Tam Kỳ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Cục ĐBVN) còn phải giải ngân khoảng 2,6 tỷ đồng.

"Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan liên quan để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về GPMB, tranh thủ thời tiết tốt, đẩy mạnh tiến độ thi công; sớm hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu thanh toán, bảo đảm giải ngân tối đa kế hoạch", Bộ GTVT chỉ đạo.

Đối với 6 dự án chuyển tiếp thi công, cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (Ban QLDA ĐTXD CTGT và NNPTNT Đắk Lắk) còn phải giải ngân khoảng 348 tỷ đồng. Đề nghị chủ đầu tư chủ động, tích cực phối hợp địa phương để sớm bàn giao mặt bằng để tiếp tục thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư dự án.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre (Ban QLDA Mỹ Thuận) còn phải giải ngân khoảng 672 tỷ đồng. Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (Ban QLDA Mỹ Thuận) còn phải giải ngân khoảng 400 tỷ đồng. Dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (Sở GTVT Đồng Tháp) còn phải giải ngân khoảng 66 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1A qua TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau (Ban QLDA 7) còn phải giải ngân khoảng 39 tỷ đồng. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (Ban QLDA 7) còn phải giải ngân khoảng 21 tỷ đồng.

Đình Quang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/bo-gtvt-yeu-cau-lanh-dao-chu-dau-tu-cam-chot-o-hien-truong-22-du-an-giai-ngan-cham-183231215142911105.htm