Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn tạo môi trường tốt nhất hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa phù hợp với tính mới, tính khác biệt của hoạt động khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngày 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức.

Cùng dự có: nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư thứ Nhất, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Thành phố Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; các hiệp hội, doanh nghiệp và đông đảo sinh viên các cơ sở giáo dục, đào tạo trên toàn quốc.

Nhà trường là nền tảng; các thầy cô giáo là động lực; học sinh, sinh viên là trung tâm

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là một trong những chương trình có ý nghĩa khoa học và xã hội to lớn, là sân chơi trí tuệ rộng mở để khẳng định, tôn vinh sức sáng tạo, thành quả của học sinh, sinh viên Việt Nam, động viên và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tạo động lực khởi nghiệp trên lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong thời gian qua, khởi nghiệp đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành và đặc biệt với đề án 1665.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Chi phát biểu khai mạc. Ảnh: BTC

Thứ trưởng Nguyễn Kim Chi cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả chủ yếu sau:

1) Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường như trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định các hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; ban hành quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

- Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông: Hơn 60% các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các hoạt động dưới các hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hình thành các loại hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động khoa học … nhằm tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung, hoạt động về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

- Đối với cơ sở giáo dục đại học: 100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học góp phần phát triển và hình thành văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học. Gần 30% cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị; 90% tham gia các mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như câu lạc bộ các trường đại học khối kỹ thuật và công nghệ, khối y dược, nông nghiệp, kinh tế …;

Chương trình ươm tạo, chương trình đào tạo về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm thực hiện, một số cơ sở giáo dục đại học như 02 Đại học Quốc gia, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học kinh tế TPHCM, Trường Đại học Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế quốc gia, Trường ĐH Ngoại thương, trường Đại học Phenikaa … đã trở thành những địa chỉ tin cậy và ươm mầm mạnh mẽ.

2) Hình thành và phát triển tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tưởng từ ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kết quả nghiên cứu của giáo viên, giảng viên và người học đã thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, tư duy về khát vọng khởi nghiệp, con đường khởi nghiệp.

Nền tảng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nghiên cứu khoa học, là hoạt động khoa học và công nghệ, là tri thức, là thực tiễn cuộc sống.

Hằng năm, Bộ GDĐT đã chủ động phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM, Quỹ Vifotech triển khai cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học với khoảng 150 dự án/năm được lựa chọn kỹ lưỡng từ các cơ sở giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: từ những hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cơ sở, đến nay, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp, hơn 4.000 ý tưởng khởi nghiệp với hơn 20.000 học sinh, sinh viên tham gia. Có thể thấy, học sinh, sinh viên thời đại 4.0 được trang bị không chỉ kiến thức, kỹ năng, thái độ mà còn là kinh nghiệm tham gia các dự án, hoạt động nghiên cứu, hoạt động thực tiễn. Do đó, nghiên cứu khoa học được các cơ sở giáo dục xem là công cụ quan trọng hỗ trợ định hướng đổi mới giáo dục, tạo động lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhiều nỗ lực của học sinh, sinh viên và cơ sở giáo dục đào tạo đã “đơm hoa kết trái”.

3) Tạo lập môi trường hỗ trợ khởi nghiệp đã có những chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, một số trường phổ thông đã được hỗ trợ, đầu tư các phòng học STEM, phòng thực hành cho học sinh …; tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đội ngũ giáo viên.

Môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học được quan tâm và đạt được nhiều kết quả, tính đến nay gần 75% cơ sở giáo dục đại học đã hình thành không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô khác nhau nhằm tạo môi trường cho sinh viên phát triển các ý tưởng nghiên cứu, ý tưởng khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp.

_Các đại biểu làm lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của Học sinh, sinh viên lần thứ VI. Ảnh: BTC

Phát triển đội ngũ giảng viên, hình thành mạng lưới đội ngũ tư vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một số cơ sở đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học VinUni, trường Đại học kinh tế quốc dân, trường Đại học Xây dựng Hà Nội …

4) Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để vừa hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, vừa thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục đại học nhằm xây dựng được một hệ sinh thái có sự đồng hành của Nhà trường – doanh nghiệp – cựu học viên, cựu sinh viên để hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp thông qua các hoạt động khích lệ, ươm tạo, phát triển những công trình nghiên cứu khoa học thành sản phẩm thương mại hóa, đặc biệt giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, tiếp cận với các quỹ đầu tư để có thể giúp các em hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, từ đó định hướng cho mình con đường nghề nghiệp trong tương lai.

Hiện nay, bình quân mỗi cơ sở giáo dục đại học hợp tác với khoảng 60 doanh nghiệp, có một số đại học, trường đại học hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp ở trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, đặt hàng nhân lực chất lượng cao và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo.

Về phía trường đại học, ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua ký kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các doanh nghiệp … nhiều trường còn thành lập các quỹ học bổng, sân chơi khởi nghiệp nhằm mang đến cơ hội tự tạo việc làm cho sinh viên.

Một số trường đại học bước đầu hướng chương trình đào tạo của mình theo nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách tham khảo ý kiến doanh nghiệp về chương trình đào tạo, mời các doanh nhân tham gia vào một số chương trình giảng dạy, trao đổi ý kiến, hướng nghiệp... qua đó góp phần tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.

5) Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế để học hỏi những kinh nghiệm của các nước thành công trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ở các nước có nền kinh tế phát triển, giáo dục khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh, với nội dung, hình thức phong phú và đa dạng từ việc trau dồi nhận thức, thái độ khởi nghiệp đến kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp.

Giáo dục khởi nghiệp cần có sự tham gia và hỗ trợ của toàn xã hội, không chỉ đòi hỏi sự chung tay hành động của sinh viên, giáo viên, nhà trường và các cơ quan ban ngành mà còn cần sự hỗ trợ của môi trường xã hội. Ở một số nước phát triển, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh từ hỗ trợ tài chính, hỗ trợ chính sách, hỗ trợ dịch vụ đến hỗ trợ dư luận.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng … và nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm tiếp cận phương pháp mới, cách làm hay, học hỏi kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

6) Công tác truyền thông về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp luôn được chú trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì các bài viết trên cổng và cung cấp tài liệu, các hoạt động khởi nghiệp của quốc gia, quốc tế cho cán bộ giảng viên và học sinh, sinh viên trong cả nước.

Duy trì thường xuyên các hoạt động truyền thông tại các sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học nhằm truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong toàn quốc. Số bài viết truyền thông về khởi nghiệp đăng trên Website, Fanpage của Chương trình được trung bình 25.000 lượt truy cập mỗi tháng. Hoạt động này đóng góp không nhỏ vào công tác truyền thông các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đến học sinh, sinh viên và xã hội.

Với phương châm nhà trường là nền tảng; các thầy cô giáo là động lực; học sinh, sinh viên là trung tâm, là chủ thể của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị, toàn ngành giáo dục đào tạo đã gặt hái được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên trong thời gian qua.

Thứ trưởng Nguyễn Kim Chi đánh giá kết quả của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đã góp phần vào sự thành công chung của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Kim Chi: Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng con người Việt Nam trong điều kiện mới, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như bối cảnh kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó đặt ra yêu cầu phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc phát triển các trung tâm và mạng lưới đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với khu công nghệ cao, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu; triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục; xây dựng các vườn ươm công nghệ, nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở.

Quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa phù hợp với tính mới, tính khác biệt của hoạt động khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đông đảo bạn trẻ tham dự ngày hội khởi nghiệp lần thứ 6. Ảnh: BTC

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả một số nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Đề án đã đặt ra và tham gia triển khai thực hiện các Đề án, chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức đánh giá, tổng kết Đề án và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên giai đoạn tiếp theo theo hướng tăng cường toàn cầu hóa, thu hút và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, cập nhật, ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên gắn với hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp.

Thứ ba, các trường phổ thông cần chủ động cung cấp cho học sinh các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, tăng cường tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh. Tổ chức các chương trình giáo dục gắn với các hoạt động thực tiễn nhằm từng bước nâng cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp để học sinh sớm hình thành ý chí tự thân lập nghiệp. Chủ động phối hợp với các đối tác tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khơi gợi khả năng sáng tạo cho học sinh, giúp học sinh khi ra trường có nhận thức đúng về giá trị bản thân và mang trong mình một lý tưởng sống lành mạnh, luôn có tâm thế làm chủ cuộc đời.

Thứ tư, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát huy, nhân rộng kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời khẩn trương xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của mình để triển khai có hiệu quả các quy định về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác quốc tế nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục.

Nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang có những sự thay đổi nhanh chóng, sự quan trọng của đổi mới sáng tạo và văn hóa khởi nghiệp cần phải được đề cao. Đây là một nguồn lực để thúc đẩy xã hội phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Kim Chi cho rằng ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI nhằm mục đích thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học để đẩy mạnh công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với bạn trẻ khởi nghiệp. Ảnh: BTC

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng lập thân, lập nghiệp giúp học sinh sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm, tạo môi trường học đi đôi với hành trong các cơ sở giáo dục.

Đồng thời tuyển chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh sinh viên có tính khả thi cao để tiếp tục hỗ trợ, ươm tạo thúc đẩy việc thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm gia tăng quy mô hệ sinh thái khởi nghiệp.

Kết nối các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đưa ra những giải pháp cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong công tác thúc đẩy phát triển khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Trần Phương

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-luon-tao-moi-truong-tot-nhat-ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-d4507.html