'Bộ GD&ĐT cần tăng cường thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm để giảm tải cho học sinh'

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm để giảm tải thời gian học của học sinh.

Ngày 24/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024...

Phát biểu tại Tổ 3, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được sự quan tâm rộng rãi của đông đảo cử tri cũng như các cơ quan truyền thông báo chí trong thời gian vừa qua. Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT của các địa phương đã thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vấn đề dạy thêm học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn, không có nhiều chuyển biến.

Đại biểu phản ánh, trong nhiều trường hợp, tuy việc học thêm là phù hợp với nhu cầu của gia đình, nhưng lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm vẫn còn quá dày. Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT tạo xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm để giảm tải bớt thời gian học của các em học sinh. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay.

Thảo luận tại Tổ 14, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, nhu cầu thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho GD&ĐT ở nước ta là rất lớn. Việc này nhằm mở rộng, bổ sung các cơ sở giáo dục có chuẩn chất lượng quốc tế của người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện chuyên đề giám sát về giáo dục phổ thông đã chỉ ra sự thiếu hụt rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và nguồn kinh phí để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục. Do đó, đòi hỏi cấp thiết nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển GD&ĐT ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa nêu quan điểm, cần thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục trong các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân. Cần sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực GD&ĐT; rà soát đề kịp thời phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp.

Ngoài ra, đại biểu nhấn mạnh, cần thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh những tấm gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các thủ tục thu hút và quản lý các nguồn lực huy động để phát triển giáo dục. Mở rộng thực hiện các dự án hợp tác công - tư, các chương trình liên kết trong giáo dục, đào tạo.

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, tại Tổ 1, ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ băn khoăn về việc cải cách sách giáo khoa chưa đạt được yêu cầu. Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại những băn khoăn đó có đúng không và đưa ra cách tháo gỡ như thế nào.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-gddt-can-tang-cuong-thanh-tra-hoat-dong-day-them-hoc-them-de-giam-tai-cho-hoc-sinh-169231024141833342.htm