Bộ Công Thương Việt Nam luôn quan tâm các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Kazakhstan

Để nâng tầm hợp tác kinh tế Việt Nam - Kazakhstan, cơ quan hai nước cần tích cực hợp tác, tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

Tại thủ đô Astana, nhân dịp Khóa họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại và Hội nhập quốc tế Kazakhstan đã phối hợp tổ chức Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan.

Tham dự Tọa đàm, thông tin về hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam nói chung và chia sẻ về những cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, xúc tiến thương mại Việt Nam với Kazakhstan, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đã bước qua quý I/2024 với nhiều điểm sáng, các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đăng ký tiếp tục tăng cao.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) phát biểu tại Tọa đàm

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) phát biểu tại Tọa đàm

Kinh tế Việt Nam năm 2024 được kỳ vọng sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fith Rating, Standard & Chatered, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể đạt từ 6-7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam đặt ra từ 6-6,5%.

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của sự chuyển đổi, với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu GDP những năm gần đây, tạo nên các cơ hội và dòng đầu tư mới cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2023, Việt Nam thu hút hơn 36 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới với trên 3.100 dự án, tăng tới 32% so với năm 2022, dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn chung, khu vực Châu Á chứng kiến sự sụt giảm của dòng vốn FDI tới 12% so với năm 2022.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) khẳng định, với nền tảng chính trị, ngoại giao và kinh tế vĩ mô luôn được Chính phủ Việt Nam duy trì ổn định, từ đó tạo tiền đề cho đất nước hội nhập rất sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu...

Đây cũng chính là cơ sở, là nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Điều này đã và đang đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ quan trọng bậc nhất thế giới khi giờ đây đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới, thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước trên thế giới phát triển đa dạng.

Đồng thời, ông Vũ Bá Phú cho biết, Việt Nam và Kazakhstan cùng là thành viên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA). Kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực (05/10/2016) đã đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường EAEU nói chung và với Kazakhstan nói riêng.

Mặc dù trong thời gian vừa qua, giao thương giữa hai bên bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị trong khu vực nhưng Kazakhstan vẫn duy trì là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam lớn thứ hai trong các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Toàn cảnh Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Toàn cảnh Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 401,8 triệu USD. Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn trao đổi rằng quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan còn khiêm tốn. Thương mại hai chiều Việt Nam - Kazakhstan hiện chiếm tỉ trọng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,08% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam và chiếm 0,43% tổng kim ngạch ngoại thương của Kazakhstan. Các dự án đầu tư vào thị trường giữa hai bên còn rất ít.

Về xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu sang Kazakhstan các mặt hàng chính bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm, hàng rau quả, hạt điều...

Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: Sắt thép các loại, kim loại thường khác. Có thể thấy hàng hóa xuất khẩu của hai nước mang tính bổ trợ cho nhau, do đó trong thời gian tới, dư địa để tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Kazakhstan còn rất lớn.

Để tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư giữa 2 quốc gia, ông Vũ Bá Phú cho rằng vai trò của các cơ quan liên quan tới thương mại, đầu tư là vô cùng quan trọng.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin, thời gian qua Bộ Công Thương Việt Nam đã chỉ đạo sát sao các cơ quan thuộc Bộ thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công thương với thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu, trong đó có Kazakhstan thông qua đa dạng kênh và hình thức.

Theo đó, Bộ Công Thương có Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Kazakhstan, phụ trách theo dõi thị trường, tìm kiếm các cơ hội xuất – nhập khẩu, đầu tư song phương, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác.

Ông Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam đang nghiên cứu thành lập cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Kazakhstan nhằm theo dõi thị trường, kết nối các cơ hội hợp tác một cách chặt chẽ hơn. Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách theo dõi chung về mặt chính sách thương mại, thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu trong đó có Kazakhstan.

Cục Xúc tiến thương mại thực hiện đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại như cung cấp thông tin thị trường phục vụ xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện hội nghị, hội thảo, tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm, tổ chức các phái đoàn giao dịch thương mại và đầu tư, đào tạo nâng cao năng lực thực hành xúc tiến thương mại và đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Về phương diện hợp tác phát triển, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết, với Kazakhstan, Cục Xúc tiến thương mại đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Công ty Xúc tiến thương mại Kazakhstan (Qaztrade).

Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng hợp tác với Quaztrade để tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước gắn kết hợp tác thông qua việc cung cấp thông tin cơ hội kinh doanh, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng nổi bật tại Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại trực tiếp thực hiện như: Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) tổ chức thường niên vào tháng 11 hàng năm, Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo), tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp Kazakhstan vào Việt Nam tìm hiểu nguồn hàng, vùng nguyên liệu, cơ hội đầu tư tại Việt Nam…

Thời gian qua, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Kazakhstan hết sức tốt đẹp nhưng quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước còn chưa tương xứng. Do vậy, Cục trưởng Vũ Bá Phú kỳ vọng, sau Tọa đàm, các cơ quan hai nước sẽ tích cực hợp tác, tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để nâng tầm hợp tác kinh tế Việt Nam - Kazakhstan.

Linh Chi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-viet-nam-luon-quan-tam-cac-hoat-dong-xuc-tien-thuong-mai-voi-thi-truong-kazakhstan-320686.html