Bộ Công Thương tiên phong xóa bỏ quy luật 'ăn cây nào, rào cây nấy'?

Mới đây, tại Văn bản 5480/BCT-KHTC gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công Thương đã đề xuất việc đưa toàn bộ doanh nghiệp do bộ quản lý ra khỏi hoạt động của bộ.

Habeco có tên trong số 11 doanh nghiệp mà Bộ Công Thương đề nghị đưa ra khỏi quản lý của bộ.

Cụ thể, 11 doanh nghiệp đề xuất chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước gồm: Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE), Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam, CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, CTCP Nông thổ sản Việt Nam, CTCP Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng, Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và Vật liệu xây dựng BMC, CTCP Viện nghiên cứu dệt may, CTCP Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI.

Đáng chú ý trong số 11 doanh nghiệp netu trên, có một số đơn vị đang ăn nên làm ra, cho thấy có sự nhận thức rất mới trong công tác quản lý nhà nước.

Có một thực tế, ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, họ quan niệm rất rõ ràng quản lý nhà nước chủ yếu là quản lý hành chính và quản lý công. Theo đó, nhà nước không ôm đồm tất cả mọi lĩnh vực mà phân quyền triệt để, chỉ giữ lại một vài lĩnh vực trọng yếu nhất, còn lại giao cho xã hội. Từ sản xuất ra gói mì tôm đến máy bay phản lực đều do tư nhân thực hiện. Hoặc từ việc làm sao dọn một cọng rác đến chăm lo đời sống tinh thần cũng do doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội thực hiện.

Nhà nước làm ra luật, tạo hành lang pháp lý và điều kiện tốt nhất để các hoạt động đi vào khuôn khổ. Chính vì lẽ đó, bộ máy quản lý của họ từ quản lý đô thị đến quản lý hành chính rất gọn nhẹ, công chức tinh thông chuyên nghiệp, lương cao. Quan điểm lớn và xuyên suốt của họ là “nhà nước nhỏ, nhân dân lớn”, “nhà nước quản lý, nhân dân hành động”.

Bộ máy quản lý nhà nước của Việt Nam thoát thai từ mô hình quan liêu, bao cấp, tập trung hóa cao và kế hoạch hóa tập trung, mặc dù có nhiều cải tiến nhưng về cơ bản vẫn trên nền tảng của mô hình XHCN kiểu cũ. Dấu ấn của kiểu quản lý XHCN vẫn còn rất nặng nề. Một trong các đặc tính nổi trội của nó là ôm đồm nhiều chức năng, trong đó có cả chức năng sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Chính vì điều này hầu hết các bộ, ngành và cơ quan ngang bộ đều có tập đoàn, tổng công ty, công ty, nhà máy sản xuất và cơ sở kinh doanh. Ngay đến các bộ nặng về hành chính sự nghiệp như giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao - du lịch, y tế cũng có nhiều công ty.

Chẳng hạn Bộ Giáo dục - Đào tạo có nhà xuất bản, nhà in, công ty thiết bị trường học, công ty xây dựng trường học… Bộ Y tế có đến mấy chục công ty sản xuất dược, công ty thiết bị y tế, công ty xuất nhập khẩu y tế, công ty hóa chất, công ty bao bì y tế… Quy mô này làm các bộ trở nên cồng kềnh không chỉ cơ cấu tổ chức, nhân sự, còn sử dụng rất nhiều đất đai, trụ sở, vốn nhà nước.

Cũng chính vì lý do này dẫn đến hệ lụy không tránh khỏi, là khi các bộ làm luật, bao gồm xây dựng luật, triển khai luật, hiện thực hóa luật, ban hành các thông tư, nghị định, quyết định… phải dựa trên nhiệm vụ và quyền lợi của bộ mình, từ đó mới sinh ra khái niệm “tham nhũng chính sách”.

Do là các công ty nội ngành nên buộc phải làm sao kéo các hợp đồng lớn, dự án trọng điểm cho các tổng công ty, công ty trong các bộ theo tinh thần “ăn cây nào, rào cây ấy”. Thí dụ, Bộ Xây dựng có 15 tổng công ty trực thuộc với hàng trăm ngàn công nhân, công ty nào cũng lẫy lừng. Vì thế mới hiểu tại sao vốn ODA, vốn đầu tư công cho hạ tầng kỹ thuật đều được rót về đây. Và cho đến nay các doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận vốn ODA là như vậy, mà nếu có thường là vay lại từ một doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ nhận thấy việc để các tập đoàn, tổng công ty trong các bộ không ổn, nên bắt đầu từ năm 1992 tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên, tiến trình này diễn ra rất chậm, hiệu quả thấp, đôi khi bị chệch hướng. Kết quả, số lượng doanh nghiệp trong các bộ ngành vẫn còn rất lớn.

Do vậy, việc Bộ Công Thương dịch chuyển 11 tổng công ty ra khỏi chức năng quản lý của bộ là hướng đi tích cực. Như thế bộ này sẽ không làm chức năng sản xuất, kinh doanh, mà tập trung chủ yếu vào quản lý nhà nước, tức tham gia với Quốc hội để lập pháp, xây dựng các luật chuyên ngành, triển khai các luật và văn bản dưới luật vào thực tế, thực hiện tuyên truyền phổ biến luật; xây dựng hệ thống tổ chức, và tạo điều kiện về thể chế, về vật chất, về tinh thần nhằm giúp cho các chủ thể như tỉnh, thành thực hiện các luật và văn bản dưới luật đúng, tham gia điều chỉnh luật và các quy định xuất phát từ thực tiễn.

Khi đó, Bộ Công Thương chỉ thực hiện công tác kiểm sát và hình thành các giải pháp nhằm đảm bảo cho các quy định của nhà nước, chính phủ được thực thi như các hình thức chế tài, trừng phạt.

Thực tế, các bộ được xem là cầu nối giữa các tỉnh, thành với Chính phủ và các cơ quan Trung ương, giúp các tỉnh thành gỡ rối khi có những nút thắt xuất hiện. Đó là công tác quản lý nhà nước. Nếu làm đúng như thế các bộ sẽ gọn nhẹ hơn, chức năng rõ ràng hơn và thực thi sẽ hiệu quả hơn, và các hoạt động của nó chắc chắn sẽ minh bạch hơn mà không bị lấn cấn bởi quyền lợi cục bộ.

Bộ Công Thương đang mở đầu cho giai đoạn mới của quản lý nhà nước, các bộ khác cần nghiên cứu và học tập.

Đại học Quốc gia TPHCM và Sở Khoa học - Công nghệ TP vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu có tên "Nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực quản lý nhà nước về đô thị, và các đề xuất cho việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý đô thị tại TPHCM".

Nhóm nghiên cứu rất lúng túng trong việc xác định trình độ quốc tế của nguồn nhân lực về quản lý đô thị, cũng như khả năng hội nhập của hệ thống quản lý nhà nước của Việt Nam với thế giới. Bởi thực tế, độ lệch của hệ thống quản lý nhà nước của ta với các nước phát triển quá lớn và quá xa, không chỉ về quan điểm còn về cơ cấu tổ chức, trình độ, quy mô và công nghệ - kỹ thuật.

TS. Nguyễn Minh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bo-cong-thuong-tien-phong-xoa-bo-quy-luat-an-cay-nao-rao-cay-nay-post107746.html