Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm soát các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp còn chưa cao

Pháp luật về dân sự quy định, hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Còn đối với điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hiện nay trong một số lĩnh vực, việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng được thực hiện thông qua việc ký kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung như: Cung cấp điện sinh hoạt; cung cấp nước sinh hoạt; truyền hình trả tiền; dịch vụ điện thoại cố định mặt đất; dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán trả sau); dịch vụ truy nhập Internet; vận chuyển hành khách đường hàng không; vận chuyển hành khách đường sắt; mua bán căn hộ chung cư và các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp…

Các loại hợp đồng và điều kiện giao dịch chung được doanh nghiệp thiết lập sẵn về nội dung, điều kiện giao dịch, người tiêu dùng chỉ đồng ý hoặc không đồng ý về các điều khoản có sẵn

Theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thẩm quyền tiếp nhận đăng ký và kiểm soát các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở cấp Trung ương được giao cho Bộ Công Thương, cụ thể là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, các loại hợp đồng và điều kiện giao dịch chung được doanh nghiệp thiết lập sẵn về nội dung, điều kiện giao dịch, người tiêu dùng chỉ đồng ý hoặc không đồng ý về các điều khoản có sẵn này, mà hầu như không có sự thương lượng, đàm phán để có lợi hơn cho mình. Do đó, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm soát các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã thực hiện công tác thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với khoảng trên 150 hồ sơ.

Tuy nhiên, qua công tác thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của các doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy, tính tuân thủ pháp luật trong các hồ sơ đăng vẫn còn chưa cao. Cụ thể, trong số các hồ sơ nộp vào Ủy ban, tỷ lệ các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vẫn ở mức tương đối thấp, chỉ khoảng 35%, số còn lại là các hồ sơ cần sửa đổi, hoàn thiện để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Điều này đòi hỏi sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động của doanh nghiệp trong việc nhận thức đúng, đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như tăng cường kỹ năng soạn thảo hợp đồng của đội ngũ cán bộ pháp chế doanh nghiệp”, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.

Ông Lê Triệu Dũng cũng cho biết, nhằm nâng cao nhận thức và tính tuân thủ pháp luật về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho các đối tượng liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Ngoài ra, Ủy ban cũng thường xuyên hướng dẫn, giải đáp các câu hỏi do doanh nghiệp và người tiêu dùng gửi đến đơn vị thông qua các phương thức như gửi thư tới trụ sở Ủy ban, thư điện tử, điện thoại...

Quyền của người tiêu dùng khi thực hiện giao kết

Ở từng lĩnh vực cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định để kiểm soát loại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng; tuy nhiên người tiêu dùng cũng cần biết các quyền của mình khi thực hiện các giao kết này. Cụ thể, ở một số lĩnh vực:

Mua bán căn hộ chung cư, kể cả trường hợp mua bán căn hộ hình thành trong tương lai và căn hộ có sẵn đều sử dụng hợp đồng theo mẫu

Về mua bán căn hộ chung cư, kể cả trường hợp mua bán căn hộ hình thành trong tương lai và căn hộ có sẵn, khi nhận bàn giao căn hộ, người tiêu dùng có quyền kiểm tra chất lượng các thiết bị, vật liệu được lắp đặt trong căn hộ nêu tại bảng danh mục vật liệu xây dựng mà các bên đã thỏa thuận kèm theo hợp đồng và được nhận hồ sơ bản vẽ căn hộ; được yêu cầu bên bán làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ theo quy định của pháp luật; được sử dụng các dịch vụ hạ tầng do doanh nghiệp dịch vụ cung cấp trực tiếp hoặc thông qua bên bán sau khi nhận bàn giao căn hộ; được yêu cầu bên bán hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo nội dung dự án nhà chung cư đã phê duyệt; được yêu cầu bên bán tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập ban quản trị nhà chung cư nơi có căn hộ mua bán và được quyền sử dụng đối với các phần diện tích thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư. Người tiêu dùng cần quan tâm trong hoạt động giao dịch này là diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy.

Về mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, người tiêu dùng được quyền yêu cầu bên bán điện đảo đảm chất lượng điện năng tại vị trí đã thỏa thuận trong hợp đồng; được quyền yêu cầu kiểm tra chất lượng điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện, số tiền điện phải thanh toán và yêu cầu kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện. Điện sinh hoạt là hàng hóa đặc biệt, khi yêu cầu kiểm tra chất lượng điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện thì người tiêu dùng phải chịu kinh phí phát sinh cho bên thứ bên là đơn vị kiểm định nếu lỗi đó không thuộc về trách nhiệm của bên bán điện.

Đối với việc mua bán nước phục vụ mục đích sinh hoạt, người tiêu dùng được quyền yêu cầu đơn vị cấp nước xem xét lại số tiền nước phải thanh toán và khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm nước không chính xác, khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra; trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của đơn vị cấp nước, khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về cấp nước tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập.

Trong lĩnh vực viễn thông, người tiêu dùng được quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm; được sử dụng dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá cước trong hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông; được quyền từ chối sử dụng một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông;

Được quyền khiếu nại về giá cước, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông gây ra; được quyền đảm bảo bí mật các thông tin riêng được ghi trong hợp đồng và quyền được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục tại bất kỳ thời điểm nào và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ biết.

Đối với vận chuyển hành khách đường hàng không, hành khách được thông báo bằng văn bản về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển áp dụng đối với trường hợp hành khách bị chết, bị thương, hành lý bị hư hỏng, mất và vận chuyển chậm; trong trường hợp hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển, hành khách có quyền yêu cầu người vận chuyển thu xếp hành trình phù hợp hoặc hoàn trả lại tiền phần vé chưa sử dụng;

Trong các trường hợp quy định tại Điều 146 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, hành khách được nhận lại tiền vé hoặc số tiền tương ứng của phần vé chưa sử dụng, sau khi đã trừ phí và tiền phạt được ghi trong Điều lệ vận chuyển được quyền từ chối chuyến bay, nếu đang trong hành trình, hành khách có quyền từ chối bay tiếp tại bất kỳ cảng hàng không, sân bay hoặc nơi hạ cánh bắt buộc nào và có quyền nhận lại tiền vé hoặc số tiền tương ứng của phần vé chưa sử dụng, sau khi đã trừ phí và tiền phạt được ghi trong Điều lệ vận chuyển;

Được miễn cước vận chuyển hành lý với mức tối thiểu được ghi trong Điều lệ vận chuyển; trẻ em dưới mười hai tuổi đi tàu bay được miễn, giảm cước vận chuyển với mức ghi trong Điều lệ vận chuyển và trẻ em từ hai tuổi đến dưới mười hai tuổi được bố trí chỗ ngồi riêng và trẻ em dưới hai tuổi không có chỗ ngồi riêng và phải có người lớn đi cùng.

Ngoài các điều, khoản gần như bắt buộc được ghi trong hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung, thì điểm chung của các loại hợp đồng này là có điều khoản về “thỏa thuận khác” mà người tiêu dùng có thể “đàm phán”, “thương lượng” khi thực hiện giao kết hợp đồng, tuy nhiên cũng cần lưu ý về các “thỏa thuận khác” trong hợp đồng này phải phù hợp với quy định của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội.

Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết thêm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã có quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Ngoài các lĩnh vực kể trên, đối với hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, “để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát loại các loại hợp đồng này”, ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-tang-cuong-kiem-soat-hop-dong-theo-mau-dieu-kien-giao-dich-chung-316347.html