Bộ Công Thương nỗ lực thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Bộ Công Thương đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ sở thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.

Đây là thông tin được ông Hoàng Văn Tâm - Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu - Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết tại tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Kiểm kê, thẩm định, xác nhận và giảm phát thải trong chuỗi cung ứng”.

Tọa đàm do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Công ty Nestlé Việt Nam tổ chức ngày 24/4 tại TP. Hồ Chí Minh.

Thông tin tại tọa đàm này, các chuyên gia và doanh nghiệp cho biết, trên hành trình giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trước mắt đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 30% mức phát thải khí metan so với năm 2020; xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê từ năm 2026.

Ông Hoàng Văn Tâm - Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu - Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững

Dưới góc độ của ngành Công Thương, để thực hiện các mục tiêu này, ông Tâm cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương vào tháng 12/2023.

Thông tư quy định rõ nguyên tắc thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần tuân thủ các nguyên tắc về: Tính đầy đủ, tính nhất quán, tính minh bạch, tính chính xác và tính so sánh.

Thông tư cũng quy định việc thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần tuân thủ các nguyên tắc về: Tính độc lập, tính công bằng. Đồng thời, theo Thông tư, kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm thuộc ngành Công Thương là các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên (có 1.662 cơ sở phát thải lớn được xác định và yêu cầu nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cho Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên Môi trường).

Đối với các cơ sở không nằm trong danh sách phát thải lớn nhưng vẫn được Bộ khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện và hoạt động của mình.

“Bộ đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ sở thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương(phần lớn các cơ sở do bộ quản lý đã cung cấp thông tin). Theo lộ trình, đến năm 2025, các cơ sở sẽ gửi kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở và đến năm 2027, nộp báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”- ông Tâm nói thêm.

Cũng tại tọa đàm, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé Việt Nam đã chia sẻ về cam kết và lộ trình đạt Net Zero của tập đoàn Nestlé.

Ông Hưng cho biết, theo lộ trình Nestlé đưa ra, tập đoàn sẽ giảm 20% phát thải vào năm 2025, 50% vào năm 2030, và hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Để đạt được các bước tiến trong việc thực hiện cam kết Net Zero, Nestlé tập trung vào thượng nguồn chuỗi giá trị, với 2 cách tiếp cận chiến lược để giảm phát thải, gồm: Thúc đẩy nông nghiệp tái sinh; và bảo tồn, tái tạo rừng. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thực hiện các sáng kiến và chương trình giảm phát thải trong sản xuất và trong vận tải hàng hóa.

Theo chia sẻ của ông Khuất Quang Hưng, mô hình nông nghiệp tái sinh của Nestlé tập trung vào việc phục hồi đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đất trồng, bảo tồn nguồn nước, kết hợp các phương pháp trồng xen canh đa dạng và tích hợp với chăn nuôi, và tạo cảnh quan bền vững. Trong lĩnh vực cà phê, mô hình này đang được Nestlé triển khai thông qua chương trình Nescafé Plan, hướng đến giảm phát thải nhà kính, tăng thu nhập của người nông dân và đóng góp cho cộng đồng. Tại Việt Nam, phương thức nông nghiệp tái sinh được chia sẻ đến người nông dân trồng cà phê trong khuôn khổ Nescafé Plan đã được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011.

Nestlé đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hạt cà phê cung ứng cho tập đoàn được canh tác có trách nhiệm, 20% hạt cà phê được thu hoạch từ các nông trại canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh; và đến năm 2030, tỷ lệ này đạt 50% và đồng thời giảm phát thải 50% khí nhà kính (so với năm 2018). Việt Nam hiện là một trong những nguồn cung cà phê xanh lớn nhất cho tập đoàn Nestlé.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-no-luc-thuc-hien-giam-nhe-phat-thai-khi-nha-kinh-316602.html