Bộ Công Thương: Điện lưới quốc gia đã vươn tới vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái

Đó là một phần ghi nhận từ Đoàn công tác của Bộ Công Thương trong quá trình kiểm tra, đánh giá thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái, ngày 20/11.

Tại Yên Bái, huyện Yên Bình - đang phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2023, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã kiểm tra thực tế tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và tiêu chí số 4 về điện nông thôn.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra thực tế tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại huyện Yên Bình

Huyện Yên Bình hiện có 15 xã có chợ trong quy hoạch và 7 xã có cửa hàng tiện ích, tiện lợi, cửa hàng tổng hợp

Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra thực tế tiêu chí số 4 về điện nông thôn

Gần 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Tại buổi làm, việc đại diện UBND huyện Yên Bình đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện. Theo đó, Yên Bình hiện có 22/22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến tháng 11/2023 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm xã Mỹ Gia Bạch Hà và phấn đấu thêm 1 xã Xuân Long. Cùng đó, 100% số thị trấn trên địa bàn huyện đã đạt các tiêu chí đánh giá điều kiện xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Riêng với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực Công Thương, đại diện UBND huyện Yên Bình thông tin: Bình 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới đều duy trì đạt nội dung tiêu chí số 4. Hệ thống lưới điện trên địa bàn các xã đảm bảo đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 100%.

Quang cảnh buổi làm việc

Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, huyện Yên Bình hiện có 15 xã có chợ trong quy hoạch và 7 xã có cửa hàng tiện ích, tiện lợi, cửa hàng tổng hợp. Hiện các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều duy trì đạt yêu cầu tiêu chí số 7 đảm bảo theo quy định.

Về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, dự kiến đến hết năm 2023, huyện Yên Bình có 6/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chiếm 27,3%, trong đó 4 xã đã được công nhận; 2 xã sẽ được đánh giá, công nhận trong tháng 11/2023 và phấn đấu thêm 1 xã.

Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cũng thông tin về tình hình xây dựng nông thôn mới của Yên Bái. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, Yên Bái có 103/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 68,67%. Dự kiến đến hết năm 2023, tỉnh sẽ xét công nhận thêm 4 xã nông thôn mới, lũy kế đạt 107/150 xã chiếm 71,3%.

Riêng với các tiêu chí, chỉ tiêu do Bộ Công Thương được giao phụ trách, tính đến tháng 11/2023 toàn tỉnh lũy kế có 135/150 xã đạt tiêu chí số 4 (chiếm 90%); 103/150 xã đạt tiêu chí số 7 (chiếm 68,67% tổng).

Dù đã đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên theo lãnh đạo Sở Công Thương Yên Bái, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, địa phương hiện còn 30 thôn, bản chưa có lưới điện nông thôn, lại nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là nằm trong khu vực rừng phòng hộ nên việc thi công lưới điện rất khó khăn. Chưa kể suất đầu tư lớn, hiệu quả đầu tư không cao.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái phát biểu tại buổi làm việc

Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, do hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh họp theo phiên, khoảng 3 phiên/tuần, thu phí rất thấp khiến cho việc chuyển đổi mô hình chợ rất khó khăn.

Tương tự với tiêu chí về cụm công nghiệp, địa phương có chủ trương thu hút đầu tư và đã thực hiện kêu gọi đầu tư rất nhiều nhưng chưa hiệu quả do đặc thù ở khu vực miền núi, giao thông không thực sự thuận lợi, vốn đầu tư cao nên chưa hấp dẫn được nhà đầu tư.

Vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân huyện Yên Bình nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung về những kết quả khả quan đạt được trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, ghi nhận: Tiêu chí số 4 là điểm sáng của Yên Bái nói chung, Yên Bình nói riêng, cơ hạ tầng điện nông thôn cơ bản tốt. Các chợ được đặt ở vị trí thuận lợi, mặt hàng phong phú. Cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy cao cũng là điểm cộng của địa phương.

Ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương phát biểu

Tuy nhiên, ông Đặng Quý Nhân cũng lưu ý: Với các tiêu chí đã đạt, địa phương nên tập trung nâng cao chất lượng. Ví dụ, về tiêu chí số 7 tập trung hơn vào công tác quản lý chợ, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đồng thuận với lãnh đạo Sở Công Thương Yên Bái về những khó khăn trong phát triển lưới điện nông thôn, tại buổi làm việc ông Nguyễn Vinh Quang, Ban Kinh doanh, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cho biết: Đầu tư cho hệ thống lưới điện nông thôn mất nhiều chi phí, một mình ngành điện gánh vác rất nặng nề. Đề nghị UBND huyện Yên Bình làm việc với UBND tỉnh xem xét cân đối nguồn vốn hỗ trợ cho ngành điện.

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đại biểu trong Đoàn công tác, đề xuất của địa phương, ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Yên Bình nói riêng, Yên Bái nói chung trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Yên Bình nói riêng, Yên Bái nói chung trong xây dựng nông thôn mới

Trưởng Đoàn công tác đặc biệt đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện tiêu chí số 4 khi Yên Bái đạt cao hơn mức bình quân khu vực. Tuy nhiên, tiêu chí số 7 có thấp hơn, do vậy đề nghị địa phương nghiên cứu, đầu tư nâng cao hơn tỷ lệ đạt được của tiêu chí này.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, đạt các tiêu chí nông thôn mới khác, ông Dương Quốc Trịnh cũng thông tin: Bộ Công Thương đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ cho các địa phương phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa như khuyến công, xúc tiến thương mại, Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Yên Bái có nhu cầu hỗ trợ đề nghị liên lạc với cơ quan đầu mối của Bộ để được tư vấn, triển khai các hoạt động.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị địa phương tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; phát động tuyên truyền giúp cho cán bộ, nhân dân hiểu và thực hiện chương trình này nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giàu đẹp, văn minh hơn.

Việt Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-dien-luoi-quoc-gia-da-vuon-toi-vung-sau-vung-xa-cua-tinh-yen-bai-286892.html