Bộ Công Thương đẩy nhanh hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics VIệt Nam

Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý nhằm đẩy nhanh hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Sáng ngày 20/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đối với Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp.

Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả

Trình bày Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban soạn thảo cho biết, cùng với tiến trình hội nhập, sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, việc thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, logistics Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 đã đạt được các kết quả tích cực.

Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao 14% - 16%/năm, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, nhiều doanh nghiệp logistics được thành lập cung cấp dịch vụ logistics và từng bước hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tới các vùng miền trong cả nước và tới các nước trong khu vực, số doanh nghiệp logistics tăng nhanh, các trung tâm logistics có quy mô lớn đang gia tăng,…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn vừa qua còn những hạn chế như năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp, 89% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp trong nước, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ (chiếm 95%), nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới (tương đương khoảng 18% GDP, trong khi mức bình quân thế giới là 14%), đóng góp vào GDP chỉ từ 4% - 5%,…

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trình bày Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trình bày Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045

Trong giai đoạn tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ các cuộc xung đột địa chính trị, thương mại, chu kỳ khủng hoảng kinh tế. Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc,… có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, dịch vụ logistics dần trở thành một nội dung không thể thiếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Bên cạnh đó, kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 sắp kết thúc, cần có một lộ trình dài hơn, bài bản hơn để đưa ra định hướng phát triển cho ngành dịch vụ Việt Nam trong thời gian tới.

Vì vậy, ngành dịch vụ logistics cần có những định hướng, điều chỉnh, cập nhật kịp thời để phát triển nhanh, mạnh và bền vững, việc xây dựng “Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045” là cấp thiết.

Việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin, phát triển logistics Việt Nam theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Đảm bảo tính khả thi cho thực hiện Chiến lược

Triển khai từ tháng 3/2023 với Quyết định số 549/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Soạn thảo xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thành viên Nhóm nghiên cứu, Ban soạn thảo xây dựng Chiến lược tập trung tổng hợp thông tin, số liệu, kết hợp nghiên cứu, rà soát thực trạng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay để xây dựng dự thảo Chiến lược.

Song song đó, Ban soạn thảo Chiến lược đã tổ chức các hoạt động lấy ý kiến công khai rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp liên quan trên cả nước bằng nhiều hình thức. Trong đó, ngày 24, 26/01/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Chiến lược tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đảm bảo chất lượng của dự thảo Chiến lược, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo phương hướng bổ sung, khắc phục các vấn đề còn đang thiếu, chưa được đề cập đầy đủ trong các Dự thảo Báo cáo Đề án Chiến lược, Dự thảo Quyết định.

Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ Công Thương đã chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Chiến lược, Quyết định phê duyệt Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh Dự thảo Chiến lược Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cần đảm bảo tính khả thi cho việc thực hiện Chiến lược sau khi được ban hành.

Trong đó cần lưu ý một số nội dung như: Tích hợp Chiến lược với các quy hoạch, chiến lược quốc gia, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng…; Liên kết, kết nối phát triển dịch vụ logsitics giữa các vùng, các địa phương; Gia tăng năng lực và thị phần dịch vụ logistics tại thị trường nội địa của khu vực doanh nghiệp logistics Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài; Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trung tâm kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu phát triển để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; Phát triển xanh, phát triển số gắn với hoạt động dịch vụ logsitics; Đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của ngành.

"Để đảm bảo tính khả thi thực hiện, Chiến lược phải đảm bảo tính đồng bộ, liên hoàn nhưng vẫn tương hỗ, hỗ trợ nhau giữa các chủ thể, các khâu liên quan, đi kèm với đó là sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó Thứ trưởng cũng cho rằng, Chiến lược cần chú trọng nội dung xây dựng, phát triển các trung tâm logistics tại các địa phương, tạo động lực nền tảng thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển logistics Việt Nam nói chung; bổ sung phần đánh giá tác động môi trường đầy đủ lồng trong Chiến lược...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cần chú trọng tính liên kết vùng, phát triển đồng bộ hạ tầng logistics gắn với chuyển đổi số... và đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Chiến lược

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cần chú trọng tính liên kết vùng, phát triển đồng bộ hạ tầng logistics gắn với chuyển đổi số... và đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Chiến lược

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội đánh giá cao dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045 đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng một cách tổng thể, hệ thống và bao trùm các vấn đề, nội dung liên quan, bám sát “hơi thở” thực tiễn ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay.

Góp ý thêm với Dự thảo Chiến lược, Dự thảo Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Chiến lược, các chuyên gia, đại diện Bộ, ngành, hiệp hội cho rằng Chiến lược cần làm rõ hơn tập trung vào một số nội dung như: Vai trò, hoạt động của các Bộ, ngành trong phối hợp thực hiện các giải pháp phát triển logistics; giải pháp phát triển các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tạo nguồn hàng cho dịch vụ logistics; đào tạo chuyên sâu về ngành dịch vụ logistics; tính liên vùng trong thực hiện Chiến lược; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với chuyển đổi số (hạ tầng số) cho phát triển dịch vụ logistics...

Tiếp thu ý kiến định hướng của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Trưởng Ban chỉ đạo cũng như các ý kiến góp ý tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban soạn thảo cho biết, thường trực Ban soạn thảo Chiến lược sẽ tiếp tục tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Chiến lược.

Theo kế hoạch, sau khi Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành hiệp hội địa phương sẽ xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược. Do đó đề nghị các Bộ ngành hiệp hội địa phương tham gia xây dựng nội dung những Kế hoạch cụ thể này để triển khai Chiến lược hiệu quả, khả thi.

Cuộc họp ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội và các chuyên gia góp ý cho Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045.

Cuộc họp ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội và các chuyên gia góp ý cho Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, các chuyên gia, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo, các nhóm chuyên gia nghiên cứu trong công tác xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045.

Nhấn mạnh tính cấp bách của Chiến lược trong tương quan gắn kết đồng bộ với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch phát triển vùng, địa phương và các quy hoạch, chiến lược chuyên ngành, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Chiến lược để có thể sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, Thứ trưởng lưu ý Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, trong đó cần làm rõ căn cứ của các số liệu, chỉ tiêu; hệ thống một cách logic, kết nối các nhóm giải pháp; chú trọng giải pháp kết nối, liên kết vùng, địa phương trong phát triển dịch vụ logistics..., đồng thời cần củng cố, làm rõ các nội dung dự thảo Chiến lược theo hướng đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, mang lại hiệu quả cao và động lực mới cho phát triển dịch vụ logistcs Việt Nam trong giai đoạn tới.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong-day-nhanh-hoan-thien-chien-luoc-phat-trien-dich-vu-logistics-viet-nam-121386.htm