Bộ Công an đã cấp hơn 75 triệu căn cước công dân gắn chip điện tử

Việt Nam có 89 triệu người đã được định danh và định danh mức độ 2, hơn 75 triệu công dân được cấp căn cước công dân gắn chip điện tử.

Đây là thông tin được Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 26/3.

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thông qua việc xây dựng dữ liệu dân cư với khẩu hiệu "đúng - đủ - sạch - sống", chúng ta đã có dữ liệu rất chính xác. Hiện nay, Việt Nam có trên 105 triệu dân và đã có 89 triệu người được định danh mức độ 2, có trên 75 triệu công dân được cấp căn cước công dân gắn chip điện tử.

Cùng với các dữ liệu chuyên ngành, chúng ta phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối, chia sẻ có hiệu quả, sẽ tạo dần nên nền văn minh xã hội sau chuyển đổi số, người dân ít phải dùng giấy tờ, ít phải gặp cơ quan công quyền; đồng thời tạo nên nền kinh tế số, phòng ngừa tham nhũng vặt, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng.

"Chúng tôi đang phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử và đến năm 2030, là tốp 50 nước khai thác hiệu quả Chính phủ điện tử", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trò chuyện với các đoàn viên, thanh niên bên lề buổi đối thoại

Cũng tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đã nêu sơ lược quá trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với công cuộc chuyển đổi số, trong đó, trung tâm là Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư phục vụ xác thực định danh và chuyển đổi số tầm nhìn 2025 đến 2030.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới và thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn qua đã rút ra 6 bước phải rất lưu ý trong quá trình chuyển đổi số cũng như thực hiện Đề án 06.

Cụ thể: Thứ nhất, phải có quyết tâm chính trị và nền pháp lý phù hợp, đầy đủ với công cuộc chuyển đổi số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm trực tiếp chỉ đạo khi chúng ta xong Dự án Dữ liệu dân cư quốc gia, Dự án Xây dựng, quản lý cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Ngày 6/1/2021, Thủ tướng đã có Đề án 06, đến ngày 21/12/2023, Thủ tướng đã chủ trì, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 và ngày 11/2/2024, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về thực hiện Đề án 06 cho năm 2024 và nhiệm vụ đến năm 2025 với 23 nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

"Từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu Chính phủ tới các yếu tố pháp lý là chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, các nghị định về bảo vệ dữ liệu, thông tư về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Tiến tới chúng ta tiếp tục xây dựng luật dữ liệu và nâng thông tư bảo vệ dữ liệu lên thành Luật Bảo vệ dữ liệu, chúng ta sẽ từng bước hoàn thành", Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Thứ hai, phải có hạ tầng công nghệ, tức là các thiết bị phần cứng và phải có bộ phần mềm để thực hiện.

Thứ ba, phải có dữ liệu, vì không có dữ liệu sẽ không tạo được kết nối, chia sẻ. Dữ liệu chia thành hai nhóm, nhóm thứ nhất là dữ liệu phát sinh hằng ngày của các cơ quan, các địa phương thì được số hóa ngay. Nhóm thứ hai là dữ liệu phải số hóa của những hồ sơ giấy trước đây đang lưu trữ. Trong nhóm dữ liệu hồ sơ giấy chia làm hai loại, loại sạch, đủ, chính xác thì sẽ số hóa luôn, loại còn có nhiều vấn đề phải xác minh, bổ sung, sửa đổi thì sẽ làm dần từng bước.

Thứ tư, phải có một giải pháp bảo mật. Bảo mật là giải pháp chung, quan trọng nhất là bảo mật chính ở mỗi người, nếu mỗi người không bảo vệ được chính mình thì sẽ không bảo vệ được hệ thống.

Thứ năm, là con người công nghệ, những chuyên gia về công nghệ theo từng lĩnh vực như lĩnh vực về phần mềm, bảo mật, thiết bị và công nghệ. Đó là những chuyên gia sẽ nghiên cứu, đưa ra giải pháp, nhưng chúng ta đa phần ở đây là con người thụ hưởng công nghệ. Như vậy, chúng ta chia ra hai nhóm, nhóm chuyên gia để sáng tạo và nhóm thụ hưởng để thực hiện.

Thứ sáu, là ngân sách. Ngân sách để đầu tư cho thiết bị công nghệ, xây dựng phần mềm, tạo lập, làm giàu dữ liệu...

Theo Nghị quyết 175, ngày 30/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia. Tại đó sẽ có 8 luồng dữ liệu sẽ xây dựng là: Dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu quốc gia về đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tổng hợp quốc gia.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-an-da-cap-hon-75-trieu-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-dien-tu-310970.html