Blouse trắng lặng thầm

Bên cạnh đội ngũ thầy thuốc trực tiếp điều trị, tại các cơ sở y tế còn có rất nhiều thầy thuốc làm những công việc thầm lặng, góp phần quan trọng vào hiệu quả khám chữa bệnh.

Sau khi gây mê cho bệnh nhân, kíp gây mê lùi lại phía sau tấm màn xanh, trên đầu bệnh nhân, theo dõi các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân. Ảnh: YÊN LAN

1. Tham gia phòng chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là căn bệnh từng làm cho cộng đồng sợ hãi dẫn đến kỳ thị, xa lánh người bệnh, các thầy thuốc có những kỷ niệm khó quên.

BSCKII Nguyễn Kiều Quỵnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Phú Yên, người đã có 1/4 thế kỷ tham gia phòng chống bệnh phong, nhớ lại: “Hồi đó, chúng tôi đến nhà một bệnh nhân ở Sông Cầu, liền bị họ... đuổi đi. Họ sợ xóm làng biết, sẽ kỳ thị, xa lánh và ảnh hưởng đến cả con cái. Chúng tôi buộc phải ở lại Sông Cầu, chờ đến tối thì trở lại nhà người bệnh. Lúc này, chúng tôi mới gặp được và giải thích cho họ hiểu rằng bệnh phong hoàn toàn chữa được, không còn là một trong tứ chứng nan y”.

Sau một hành trình dài, đến nay, Phú Yên giữ vững các tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Số bệnh nhân khuyết tật nặng càng về sau càng giảm, bởi các trường hợp mắc bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Hơn 5 năm qua, Phú Yên không có bệnh nhân phong mới. Đây là kết quả từ biết bao mồ hôi, công sức của đội ngũ thầy thuốc phòng chống bệnh phong.

Mỗi chuyên ngành của y khoa có những đặc thù, những điều thú vị và những thử thách riêng, chuyên ngành phục hồi chức năng (PHCN) cũng vậy. Điều trị tại Bệnh viện PHCN Phú Yên phần đông là bệnh nhân bị liệt do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống và các bệnh về vận động; thời gian điều trị phải tính bằng tháng.

BSCKII Đặng Hoàng Hương Thùy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến, cho biết: “Bệnh nhân được đưa đến đây sau khi điều trị giai đoạn cấp ở các bệnh viện khác. Nhiều trường hợp liệt nặng do tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống, bệnh nhân rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn nuốt... Họ chán nản, không có động lực nên không hợp tác để điều trị. Đấy chính là rào cản lớn nhất.

Thầy thuốc PHCN phải kiên trì, nhẫn nại, động viên người bệnh, đưa ra lời khuyên và phải làm sao để họ tin tưởng, hợp tác. Thầy thuốc khám tỉ mỉ, đánh giá và đặt ra mục tiêu PHCN rồi giải thích cặn kẽ, thuyết phục để bệnh nhân hợp tác. Và khi bệnh nhân thấy việc tập PHCN có tiến triển thì họ phấn khởi, có động lực. Mức độ hồi phục ít hay nhiền, bệnh nhân và người nhà có vai trò rất lớn”.

Không tiếp xúc với người bệnh song công việc của nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện cũng không hề nhẹ nhàng. Đội ngũ này có nhiệm vụ “bảo vệ” bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế thông qua việc xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện các quy định chuyên môn và phối hợp với các khoa nhằm giảm đến mức thấp nhất những nguy cơ, sự lây lan của vi trùng trong quá trình khám chữa bệnh.

Cử nhân Hồ Thị Mạnh Quốc, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, được phân công hỗ trợ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho hay: “Công việc rất áp lực. Bác sĩ dù giỏi đến đâu nhưng nếu khâu xử lý dụng phẫu thuật, thủ thuật không đạt thì ca mổ cũng không đạt hiệu quả”. Dụng cụ y tế được chia theo nhóm, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt, trong đó những dụng cụ thiết yếu, xâm lấn vô cơ thể, như dụng cụ phẫu thuật, thủ thuật là phải vô khuẩn hoàn toàn.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng ngừa lây nhiễm chéo ở các khoa, ngày ngày, 17 nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn giải quyết một khối lượng lớn công việc. Toàn bệnh viện có 600-700kg đồ vải cần được giặt, ủi. “Công việc rất nhiều; bệnh viện yêu cầu chất lượng phục vụ bệnh nhân ngày càng cao. Chị em làm việc trong môi trường nóng nực do máy móc tỏa nhiệt. Ai nấy đều cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ”, chị Mạnh Quốc chia sẻ.

Kỹ thuật viên tập phục hồi chức năng một bệnh nhân bị tổn thương tủy sống. Ảnh: YÊN LAN

2. Trong phòng phẫu thuật, các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng chuyên ngành Gây mê - Hồi sức là những người “đến trước về sau”, thầm lặng thực hiện nhiệm vụ của mình. Làm việc tại Khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên từ năm 2018, BSCKI Nguyễn Lê Thái Bảo chia sẻ: Gây mê - Hồi sức là một chuyên ngành rộng, nếu đào sâu nghiên cứu thì rất hay. Nhưng đi đôi với sự thú vị, công việc này thầm lặng và vất vả.

Bác sĩ gây mê đến phòng mổ trước phẫu thuật viên, chuẩn bị cho bệnh nhân, đảm bảo các chỉ số sinh hiệu, huyết động để bệnh nhân an toàn trong cuộc mổ, tạo điều kiện cho phẫu thuật viên có cuộc mổ thuận lợi, để họ giải quyết vấn đề bệnh cho bệnh nhân, sau đó chăm sóc, giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe.

Ngoài nhiệm vụ trên, các thầy thuốc nơi đây còn có nhiệm vụ hồi sức ngoại khoa. Họ tiếp nhận, hồi sức những ca bệnh nặng, phối hợp với bác sĩ các chuyên khoa: Ngoại tổng quát, Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình... giải quyết những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe mà bệnh nhân gặp phải và hồi sức cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Bảo, một yếu tố rất quan trọng trong ngành Gây mê là có chuẩn bị trước. Với từng ca bệnh, bằng kiến thức, kinh nghiệm, bác sĩ gây mê nhận định cần chuẩn bị những gì, lường trước những tình huống có thể xảy ra để kịp thời xử trí.

“Ở những ca bệnh nặng, nguy kịch, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, thầy thuốc phải đưa ra quyết định chính xác. Vì vậy, việc chuẩn bị cho bệnh nhân, đánh giá, tiên lượng... là rất quan trọng”, bác sĩ sinh năm 1992, quê Bình Định chia sẻ.

Cùng các đồng nghiệp ở Khoa Gây mê - Hồi sức, bác sĩ Bảo đã tham gia nhiều ca phẫu thuật điều trị bệnh nhân bị chấn thương sọ não, vỡ lách, thủng tạng rỗng, thủng ruột, vết thương thấu ngực... Những ca phẫu thuật sọ não kéo dài từ trên 2 tiếng đến 4 tiếng đồng hồ.

Với những trường hợp đa chấn thương, tổn thương mạch máu hay tổn thương đa cơ quan, ca mổ kéo dài 3-4 tiếng. Niềm vui của thầy thuốc gây mê - hồi sức là khi đưa người bệnh ra khỏi khoa thì bệnh tật đã được giải quyết, họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, trở lại với cuộc sống bình thường.

Khác với các khoa lâm sàng, công việc của đội ngũ thầy thuốc ở các khoa cận lâm sàng khá thầm lặng nhưng góp phần rất quan trọng vào chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh. BSCKII Nguyễn Học, Trưởng khoa Hóa sinh - Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết trong 33 năm anh gắn bó với khoa này, khoảng thời gian căng thẳng nhất là khi Phú Yên chống đại dịch COVID-19. Lúc đó, bác sĩ Học cùng 10 kỹ thuật viên, cử nhân sinh học, trong đó 1 kỹ thuật viên đang mang thai, 3 người có con nhỏ (dưới 2 tuổi) đã gác lại tất cả, tập trung chống dịch. Họ làm việc quên giờ giấc, ngày đêm.

Giai đoạn cao điểm (tháng 9/2021), mỗi ngày Khoa Hóa sinh - Vi sinh xét nghiệm bằng phương pháp sinh học phân tử từ 27.000-30.000 mẫu gộp. Áp lực lớn nhất của đội ngũ thầy thuốc nơi đây là trả kết quả đúng thời gian và kết quả phải chính xác. Quãng thời gian căng thẳng kéo dài ngót 1 năm, từ tháng 7/2021-7/2022.

“Tôi tự hào về các đồng nghiệp bên cạnh tôi, họ như những con ong chăm chỉ. Làm việc trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” nhưng chúng tôi không để xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc”, bác sĩ Nguyễn Học thổ lộ. Đại dịch qua đi, song trách nhiệm của 23 thầy thuốc nơi đây vẫn nặng nề. Họ làm việc với phương châm “Chính xác, nhanh chóng, an toàn” để các bác sĩ lâm sàng có kết quả chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, hiệu quả.

Người bệnh thường chỉ biết đến bác sĩ trực tiếp điều trị hay phẫu thuật viên, thủ thuật viên - những người đã mổ, đã thực hiện thủ thuật cho mình. Theo BSCKI Bùi Anh Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, mỗi thầy thuốc ở các chuyên khoa, chuyên ngành, tùy theo vai trò, nhiệm vụ mà trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ, đóng góp vào sự thành công của hoạt động khám chữa bệnh.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/313632/blouse-trang-lang-tham.html