Bình Thuận vào mùa… khát:Bài 1: Hồ cạn trơ đáy, sản xuất khó khăn

Người dân nhiều địa phương của tỉnh Bình Thuận đang thiếu nước trầm trọng, cả trong sinh hoạt lẫn tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Kết quả là nhiều hộ dân chỉ làm một vụ mùa, mà ăn cả năm…

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) Trần Ngọc Quảng cho hay, địa phương này hiện có 284 hộ dân, 981 nhân khẩu. Trong đó, có 151 hộ nghèo, hộ cận nghèo là 37, hơn 90% là người đồng bào Rai. Sinh kế của người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, điều, mì, bắp và chăn nuôi gia xúc, gia cầm), nhưng vì thời tiết khô hạn nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ, chăn nuôi chủ yếu là thả rông.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, Nguyễn Văn Phúc thông tin về phương án điều tiết nước trong mùa khô năm nay

Dắt chúng tôi đi “trải nghiệm” cái nắng như thiêu đốt tại rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), ông Quảng vừa đi vừa nói: “Anh có thể thấy hình ảnh đan xen là những ruộng mì, ruộng ngô xơ xác như thế này, từ cửa rừng vào đến tận khu vực lòng Hồ Ka Pét. Cạnh con đường mòn này, chỗ hàng cây trụi lá kia là sông Bà Bích đã cạn trơ đáy, để lộ ra lớp cát vàng và sỏi đá sẫm màu, nếu không phải người bản địa sẽ không biết đó là con sông đâu”.

“Mà đây vẫn chưa phải là cao điểm khô hạn, bà con còn phải chịu đựng cảnh thiếu nước này thêm hơn tháng nữa, tức là khoảng giữa tháng 5 mới có mưa”, vị Phó Chủ tịch xã bày tỏ thêm sự đồng cảm với người dân.

Công nhân đang tích cực khảo sát địa chất tại lòng Hồ thủy lợi Ka Pét

Trên đường vào rừng, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhìn thấy một vài người đồng bào dân tộc Rai, ai nấy đều có nước da đen bóng, mang sau lưng là chiếc gùi tự chế. Họ là dân bản địa có khuôn mặt khắc khổ, đã quen với cảnh mất mùa, những lúc nông nhàn phải vào rừng kiếm tìm mật ong, hái quả, bẻ măng, đào sắn… để mưu sinh qua ngày.

Một người trong số đó là chị Nguyễn Thị Nguyện (thôn 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam), chia sẻ: “Em 34 tuổi, đã có ba con. Năm rồi, chồng em bỏ đi, nên cuộc sống càng vất vả hơn. Hiện tại em có 15 sào ruộng, để trồng bắp và trồng mì, nhưng chỉ trồng được một vụ thôi. Giờ không có nước nên ruộng vẫn bỏ trống”.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, Lê Thanh Sơn chia sẻ về chuyện thiếu trầm trọng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân: Toàn tỉnh hiện có 357.000 ha đất nông nghiệp và có 49 hồ chứa nước, với tổng dung tích chứa 442 triệu m3. Dung lượng của các hồ chứa nước hiện tại cộng với nguồn nước ở sông, suối khác chỉ đủ tưới cho khoảng 57.000 ha. Nếu tính toán 100 triệu m3 tưới được cho 10.000 ha, với 300.000 ha đất nông nghiệp còn lại sẽ phải cần đến 3 tỉ m3 nước/năm.

Sông Bà Bích cạn trơ đáy giữa mùa khô

Hiện tại, công trình hồ chứa Tà Mon thuộc địa phận thôn Tà Mon, xã Tân Lập huyện Hàm Thuận Nam, do Chi nhánh Hàm Thuận Nam trực tiếp quản lý. Công trình này hiện có nhiệm vụ thiết kế tưới cho khoảng 100ha ruộng lúa 2 vụ/năm của cánh đồng Tà Mon thuộc Hợp Tác Xã Tân Lập 1. Tuy nhiên, do cây lúa có giá trị kinh tế không cao nên người dân đã chuyển đổi sang trồng cây thanh long. Vì vậy, công trình này không còn nhiệm vụ tưới cho cây lúa, mà chuyển sang nhiệm vụ tưới cho 183ha cây thanh long và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.

Hai năm trước, công trình hồ chứa nước Tà Mon được đầu tư sửa chữa nâng cao an toàn đập bằng nguồn vốn WB8, do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và đến nay cơ bản đã hoàn thành. Do công trình này đang tưới vượt diện tích so với thiết kế, chưa có nguồn nước bổ sung từ các nguồn khác, nên hàng năm thường vào cuối tháng 3 là hồ hết nước.

Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino nên tình hình nguồn nước không được thuận lợi, mùa mưa kết thúc sớm, nên trong tháng 11/2023 hồ Tà Mon mở nước phục vụ tưới cho cây thanh long. Trong mùa khô năm 2023-2024, hồ Tà Mon cũng mở nước phục vụ tưới được 7 phiên tưới và phiên tưới cuối cùng kết thúc vào ngày 02/3/2024, vì hồ hết nước. Chi nhánh Hàm Thuận Nam đã có các văn bản gởi UBND xã Tân Lập về việc tuyên truyền vận động người dân không chong đèn thanh long trái vụ và có giải pháp tưới tiết kiệm, mở rộng thêm ao, khoan giếng, đắp các cản, đập tạm trên suối để tích trữ nguồn nước nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất.

Công trình hồ chứa Tà Mon (thuộc địa phận thôn Tà Mon, xã Tân Lập huyện Hàm Thuận Nam) cũng cạn kiệt nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp

Còn đối với công trình đập dâng Hàm Cần thuộc địa bàn thôn 3, xã Hàm Cần, Chi nhánh thủy lợi Hàm Thuận Nam đang trực tiếp quản lý và vận hành. Công trình này, theo thiết kế có nhiệm vụ tưới cho 200ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho vùng bào dân tộc thiểu số thuộc thôn 3, xã Hàm Cần.

Những năm gần đây, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng nước trên sông giảm nhanh. Hàng năm, khoảng tháng 12 là không còn nước và đến tháng 6 mới có nước trở lại, do thời tiết có mưa. Vì vậy hiện nay, công trình này chỉ cấp nước tưới cho khoảng 40ha cây lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa vào mùa mưa. Vào mùa khô, công trình này không có nguồn nước để phục vụ tưới cho khoảng 150ha cây thanh long trong khu tưới, người dân phải tự đào ao, khoan giếng để tưới, vì công trình này đến nay nguồn nước không còn.

Ông Sơn nói thêm: Công trình hồ chứa nước Ba Bàu được xây dựng trên địa bàn thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh huyện Hàm Thuận Nam, nằm phía sau đoạn nhập lưu hai Sông Ka pét và Sông Móng. Sau khi nâng cấp hồ Ba Bàu và hệ thống kênh Bắc hoàn thành năm 2004 đã tiếp nước cho đập Sông Linh 2 và khu tưới Suối Thị - Cẩm Hang tăng diện tích tưới từ 2 vụ lên 3 vụ, tưới 2.700ha theo thiết kế ban đầu lên 3.800ha.

Năm 2011, công trình hồ chứa nước Sông Móng hoàn thành đã giảm lũ và cung cấp nước bổ sung nguồn cho hồ Ba Bàu vào mùa khô nên nguồn nước tương đối ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập đi vào hoạt động, nên nguồn nước của hồ Sông Móng phải cân đối tiếp nước về hồ Tân Lập, vì hồ Tân Lập ngoài nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp còn có nhiệm vụ cấp nước thô cho nhà máy nước Thuận Nam nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho khu vực trung tâm huyện Hàm Thuận Nam và các xã lận cận. Do đó, nguồn nước điều tiết về hồ Ba Bàu đã giảm đi.

Do thiếu nước trầm trọng, cả trong sinh hoạt lẫn tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp nên nhiều hộ dân chỉ làm một vụ mùa, mà ăn cả năm

Công trình hồ chứa nước Ba Bàu có 2 tuyến kênh gồm kênh chính Đông và kênh chính Bắc, với diện tích tưới là 3.646ha. Trong đó, cây thanh long là 3.408ha, rau màu và cây lúa 3 vụ là 238ha. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ cấp nước thô cho nhà máy nước Ba Bàu - Mương Mán nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện tại, hồ Ba Bàu đang mở nước phục vụ tưới cho 2 tuyến kênh gồm: Kênh chính Đông dự kiến kết thúc phiên tưới vào ngày 30/3/2024 và kênh chính Bắc dự kiến kết thúc phiên tưới vào ngày 4/4/2024. Đây cũng là phiên tưới cuối cùng của 2 tuyến kênh…

Hiện nay, do thiếu có nước sản xuất, nên xong một vụ mùa thì người dân ở đây bất đắc dĩ phải đi làm thuê ở nơi khác, hoặc vào rừng đào xắn, bẻ măng, kiếm mật… mưu sinh. Đối với người dân ở vùng khô hạn, họ chỉ mong chờ có nước để canh tác, ổn định sản xuất nông nghiệp, tạo lập sinh kế và vươn lên thoát nghèo. Thế nên, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng quyết tâm vượt qua khó khăn, sớm chừng nào tốt chừng nấy.

Đó là lý do Dự án Hồ thủy lợi Ka Pét ra đời…

Bài 2: Hồ Ka Pét trở thành 'điểm tựa' sinh kế cho người dân

Sông Hương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bai-1-ho-can-tro-day-san-xuat-kho-khan-424116.html