Bình Thuận nỗ lực đưa nước sạch đến đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nên thường thiếu nguồn nước sạch. Chính vì vậy, tỉnh Bình Thuận đang tập trung xây dựng nhà máy cung cấp nước sinh hoạt để người dân có điều kiện thuận lợi tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhân viên Nhà máy nước La Dạ lắp đường ống dẫn nước sạch cho người dân.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu hơn 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và hơn 75% hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời, theo Kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, đến năm 2030 phấn đấu 80% hộ dân sử dụng nước sạch, đến năm 2045 phấn đấu đạt 100% hộ dân.

Từng bước chủ động nguồn nước

Với hơn 70% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) có địa hình đồi núi ngoằn ngoèo, người dân sinh sống thưa thớt, không tập trung. Các nhà dân chủ yếu nằm dọc theo tỉnh lộ, quốc lộ, kéo dài gần 20 cây số mà không tập trung thành khu dân cư nên khó khăn trong đầu tư hệ thống nước sinh hoạt.

Nhiều năm qua, nguồn nước của người dân phải phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên như đào giếng khoan; lấy nước từ suối, khe... Đến năm 2023, điều này đã chấm dứt, xã La Dạ đã có nhà máy cấp nước. Trong tháng 3 và 4, các giếng khoan tại thôn 3 (xã La Dạ) cạn trơ nước, cho nên công nhân Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đã và đang tích cực đào đường ống để đấu nối vào nhà dân. Những nhà đã có nước, người dân phấn khởi lấy nước để tích trữ trong bồn chứa do lo sợ thiếu nước. Ai nấy đều phấn khích khi có nước sạch.

Vậy là từ nay người dân đã có nước sạch để nấu ăn, uống,... không còn phải lo lắng bệnh tật từ nguồn nước không sạch. Trước đây, người dân chỉ sử dụng giếng khoan đào sâu hơn 20m, nhưng mùa khô, nguồn nước từ giếng cũng không có. Hầu hết người dân phải vào rừng để lấy nước từ khe, suối. Việc có sẵn nước sạch còn giúp người dân có thêm thời gian sản xuất, lao động tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Ka Văn Biển (dân tộc Cơ Ho, xã La Dạ)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã La Dạ Xim Miền cho biết: Trước kia, toàn bộ xã không có nước sạch; người dân phải đi sâu vào rừng hơn 1 km mới lấy được nước sử dụng. Bắt đầu từ năm 2000, xã có nhiều dự án nhà nước, phi chính phủ, từ thiện,... đầu tư đào giếng khoan, nhưng mùa khô cũng cạn nước.

Đường ống nước sạch đã có nhưng chỉ có một bên đường. Nếu được, Nhà nước lắp sớm bên đường còn lại để thuận tiện cho người dân. Có thể thấy, có nước sinh hoạt đã góp phần nâng cao đời sống người dân.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hệ thống nước La Dạ với tổng mức đầu tư hơn 26 tỷ đồng gồm các nguồn vốn theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Bình Thuận, từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách tỉnh, vốn xổ số kiến thiết. Hệ thống nước La Dạ có công suất thiết kế 1.200 m3/ngày-đêm, dài hơn 21 km và lắp đặt thủy kế cho 382 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ thống nước Măng Tố (huyện Tánh Linh) có công suất 1.500 m3/ngày-đêm, cấp nước cho xã Măng Tố và một phần xã Bắc Ruộng với hơn 2.200 hộ, trong đó có 249 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, hệ thống nước Măng Tố tiếp tục được nâng cấp lên 3.000 m3/ngày-đêm dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024 từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, cung cấp nước tại các xã Bắc Ruộng, Măng Tố, Nghị Đức và Đức Phú.

Nhiều nguồn lực hỗ trợ

Ông Đặng Thanh Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Trên địa bàn huyện có 10 công trình cấp nước tập trung; trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sử dụng nước Nhà máy nước Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ. Hệ thống nước xã La Dạ cung cấp nước chủ yếu cho xã La Dạ với khoảng 460 hộ dân và một phần thôn Đaguiry (xã Đa Mi) với khoảng 118 hộ dân; đồng thời, bổ sung nguồn nước xã Đông Giang.

Bên cạnh đó, Nhà máy nước Đông Giang công suất thiết kế 600 m3/ngày-đêm, với chiều dài tuyến ống là 16.340m, cung cấp nước cho khoảng 699 hộ dân xã Đông Giang. Nhà máy nước Đông Tiến công suất thiết kế 370 m3/ngày-đêm, với chiều dài tuyến ống là 8.900m, cung cấp nước cho khoảng 302 hộ dân xã Đông Tiến. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, huyện đã có 58 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán với hình thức mua bồn chứa nước.

Chương trình xã hội hóa đầu tư vào công trình cấp nước sạch vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Ông Đặng Thanh Phúc thông tin: Hiện nay, từ nguồn vốn ODA và vốn đối ứng của Nhà nước, huyện đang tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai dự án hệ thống nước sạch tại huyện với công suất 10.000 m3/ngày-đêm, cung cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tại xã Thuận Hòa, với tổng kinh phí hơn 162 tỷ đồng bằng vốn (ODA) hỗ trợ của Chính phủ nước Cộng hòa Italia. Trong những năm gần đây, lượng mưa suy giảm, nắng nóng kéo dài dẫn đến lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên giảm, gây thiếu hụt nguồn nước thô tại các công trình cấp nước tập trung.

Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Để bảo đảm cấp nước cho xã Đồng Kho, xã Huy Khiêm (huyện Tánh Linh) đã có dự án Nhà máy nước Tà Pao do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại N.I.D đang đầu tư. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh có Công văn số 417 ngày 1/2/2024 về việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nước sạch. Ủy ban nhân dân tỉnh đã đồng ý cho chủ trương đầu tư các danh mục Nâng cấp mở rộng hệ thống nước La Dạ và Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc).

Bên cạnh đó, dự án cấp nước tại huyện Tánh Linh sẽ triển khai từ năm 2024 đến 2027 gồm: Nâng cấp hệ thống nước Đức Bình và mở rộng tuyến ống cấp nước Đức Bình-Đức Thuận-Lạc Tánh; trạm bơm tăng áp, mở rộng tuyến ống cấp nước thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết và tuyến ống cấp nước xã Gia Huynh; mở rộng tuyến ống cấp nước, trạm bơm tăng áp xã Gia An và mở rộng tuyến ống cấp nước các xã Bắc Ruộng, Nghị Đức và Đức Phú. Hiện nay, trung tâm đang tiến hành khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Năm 2024, tỉnh đã đồng ý cho chủ trương đầu tư 17 danh mục cấp nước; trong đó, trung tâm làm chủ đầu tư 15 danh mục khi dự án được duyệt, sẽ bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện đầu tư từ năm 2024 đến 2027; huyện Bắc Bình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước Phan Hòa; huyện Tuy Phong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn.

Để bảo đảm nguồn nước cần phải huy động, lồng ghép các nguồn vốn trung ương, vốn tài trợ, vốn vay của tổ chức quốc tế,... tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn bền vững. Các dự án có công suất từ 5.000-15.000 m3/ngày-đêm nằm kế cận các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn như: hồ Sông Lũy, hồ Sông Quao, hồ Suối Đá, hồ Tân Lập, sông Dinh 3, sông La Ngà... bảo đảm nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn cho các nhà máy nước vận hành thường xuyên.

Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công trình cấp nước sạch nông thôn; chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn lắp đặt thủy kế.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-thuan-no-luc-dua-nuoc-sach-den-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post803750.html