Bình Phước và con đường tôi đã chọn (Kỳ 7)

Tháng 11-2017, cuốn hồi ký 'Bình Phước và con đường tôi đã chọn' của Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước giai đoạn 1997-2001 Bùi Thanh Phong được xuất bản. Cuốn hồi ký được hoàn thiện qua ghi chép, thể hiện của nhà báo Trần Phương, kể về quá trình rèn luyện, chiến đấu, đồng cam cộng khổ với đồng đội, đồng chí và nhân dân cả trong chiến tranh và xây dựng quê hương sau khi hòa bình. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, Báo Bình Phước trân trọng trích đăng một số nội dung trong cuốn hồi ký.

AI CŨNG CÓ BÀI HỌC CHO RIÊNG MÌNH

Sau khi các chủ trương lớn được định hình tương đối cụ thể, tôi bắt đầu tính đến những vấn đề cụ thể, sâu sát trong công tác xây dựng Đảng, công tác đoàn kết nhân dân và an sinh xã hội. Nhiệm vụ được giao cho từng khối, khối đảng, khối chính quyền, khối mặt trận đoàn thể, giao cho từng ủy viên thường vụ phụ trách lĩnh vực... Riêng tôi, tôi rất muốn đi thực tế cơ sở. Tôi muốn xem bà con sống ra sao. Cũng vì suy nghĩ đó, nên hai năm 1998, 1999, tôi chỉ đạo thành lập một tổ công tác đi thực tế, có tôi tham gia cùng một đoàn cán bộ. Chuyến đi đầu tiên, địa điểm tới là thôn Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Bình Long, nay thuộc huyện Hớn Quản. Lý do chọn địa điểm Bù Dinh bởi đây là thôn đồng bào dân tộc thiểu số ở sâu trong Thanh An. Thôn ít có người Kinh ở trong đó. Anh em đi công tác về phản ánh dân không tiếp chuyện với cán bộ, họ theo đạo Tin lành. Tôi nghe báo cáo đến đây thì thấy có cái gì đó không ổn, mình phải trực tiếp đi xem như thế nào. Đồng bào xưa giờ đùm bọc chúng ta, sao bây giờ lại như vậy? Bữa sau, trước khi đi anh Út Tính, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh qua báo cáo:

- Đồng bào ở Bù Dinh theo đạo Tin lành, họ không tiếp chuyện vì họ sợ cán bộ, không tiếp xúc với cán bộ của mình. Tin lành hoạt động, nhưng anh em về không nắm được gì hết, dân không chịu tiếp xúc. Tình hình vậy đó anh Năm.

Tôi mới nói:

- Có gì đâu, vô ban ngày không thấy thì mình ở ban đêm. Có khi không ở ban đêm người ta không tiếp xúc với mình. Ban ngày người ta mắc đi làm, đêm người ta về, đơn giản vậy thôi. Ông cho một tiểu đội hành quân, đem gạo vô trỏng nấu ăn, tôi cùng đi với ông, tôi kêu các ban, ngành, đoàn thể đi cùng nữa. Vô ở với người ta một vài bữa coi sao.

Sau đó chúng tôi về Thanh An, không báo trước. Tới nơi, tôi kiếm chủ tịch UBND xã, nói:

- Tụi này vô Bù Dinh ở vài ba ngày, ông có vô chơi với tụi này không?

Anh chủ tịch UBND xã trả lời:

- Anh vô thì tụi này sợ gì mà không vô.

Thế là chúng tôi cùng đi vô Bù Dinh. Vừa tới, gặp ngay ông Điểu Búp, hồi trước đi kháng chiến với tôi. Ổng nói:

- Ui, sao nay mấy anh vô này? Lâu quá rồi không có gặp nhau. Thôi ở lại với tui bữa, vài bữa.

Tôi hỏi:

- Ở có gì ăn không?

- Ui, ăn thiếu gì! Cá này, cá quá trời. Tụi tui mới đi tát cá về nè.

- Ờ, được đó, có cá được đó.

- Ui, mà cá không ngon anh Năm ơi. Kiếm con heo sóc tối nướng tụi mình nhậu.

- Thôi, đừng làm, tốn tiền ông ơi.

- Heo tôi thiếu gì, anh Năm đừng lo.

Chúng tôi gặp nhau, nói chuyện chỉ có vậy, ổng đã biết tôi là cán bộ, nhưng chẳng hỏi tôi làm gì, chỉ cần anh em gặp nhau, nhận lời uống rượu với nhau là được. Thế rồi, ổng về bắt con heo, tự tay làm thịt sạch sẽ, chất đống củi giữa khoảng sân rộng. Tối đến chúng tôi nướng, trải bạt ngồi dưới đất. Đồng bào xúm nhau nhậu, uống rượu cần chơi. Nói chuyện một hồi ổng nói ra hết trơn, có vấn đề gì nói hết trơn, tổ chức Tin lành sao sao nói hết... Đồng bào vây quanh, tôi giải thích với ổng:

- Tin lành khuyên người ta đừng uống rượu thì tốt; khuyên chịu khó lao động, đừng tham lam của ai, cái đó rất tốt, mình học thôi, có gì đâu mà ngại.

- Ờ, anh Năm nói vậy trúng. Người ta biểu tụi tui làm tầm bậy tầm bạ, biểu tụi tui chống lại chính quyền là không làm à!

Tôi nói:

- Vậy chứ! Đồng bào mình xưa giờ vậy mà.

Bữa đó đồng bào Bù Dinh nói chuyện rất vui vẻ, chân thật, đến tận khuya. Sau đó chúng tôi căng võng trong vườn, trước hiên nhà dân ở Bù Dinh. Đêm ấy tôi suy nghĩ nhiều lắm. Tôi nghĩ có thời gian tâm sự, tình cảm, nói chuyện với họ thì sẽ giải quyết được mọi khúc mắc. Hôm sau họ đi làm, tôi cho anh em đi làm cùng họ, phụ họ. Còn tôi, mấy chả cứ rủ đi tát cá. Xuống tát, được cá nướng tại chỗ chấm muối ớt nhậu với mấy ổng, uống một vài ly rượu. Mấy ổng kêu đem về không ngon, phải nhậu liền... Chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ đến ngày thứ ba, bao chuyện đều nói hết, rồi tôi cho mời ông thầy giảng Tin lành lên nói chuyện. Sau ông thầy giảng cam đoan:

- Quy định Nhà nước tôi đã hiểu rõ rồi. Mai mốt nếu chính quyền thấy tụi tui làm tầm bậy thì cứ đem ra khảo, tôi không oán trách.

Giao ước với ông thầy giảng xong là chúng tôi chào tạm biệt đồng bào để về. Từ chuyện ở Bù Dinh, nhiều bài học được rút ra lắm. Tôi nghĩ anh em đi công tác chuyến đó, ai cũng có bài học cho riêng mình. Tôi cũng biết thêm được rất nhiều điều từ những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào, để sau này có những chỉ đạo sát sao hơn trong công tác. Tôi cũng nhận ra anh em mình nhiều khi đi vận động dân mà chỉ "đi" chứ không có chịu "ở". Đến cơ sở cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa nên không nắm được gì. Công tác dân vận bây giờ không khó khăn như thời kỳ chiến tranh, nhưng có những khó khăn khác, anh em phải cố gắng khắc phục vượt qua.

Sau khi đi Bù Dinh, tôi đi nhiều thôn ấp khác nữa trong khắp tỉnh, cũng với cách như vậy. Nhiều chuyến đi để lại những ấn tượng đến suốt đời, như lần đi ấp Bù Núi, ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh thì trúng đợt mùa khô nắng nóng, trong ấp Bù Núi có mấy gia đình bị cháy, thế là lật đật phát động ủng hộ, giúp đỡ họ, mấy ngày liền. Dịp mùa khô đó, tôi còn đi vô Tân Quan, giờ là xã Quang Minh, huyện Hớn Quản, cũng ở lại mấy ngày. Đồng bào cũng rủ đi tát cá, bắt lên nướng nhậu tại chỗ. Nhậu tới tối, chất củi nhiều lên cho cháy to, bà con đem cồng chiêng ra đánh cum cùm cum, đem rượu cần ra mời uống… vui hết sảy.

Sau này, Út Tính cứ ghẹo tôi:

- Bí thư như anh Năm, tụi này đi hành quân, còn ảnh có lợi lắm.

Tôi nói lại:

- Ông được tập huấn cho anh em chiến sĩ làm công tác dân vận tốt quá còn đòi hỏi gì!

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Phong và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh ngày 8-4-1997. Ảnh tư liệu

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Phong và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh ngày 8-4-1997. Ảnh tư liệu

(Trần Phương trích lược, còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129525/binh-phuoc-va-con-duong-toi-da-chon-ky-7