Bình Phước: Khởi tố đối tượng cho vay lãi nặng

Hoạt động cho vay lãi nặng của Đào Thị Nga đã gây bức xúc cho người dân địa phương và ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

Ngày 4/5, lãnh đạo Công an huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) có quyết định khởi tố bị can đối với Đào Thị Nga (sinh năm 1986, thường trú thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đối tượng Đào Thị Nga khi bị bắt. (Ảnh: CACC).

Theo điều tra ban đầu, từ năm 2022 đến nay Đào Thị Nga đã sử dụng số tiền hơn 4 tỷ đồng để cho nhiều người dân ở xã Phú Nghĩa và xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) vay với lãi suất 3 ngàn đồng/triệu/ngày.

Công an huyện Bù Gia Mập xác định Đào Thị Nga cho vay với lãi suất 109,5%/năm, vượt quá theo quy định của pháp luật và đã thu lợi bất chính tổng số tiền hơn là 3,7 tỷ đồng.

Hoạt động cho vay lãi nặng của Đào Thị Nga đã gây bức xúc cho người dân địa phương và ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

Luật sư Đinh Đắc Lộc, Công ty Luật sư Hiền Hòa (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong giao dịch dân sự, cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, có thể bị áp dụng khung hình phạt tù cao nhất là từ 6 tháng đến 3 năm.

Cho vay nặng lãi là cụm từ phổ biến để chỉ những trường hợp cho vay với lãi suất cao, còn theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, cho vay nặng lãi gọi là “cho vay lãi nặng”.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay, các bên có thỏa thuận về lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác, và mức lãi suất vượt quá (nếu có) sẽ không có hiệu lực.

Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định trên tại thời điểm trả nợ. (khoản 1 Điều 468 BLDS). Hành vi cho vay nặng lãi bị xử phạt theo quy định tại BLHS 2015 là khi bên cho vay cho bên vay tiền với lãi xuất là từ 100%/năm trở lên.

Khung hình phạt cao nhất đối với tội cho vay nặng lãi được căn cứ theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, khung hình phạt cao nhất đối với tội cho vay nặng lãi là bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-phuoc-khoi-to-doi-tuong-cho-vay-lai-nang-a662106.html