Bình ổn thị trường vàng có gây khó điều hành tỷ giá?

Sau cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: 'NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan'.

Trước hết tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại NĐ24, trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Và đặc biệt là không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…”.

Tuần qua, nhằm tăng cung cho thị trường vàng, NHNN cho biết sẽ tổ chức lại đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngưng, và dự kiến sẽ nhập khẩu thêm vàng. Tuy nhiên, giữa bình ổn thị trường vàng trong nước thông qua việc nhập khẩu vàng, đấu thầu vàng, và điều hành tỷ giá khi xuất dự trữ ngoại hối để nhập vàng, đang là bài toán khó nhất khi cả dự trữ vàng lẫn ngoại hối đều đang rất cần thiết.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyện đấu thầu vàng không phải là chuyện mới. Năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng, cung ứng gần 70 tấn vàng ra thị trường.

Nhưng thời điểm đó, tình hình “vàng hóa” nền kinh tế diễn ra khá cao, do NHNN cho phép vay mượn bằng vàng nên các ngân hàng có thể cho vay vàng. Còn hiện tại, NĐ24 ra đời và cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hóa sau 12 năm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng.

Do vậy lần đấu thầu này có khác, số lượng nhập khẩu bao nhiêu, các cơ quan quản lý và các bộ ngành có liên quan sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại. Phải làm sao vừa kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, người đã có kinh nghiệm tham gia các phiên đấu thầu vàng từ năm 2013, cho rằng thời điểm 2013 thông qua việc đấu thầu vàng, NHNN đã không đặt mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức để cân bằng với giá vàng thế giới, mà chủ yếu đặt mục tiêu tăng cung ra thị trường để giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.

Thời điểm đó nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh.

Trong khi bối cảnh hiện nay, mục đích đấu thầu vàng xuất phát từ nhu cầu của người dân, mong muốn bình ổn thị trường và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá. Do vậy, trong đợt đấu thầu vàng hiện nay, nhiều khả năng NHNN sẽ không lấy vàng dự trữ ra bán mà dự báo theo hướng nhập khẩu vàng để bán.

Bởi lẽ lấy vàng dự trữ ra bán không phù hợp với xu thế hiện nay, khi mà nhiều NHTW trên thế giới đang gia tăng mua thêm vàng để tích trữ, điển hình như Trung Quốc đã mua vàng 17 tháng liên tiếp.

Thực tế giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua chủ yếu do giá vàng quốc tế. Từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng gần 20%, trong nước tăng 12-13%, và chủ yếu do địa chính trị thế giới.

Vì vậy, thị trường vàng còn phụ thuộc vào câu chuyện quốc tế, các xu hướng xung đột trên thế giới. Sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh, NHNN cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối. Như vậy trước mắt áp lực trong điều hành tỷ giá sẽ vẫn còn.

Còn nếu nhập khẩu vàng, NHNN sẽ phải tính đến bài toán về tỷ giá. Bởi nếu áp dụng phương án này, NHNN cần đến USD để nhập vàng, dự trữ ngoại hối sẽ giảm và làm gia tăng sức ép tỷ giá. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 95 tỷ USD. Điều này lý giải tại sao ngay khi có tin đấu thầu vàng, tỷ giá lập tức tăng nóng.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/binh-on-thi-truong-vang-co-gay-kho-dieu-hanh-ty-gia-post113487.html