Bình luận: 'Vùng trũng' học nhau

Làm lại từ trẻ hóa là nguyên lý, xu hướng của nhiều câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Ở 'vùng trũng' bóng đá Đông Nam Á cũng vậy qua kỳ AFF Cup 2020.

Giải đấu của các đội tuyển quốc gia là đích đến, là sân chơi của tinh hoa, của lực lượng mạnh nhất, song phần lớn các đội tuyển lại mang đến AFF Cup từ nhiều đến đa số là cầu thủ trẻ. Lý do thứ nhất là sau quá trình đầu tư lớn kể cả nhập tịch, các đội tuyển như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore đã khai thác hết năng lượng của một thế hệ.

Chu kỳ mới phải được bắt đầu với chiến lược mới chủ yếu dựa vào lớp trẻ trong nước kết hợp với những nhân tố ngoại cũng phải là trẻ. Ở đây, bài học gần nhất của khu vực chính là từ thành công của lớp trẻ Việt Nam cùng huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo.

Một đội trẻ đi thẳng từ đấu trường U.20 World Cup và U.23 châu Á lên ASIAD rồi Asian Cup và chiếm lĩnh vị trí số 1 khu vực rõ ràng đã có sức cổ vũ cho cách làm mới của nhiều quốc gia. Lý do thứ hai là đội tuyển Việt Nam và Thái Lan đang trong giai đoạn đỉnh cao nên các đội giàu tham vọng dù có tập hợp được những cầu thủ giỏi, giàu kinh nghiệm nhất thì cũng khó hy vọng lật đổ tại AFF Cup lần này.

Văn Thanh tranh chấp với Chanathip Songkrasin trong trận lượt đi bán kết AFF Cup 2020 trên SVĐ Quốc gia Singapore hôm 23-12. Ảnh: Leo Shang-wei

Văn Thanh tranh chấp với Chanathip Songkrasin trong trận lượt đi bán kết AFF Cup 2020 trên SVĐ Quốc gia Singapore hôm 23-12. Ảnh: Leo Shang-wei

Sau Việt Nam, chiến lược trẻ hóa đã được thực hiện tại Campuchia, khởi phát từ việc mời cầu thủ danh tiếng K.Honda vừa làm HLV, vừa làm cố vấn. Hợp tác cùng K.Honda là một đồng hương Nhật Bản khác, ông R.Hirose với kỳ vọng cách thức tổ chức và lối chơi của nền bóng đá phát triển bậc nhất châu Á sẽ được gieo cấy trên đất nước xứ Angkor. Thoạt đầu, người ta thấy lạ khi K.Honda chỉ đạo việc tập luyện cho lớp trẻ Campuchia từ xa song hiệu quả cũng đã sớm đến, thậm chí đến ngỡ ngàng.

Campuchia đánh bại cả Thái Lan và Việt Nam tại giải U.18 Đông Nam Á năm 2019. Đến AFF Cup 2020, những măng non năm ấy lại được hiện diện trong đội tuyển quốc gia mà số mới chỉ 18-19 tuổi có đến 10 cầu thủ. Vậy mà họ đã dám chơi đôi công với tuyển Indonesia. Họ đá ban bật bài bản, kiểm soát bóng đến 57% trước Indonesia và 54% trước Malaysia, đồng thời có được số pha dứt điểm nhỉnh hơn cả hai đối thủ này.

Chúng ta cũng đã được thấy sau nhiều nỗ lực để vào được vòng loại thứ 2 World Cup 2022, HLV Shin Tae-yong đã tung đội quân nhiều phần trẻ tinh vào trận. Ở chiến dịch này, Indonesia bị Việt Nam hạ đậm 4-0 song họ lại cầm hòa được Thái Lan khiến đội bóng trong tay HLV danh tiếng người Nhật Bản A.Nishino phải thất thế trong cuộc đua giành vé vào vòng loại thứ 3 với UAE và Việt Nam.

Và chiến dịch đầy tính thử lửa ấy đã đưa lại sự tự tin cho đoàn quân trẻ xứ vạn đảo. Gặp lại Việt Nam tại AFF Cup, họ thi triển lối chơi phòng ngự kiên cường trong đó có cả những miếng đòn dữ dằn như lớp đàn anh năm xưa để có được trận hòa 0-0 có ý nghĩa chiến lược trong giải. Tiếp đó là một thế công phá ngược dòng ngoạn mục trước Malaysia để có được chiến thắng 4-1, đánh bại chủ nhà Singapore 4-2 ở bán kết. Con đường tới đích chung kết của Indonesia là thuyết phục.

Đương nhiên các đội bóng trẻ hóa chưa thể sớm chín về tài năng, giàu có về kinh nghiệm. Campuchia cũng như Lào, Malaysia và cả Timor Leste, Philippines đều không thể vượt qua vòng bảng. Indonesia nổi bật hơn cả, song trước Thái Lan có đội hình mạnh nhất sau nhiều năm cùng những liều doping tiền thưởng chưa từng có đã cho thấy sức mạnh vượt trội của “ông kẹ khu vực” trong quá khứ và hiện tại.

Hôm nay (ngày 1-1), không ai dám nghĩ đến chuyện Indonesia có thể ngược thác sau khi bị Thái Lan dẫn đến 4-0 ở trận chung kết lượt đi, song hành trình của họ cũng như những đội bóng trẻ hóa đã báo hiệu một tương lai đầy tính cạnh tranh trong bóng đá khu vực. Dễ hiểu trước những cảnh báo đầy âu lo từ Việt Nam đối với các lứa trẻ khi phải đối đầu với những cầu thủ đã trải lửa chiến đỉnh cao AFF Cup.

Chúng ta mừng khi các đội bạn đã đi đúng hướng và tiến bộ. Chúng ta cũng đã thấy rõ bóng đá tại kỳ SEA Games 31 chắc chắn sẽ không một chiều, không nhạt và việc bảo vệ chiếc huy chương vàng vừa đoạt được sau hơn nửa thế kỷ của bóng đá Việt Nam quả là quá nhiều thách thức.

Bạn đã học được từ ta và ta cũng đã và tiếp tục học được từ bạn. Ta được cổ vũ thêm trong cách tổ chức xây dựng nền bóng đá trong đó đào tạo trẻ, dùng trẻ, mời HLV phù hợp, đắc địa, đắc nhân tâm... Trong tầm nhìn xa, các giải đấu cấp độ U trước sau vẫn chỉ mang ý nghĩa kiểm tra, rèn luyện để đội tuyển quốc gia hướng ra biển lớn châu lục và World Cup. Không nôn nóng thành tích, ăn xổi ở thì bởi chỉ có kiên định, kiên trì mới có tích lũy để đột phá.

Đừng vội so sánh, thất vọng và buông lời chê bai những cầu thủ trẻ hôm nay. Hãy nhìn với con mắt phát triển bởi thực tế trong bóng đá không phải “thần đồng” nào cũng sẽ thành tài năng đích thực. Ngược lại luôn có những “bông hoa nở muộn” qua trui rèn, kèm cặp. Biết mình biết người không chỉ trong trận mạc mà ngay từ sân tập.

NGUYỄN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/binh-luan-vung-trung-hoc-nhau-682157