Bình luận: Tấm vé 'ngon, bổ, rẻ'

Năm 2018, dư luận rất hứng khởi khi U.23 Việt Nam đoạt vé vào tứ kết giải châu Á, thì tấm vé năm nay lại bị lật đi lật lại và soi xét nhiều chiều.

Thắng liền hai trận, lần đầu tiên U.23 Việt Nam có kết quả như thế song giờ đây, công chúng dường như không chỉ thích bóng đá chiến thắng mà còn mong mỏi được thấy bóng đá đẹp, thắng thuyết phục và giàu tiềm năng phát triển. Có nhiều lý do để soi kỹ và dè dặt trước thành quả của thầy trò huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn. Nào là bảng đấu nhẹ, hai đối thủ Kuwait và Malaysia đều yếu hơn. Nào là lối chơi còn chệch choạc, tâm lý cầu thủ còn căng cứng, vận hành chiến thuật nhiều sai số và nữa là hàng thủ lỏng lẻo, hàng công ít mảng miếng phối hợp. Kết quả là có chiến thắng bằng nỗ lực và năng lực bột phát nhiều phần, chộp giật và ăn may... Tất cả những nhận xét và cảm giác trên ít nhiều đều đúng. Nhưng cũng chính vì những cái đúng đó mà càng thấy việc vượt qua những khó khăn, hạn chế của đội U.23 năm nay có giá trị thế nào. Có thể nói rằng, chiếc vé tứ kết chưa ngon nhưng rõ ràng là bổ và rẻ.

Tiền vệ Khuất Văn Khang (số 18) là một trong những '"iểm sáng" trong đội hình U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á 2024. Ảnh: VFF

Rẻ thì rõ rồi, thầy nội, thời gian tập trung ngắn nhưng bổ mới là quan trọng nhất. Bổ vì đúng lúc các đội tuyển đang ốm nặng, lòng người thất vọng, chán nản vì đội nhà đá đâu thua đấy thì chiến thắng đã đến. Bổ vì một thế hệ cầu thủ bị hoài nghi về tài năng lại lắm sai sót song dưới tài cầm quân mát tay, phù hợp của HLV Hoàng Anh Tuấn đã nhiều phần thể hiện được mình, tiềm ẩn những khả năng hứa hẹn. Vấn đề là bồi dưỡng, khai thác, dùng họ cách nào. Chúng ta đã biết khi bị gò ép chơi thứ bóng đá hay về lý thuyết nhưng đòi hỏi ở cầu thủ những thứ họ không quen, không giỏi về kỹ thuật, chiến thuật kiểm soát bóng, lại thiếu những bài vở hữu hiệu trong cả phòng ngự và tấn công thì đội bóng đá bí bách, nhợt nhạt thế nào.

Đội bóng đã qua cơn ốm nặng không phải vì HLV Hoàng Anh Tuấn có thứ thuốc tiên nào mà chỉ là bài bản gốc “biết mình biết người”. Thực lực ta không mạnh hơn hẳn các đối thủ được cho là ngang tầm trong khi tâm thế cầu thủ còn nhiều rối ren. Và nữa là việc chuyển đổi lối chơi đâu thể muốn là vào mạnh được ngay. Thực tế ấy được gỡ bằng tổ chức phòng ngự chắc làm nền tảng cho những đợt phản công, tấn công nhanh, bất ngờ. Không bị thủng lưới trước thì sự tự tin dần được nâng lên. Trong cách lựa chọn nhân sự, điều binh với sự thông hiểu đến cặn kẽ từng cầu thủ, thầy Tuấn giúp tuyển thủ từng bước phát huy được điểm mạnh. Lê Nguyên Hoàng trẻ măng được ông gửi gắm để đảm nhiệm vai trò trung vệ khá chững chạc. Văn Tùng, Văn Trường, Minh Khoa, Vĩ Hào, Võ Nguyên Hoàng, Văn Khang... chưa nổi bật ở câu lạc bộ nhưng được ông tin dùng và phát huy được sở trường trong đội tuyển trẻ. Còn những chỗ yếu, hạn chế trong mỗi cầu thủ và trong cả đội song có thể thấy tập thể này đã từng bước tiến bộ, thể hiện được đúng như mình vốn có và có thể. Ngay trong trận thứ ba, thua 0-3 trước Uzbekistan, thì hiệp 2 với đội hình chính đã tốt hơn hẳn.

Hòa cùng hy vọng với HLV Hoàng Anh Tuấn, tới đây chúng ta sẽ được thấy nhiều gương mặt trẻ bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Nguồn dinh dưỡng, thuốc bổ cho nền bóng đá, cho niềm vui của người hâm mộ là đây.

THƯỜNG NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/binh-luan-tam-ve-ngon-bo-re-774555