Bình luận: Chung tầm nhìn World Cup

Tầm nhìn World Cup là một giấc mơ đẹp, nhưng bắt đầu từ đâu? Chiến lược dài hơi với từng đường đi nước bước ra sao? Chúng ta đang được theo dõi một tiến trình luyện trẻ chưa từng có cùng những tín hiệu lạc quan và hoài nghi đan xen.

Làm bóng đá trẻ với mục tiêu cơ bản là giúp các cầu thủ tiến bộ theo định hướng xây dựng lối chơi mới và phát hiện tài năng cho đội tuyển quốc gia. Định hướng này không đặt nặng yêu cầu thành tích. Cùng lúc lập hai đội tuyển U.23 nhằm tạo cơ hội cho nhiều cầu thủ trẻ được cọ xát, thử lửa bước đầu đã đưa lại kết quả. Cách tổ chức này giúp cầu thủ được thi đấu khá liền mạch, không bị đứt đoạn, chờ đợi... Bài bản, kiên trì là vậy và có thể thấy rõ sự thống nhất cao giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các huấn luyện viên (HLV) Troussier, Hoàng Anh Tuấn. Rộng hơn, công chúng dường như cũng không đòi hỏi việc sớm có thành tích trong bóng đá trẻ. Đồng thời việc nhắc nhở nghiêm khắc của các HLV sau những sai lầm của cầu thủ cũng nhận được sự đồng tình của dư luận. Nghĩa là cái chung trong tầm nhìn World Cup đang nhiều lên cùng thời gian. Tuy nhiên, chỉ dám nói là “dường như” bởi vẫn có những ý kiến nóng vội đòi hỏi các đội tuyển phải trưởng thành, mạnh, chắc và hiệu quả hơn nữa trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Tiếc là mỗi khi đội bóng đá chưa như ý, mắc lỗi hay thua trận là những tiếng nói cực đoan cay cú xuất hiện dè bỉu, phủ nhận tất cả. Cảm xúc, hy vọng hay thất vọng nhất thời có thể cảm thông, chia sẻ song một cách nhìn, một thái độ ứng xử khách quan luôn là cần thiết để người hâm mộ thực sự đồng hành với các đội tuyển trong mỗi chặng đường gần, xa.

Lễ khai mạc World Cup 2022. Ảnh minh họa: Vietnam+

Khoảng cách về đẳng cấp rất lớn giữa các đội tuyển tốp đầu châu lục và từng quen góp mặt tại World Cup với nền bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung chưa thể một sớm một chiều có thể thu hẹp chứ chưa nói đến san bằng. Đó là cả quá trình dài đối với ít nhất là vài thế hệ cầu thủ. Đó là khoảng cách của sự hơn thua cố hữu trong tố chất, thể hình, thể lực và truyền thống bóng đá cùng điều kiện rèn luyện, giao lưu học hỏi với các nền bóng đá phát triển. Tất nhiên, không chỉ chúng ta mà ở nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới đã có nhiều mô hình, nhiều con đường để nâng cấp bóng đá nhưng sự thành công đáng kể là không nhiều. Đã có những quốc gia không tiếc tiền đầu tư cho bóng đá trong nhiều chục năm ròng nhưng vẫn không thể bứt lên. Chúng ta chọn mô hình Nhật Bản, Hàn Quốc và những bước đi đầu tiên xây dựng móng nền từ bóng đá trẻ được xem là đúng đắn.

Không chỉ vì nhiều giải đấu trong nước đang diễn ra cùng lúc mà ý tưởng đưa lứa U.20 thi đấu ở Giải U.23 Đông Nam Á và Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 là có mục đích rõ ràng. Trận đầu ra quân đá trên cơ thắng Mông Cổ và thua đậm trước Iran vượt trội hoàn toàn đều là phải lẽ. Cái được thu về chính là những sai số, sai lầm của đội quân non trẻ ít kinh nghiệm, tâm lý chưa vững. Cùng đó, điều đáng lo nhất là những điểm yếu cơ bản về kỹ thuật, ý thức tuân thủ chiến thuật cũng đã bộc lộ rõ ràng. Đây là chỗ yếu kém đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cách đào tạo ngay từ lứa tuổi nhi đồng trở lên.

Càng quyết làm, quyết tung quân trẻ vào thử lửa càng nhận thấy thêm nhiều việc thiếu sót, làm căn cơ, bài bản, chắc chắn hơn nữa. Và càng làm càng thấy sự chung sức, đồng lòng vun đắp chung tầm nhìn World Cup, dù đường đi tới còn rất dài, rất xa.

THƯỜNG NGUYỄN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/binh-luan-chung-tam-nhin-world-cup-743881