Bình luận: Cân đối - cân bằng

Được đá với các đội tuyển trên cơ trong đợt giao hữu tháng 10 này là cơ hội lý tưởng đối với đội tuyển Việt Nam để tìm đáp án về đội hình và lối chơi.

Dù vẫn có đôi chút băn khoăn, tiếc nuối về một vài nhân sự song về cơ bản, những cầu thủ cả cũ và mới được triệu tập lần này đều có phong độ tốt, nhiều hứa hẹn. Chỉ riêng số cựu binh đã quá đủ cho một đội hình chính. Họ là những trụ cột trong các câu lạc bộ (CLB) và đều đã chứng minh được khả năng trong đội tuyển thời huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo. Từng trải, đang độ khát khao và sung sức, chắc chắn họ sẽ đảm nhiệm vai trò rường cột.

Trận đấu giữa Urawa Red Diamonds và Hà Nội FC diễn ra dưới trời mưa nặng hạt. Ảnh: vtc.vn

Với số cầu thủ trẻ, đúng là không có cầu thủ thực sự đáng gọi là “tuổi trẻ tài cao” nhưng họ đều đã thể hiện được sự nổi trội trong trang lứa và có những đường nét riêng nhiều triển vọng, đồng thời có khả năng phù hợp với lối chơi mà HLV Troussier đang xây dựng. Có thể thấy đặc điểm khác biệt của số cầu thủ trẻ là chơi bóng đơn giản, nhanh hơn, ít rườm rà và có ý thức phối hợp. Ngoài ra, một số cầu thủ có khả năng đá ở các vị trí khác nhau là Phan Tuấn Tài, Minh Trọng, Văn Cường, Văn Khang, Đình Bắc, Duy Cương đều có thể chơi hành lang cánh. Thái Sơn, Văn Toản bổ sung sự năng nổ, chắc chắn cho tiền vệ trung tâm. Thanh Nhàn, Văn Tùng, Vĩ Hào có thể đem đến cho hàng tiền đạo thêm những miếng đánh mới cùng khả năng áp sát tầm cao và tham gia phòng ngự...

Vậy là làn gió trẻ đã giúp ý tưởng cân đối các độ tuổi, cân bằng công-thủ của đội tuyển dần thành hình. Ở đây cần làm rõ thêm khái niệm “lên tuyển”. Đáng ra trong đợt tập trung và đá giao hữu thì mọi cầu thủ chỉ nên gọi là được tham gia đội dự tuyển. Một đội tuyển chính thức chỉ có khi thi đấu các giải đấu chính thức. Đây cũng là lý do HLV Troussier vẫn nhấn mạnh mục đích thử nghiệm trong đợt giao hữu mới, trong đó có cả việc chuẩn bị các cầu thủ trẻ cho tương lai.

Cũng cần nhớ lại lời HLV Troussier, ông muốn xây dựng lối chơi kiểm soát bóng tấn công, còn khi gặp các đối thủ mạnh thì phải tổ chức phòng ngự là đương nhiên. Chắc chắn gặp các đối thủ mạnh tới đây, lối chơi, năng lực thủ-công sẽ được kiểm chứng. Thực tế, đội Olympic Việt Nam tại ASIAD 19 buộc phải lui về phòng ngự, đá theo sơ đồ 5-4-1 trước Iran và Saudi Arabia. Không thể triển khai tấn công, phản công đã đành, hàng phòng ngự tuổi 20 còn tỏ rõ sự non kém kinh nghiệm và kỹ năng. Với tuyển quốc gia sẽ khác, khi những hậu vệ, tiền vệ dạn dày kinh nghiệm lại có thể hình tốt hơn đá chính. Vấn đề là việc chủ động phòng ngự sẽ khác hoàn toàn với việc buộc phải chơi phòng ngự. Và chúng ta sẽ được xem nhà cầm quân người Pháp lựa chọn lời giải cho bài toán này ra sao.

Mới nhất, trận thua quá đậm 0-6 của Hà Nội FC trước Urawa Red Diamonds đã đưa đến nỗi thất vọng lớn đối với không chỉ cổ động viên của CLB này. Trong sự liên hệ với đội tuyển, nỗi hoài nghi, lo lắng tăng lên khi Hà Nội FC-một CLB kiểm soát bóng tốt nhất V-League, lại phải chịu thất bại toàn tập trước năng lực kiểm soát bóng và kiểm soát thế trận của đội bóng hàng đầu Nhật Bản. Ở trận này, 5-6 ngoại binh của Hà Nội FC cũng phải chịu lép vế. Có nguyên nhân từ việc số ngoại binh này vừa mới chân ướt chân ráo gia nhập CLB nên chưa thể cùng đội bóng vào phom, và chính họ lại là người mắc lỗi dẫn đến bàn thua và phung phí cơ hội ghi bàn đáng tiếc. Khoảng cách đẳng cấp là thế. Vậy nên, khi đối đầu với các đội tuyển Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc sắp tới-những đội tuyển xếp trên chúng ta-thì việc thua, thậm chí thua đậm cũng không phải lạ. Vấn đề là được chơi, được thử nghiệm, học hỏi từ những đội tuyển trên cơ để biết rõ hơn mình cần phải làm gì, làm thế nào cho các trận thực chiến phía trước.

THƯỜNG NGUYỄN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/binh-luan-can-doi-can-bang-746012