Bình Dương: Tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp chưa tới 50%

Hiện tỷ lệ nội địa hóa của nhóm ngành cao nhất lĩnh vực công nghiệp là dệt may, da giày cũng chỉ khoảng 40-45%. Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu của ngành công nghiệp Bình Dương.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp được coi là điểm yếu của ngành công nghiệp Bình Dương. Ảnh: Gia Huy

Số liệu từ Sở Công thương tỉnh Bình Dương chỉ rõ, bên cạnh tỷ lệ 40 - 45% của dệt may, da giày là cao nhất thì tiếp đến là 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao….

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, dệt may 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ 953, cơ khí 710 doanh nghiệp...

Tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa như đã nêu được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương nhìn nhận, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu của ngành công nghiệp địa phương. Bởi mặc dù có tốc độ phát triển nhanh nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp chi tiết, linh kiện, nguyên phụ liệu đơn giản còn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phần lớn sản xuất sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu theo hình thức gia công theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất cho công ty mẹ.

“Sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước làm nguyên liệu không lớn. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng từ nước ngoài với phần lớn nguyên liệu do đối tác nước ngoài cung cấp hoặc chỉ định, việc nội địa hóa chỉ dừng ở những sản phẩm phụ”, đại diện Sở Công thương nhấn mạnh.

Được biết động thái cụ thể nhất mà tỉnh thực hiện nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hiện nay là đã và đang xúc tiến nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để Công ty THACO Industries sớm xây dựng KCN Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ với vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD tại tỉnh.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá KCN cơ khí này sẽ không chỉ phục vụ lĩnh vực ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Việc hình thành KCN Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, đồng thời tạo cơ hội, giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Rộng hơn về chính sách, dể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh thời gian tới Sở Công thương trình phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Nội dung quan trọng là tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75ha, trong đó xây dựng 1 cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Ngoài ra, Bình Dương cũng đã quy hoạch thêm 1 khu công nghiệp ngành cơ khí (khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1, tại thị xã Tân Uyên) để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Phía UBND tỉnh cũng chỉ đạo thời gian tới để phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, đi vào chiều sâu, sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm... Trong đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, lãi suất vay vốn và đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ các quỹ hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/binh-duong-ty-le-noi-dia-hoa-cua-nganh-cong-nghiep-chua-toi-50-d213946.html