Bình Định xác lập 'điểm đến mới' tạo sức hút du lịch

Sân bay mở rộng, hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, kết nối liên hoàn, nỗ lực 'lột xác' đột phá các điểm du lịch Kỳ Co, Eo Gió, Quần thể FLC, phố biển Quy Nhơn.

Làng biển "lột xác"

Không phải ngẫu nhiên khi dạo trên các diễn đàn du lịch, khảo sát từ các đơn vị lữ hành, tour nội địa, Quy Nhơn đang là "từ khóa" được tìm kiểm, chọn lựa đầy sôi động cho kỳ nghỉ lễ 30/- 1/5 năm nay.

Vừa đặt chân xuống Sân bay Quốc tế Phù Cát (Phù Cát, Bình Định) cho chuyến du lịch sớm cùng gia đình, anh Trần Minh Tuân (một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội) cho hay, năm nay cả gia đình lại chọn Bình Định nghỉ lễ sớm. Đặc biệt, không chỉ riêng gia đình mình, anh Tuân còn rủ thêm 3 gia đình bạn bè khác để cùng bay về Bình Định.

Theo anh Tuân, 2 năm trước gia đình từng đến Bình Định nhưng "thấy chưa đã" nên lần này quyết định đến dài ngày để có thể trải nghiệm hết một Bình Định đầy nắng gió, chan hòa biển cả và dễ dàng đến các địa chỉ du lịch khác.

Không riêng anh Tuân, nhiều khách du lịch ấn tượng trước sự đổi thay của Bình Định trong phát triển du lịch. Các điểm du lịch vẫn mang nét tự nhiên nhưng giờ khoắc thêm lớp áo đầy đột phá "lột xác" để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Khoảng 20 năm trở về trước, các làng chài ven bán đảo Phương Mai (phía Bắc TP Quy Nhơn) nằm biệt lập trong những eo biển, cồn cát, hứng chịu biết bao loại hình thiên tai “chà qua, xát lại”. Bởi nghèo khó nên nhiều cư dân vạn chài đành phải tha phương cầu thực, thậm chí có người mạo hiểm vượt biển xuất khẩu lao động chui qua Philippines, rồi lang bạt sang 1 đất nước thứ 3 để mưu sinh.

Nhưng từ năm 2006, cây cầu vượt đầm Thị Nại dài 7km được đầu tư đã mở ra tương lai mới cho các làng chài ở dải cát Phương Mai. Cây cầu mở ra không gian, quỹ đất 12.000ha để tỉnh Bình Định thu hút các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

“Ngày xưa, các làng biển Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) ven đầm Thị Nại, trở ra khu vực dưới chân núi Bà muốn vào TP Quy Nhơn thì đều phải đi đò hoặc tàu cá rất xa xôi, nguy hiểm. Đến mùa mưa bão, sóng lớn các làng chài bị cô lập nhiều ngày, tiết kiệm từng lon gạo, con cá biển để cầm cự qua ngày. Nhưng từ khi có cây cầu Thị Nại, các làng biển đi đường bộ vào TP Quy Nhơn rất gần. Mãi sau này, du lịch phát triển, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn thì khách du lịch đến đông đúc, giúp đời sống bà con được nâng lên”, bà Nguyễn Thị Hoa (làng biển Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) kể lại.

Đổi thay miền đất du lịch

Ông Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã bán đảo Nhơn Lý cho biết, sau khi đầu tư cây cầu lịch sử vượt đầm Thị Nại, tỉnh bắt đầu phát triển khu kinh tế Nhơn Hội, chuyển hướng qua thu hút các dự án du lịch, nghỉ dưỡng biển, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, năm 2015 khi tỉnh thu hút các Tập đoàn đến đầu tư dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp bên làng biển Nhơn Lý thì đây thực sự là cơ hội bùng nổ khách du lịch đến Nhơn Lý. Ông Dũng lấy ví dụ về dự án của Tập đoàn FLC khai thác các vẻ đẹp, tiềm năng của Nhơn Lý, trong đó có 2 điểm ngắm cảnh, tắm biển Kỳ Co, Eo Gió.

Kỳ co điểm đến ưa thích của du khách khi tới Bình Định

Theo ông Dũng, trước đó, không ai biết đến làng biển Nhơn Lý. Năm 2015, khi Tập đoàn FLC đặt viên gạch đầu tiên đầu tư ở Nhơn Lý thì sau đó 2 năm, năm 2017 khách du lịch bùng nổ ở Nhơn Lý. Kéo dài đến năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách sụt giảm, nhưng phục hồi nhanh chóng năm 2022. Đến năm 2023, toàn xã đón 600.000 lượt khách du lịch, doanh thu xấp xỉ 200 tỷ đồng…

“Về sau, địa phương đầu tư, phát triển hạ tầng để bảo tồn du lịch làng chài Nhơn Lý. Chúng tôi đầu tư các con đường “Đường đá xanh” trong làng chài. Ngoài ra, các con đường xanh đều vẽ tranh bích họa về các đặc trưng, bản sắc và đời sống cư dân làng chài nên Nhơn Lý trở thành điểm hút khách của TP Quy Nhơn”, ông Dũng kể thêm

Bên làng biển Nhơn Lý, các làng chài Nhơn Hải, trở ra các làng chài dưới chân núi Bà đều bắt tay vào làm du lịch cộng đồng. Các địa phương thành lập hợp tác xã du lịch và tổ du lịch cộng đồng, kết hợp bảo tồn bản sắc văn hóa, sinh thái biển, rạn san hô để đón khách du lịch. Từ đó, đời sống cư dân ven biển không chỉ nâng cao, hạ tầng đầu tư khang trang, nguồn lợi thủy sản, sinh thái biển được phục hồi, bảo tồn hướng đến tính bền vững.

Từng bước hướng đến sự đẳng cấp

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh cho biết, du lịch Bình Định bùng nổ từ những năm 2016 đến nay. Đặc biệt, sau giai đoạn đại dịch thì du lịch tỉnh phục hồi rất nhanh, có bước đột phá lớn. Theo ông Thanh, nhiều yếu tố về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên ban tặng và cách làm mới từ chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã làm nên “hình hài” mới cho du lịch Bình Định.

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định.

Cụ thể, trước hết Bình Định sở hữu rất nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh đặc trưng. Trong đó, có cụm di tích, bảo tàng, không gian văn hóa liên quan đến nghĩa quân Tây Sơn và vua Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ngoài ra, huyện Tây Sơn còn có điểm lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc…

Đặc biệt, tỉnh này có hệ thống tháp chăm rất đồ sộ, trong đó có 7 cụm tháp Chăm nổi tiếng, kiến trúc độc đáo và hầu hết còn nguyên vẹn. 7 cụm tháp tháp Chăm này được ví như “7 viên ngọc” của Bình Định, thu hút phân khúc du khách ở châu Âu tìm đến tham quan rất đông.

“Ngoài ra, thế mạnh biển đảo Bình Định có cảnh quan ven biển, đảo, bán đảo rất độc đáo, mới mẻ so với 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ven biển tỉnh, nhất là khu vực ven TP Quy Nhơn có rất nhiều làng chài đẹp thu hút khách Nhật Bản, Hàn Quốc họ đến, rất thích thú” - ông Thanh nói thêm.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, đặc biệt từ khi Tập đoàn FLC đầu tư 2 sân golf (loại 36 lỗ), được giới dân chơi golf đánh giá “đẹp bậc nhất châu Á”. Sân Golf FLC đã vinh dự đạt rất nhiều giải thưởng về thiết kế danh giá trong nước, quốc tế, như: giải sân golf mới và tốt nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương; vào lễ trao giải Asian Golf Awards 2016; nằm trong top 10 sân golf tốt nhất tại Việt Nam. “Hai sân golf của FLC được giới chơi golf đánh giá rất cao, nơi mà các golf thủ châu Á bắt buộc phải đến 1 lần cho biết. Vì vậy, tạo ra điểm nhấn cho du lịch ở đẳng cấp cao Bình Định” - ông Trần Văn Thanh thông tin.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch, tỉnh Bình Định tiếp tục phát triển thêm rất nhiều sản phẩm du lịch mới. Trong đó, năm 2023 tỉnh này mời về giải đua thuyền máy nhà nghề tốc độ cao ở Ý và giải đua mô tô nước quốc tế vừa đăng cai trong Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024 (cuối tháng 3 đầu tháng 4-2024). Đây là 2 giải thể thao dưới nước quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, Bình Định sẽ giữ bản quyền tổ chức trong 5 năm liên tiếp. Hai giải đua lớn này đã đem hình ảnh Bình Định và Việt Nam đến hàng trăm quốc gia trên thế giới.

“Trong quý 1 năm 2024 ngành du lịch tỉnh đón gần 2,8 triệu lượt khách. Trong đó, nhiều sự kiện tỉnh đón trên 100.000 lượt khách đến. Theo kế hoạch được giao, trong năm 2024 ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách, nhưng theo dự báo năm nay lượng khách sẽ tăng gần 6 triệu lượt, doanh thu đạt trên 18.000 tỷ đồng” - ông Thanh nói và cho biết - giai đoạn 2024 đến 2030, tỉnh xác định tiếp tục phát triển mũi nhọn du lịch, biển TP Quy Nhơn trở thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, năm 2024 ngành du lịch, văn hóa Bình Định được cả nước biết đến khi tổ chức thành công Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024. “Mặc dù lần đầu tiên Bình Định tổ chức tuần lễ với 2 sự kiện thể thao dưới nước quốc tế, gồm: Giải vô địch thế giới mô-tô nước ABP Aquabike và Giải vô địch thế giới thuyền máy công thức 1 UIM F1H2O được cả nước và các đối tác quốc tế đánh giá rất cao. Sau khi tổng kết, đánh giá thì tuần lễ có thể nói là “thành công ngoài mong đợi”” , ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.

Theo ông Giang, 2 giải đua trên được thế giới đánh giá chỉ dành cho những đất nước có nền kinh tế phát triển, bởi chi phí của giải rất “đắt đỏ” và yêu cầu kỹ thuật rất cao. Tuy nhiên, ban tổ chức giải là Liên đoàn Đua thuyền máy quốc tế (UIM) đánh giá rất cao điều kiện tự nhiên, năng lực tổ chức giải đua của tỉnh Bình Định.

“Qua làm việc, phía UIM đánh giá tỉnh Bình Định tổ chức các giải đua rất tốt. Họ cho biết, Bình Định – Việt Nam tổ chức tốt nhất trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng quốc tế lớn lao. Hiện, tỉnh đã ký kết bản quyền tổ chức giải 5 năm. Tuy nhiên, phía UIM cho biết có thể ưu tiên gia hạn tỉnh tổ chức trong 10 năm…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin thêm.

Trần Sơn Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-dinh-xac-lap-diem-den-moi-tao-suc-hut-du-lich-a660969.html