Bình Định phải chắt chiu, huy động thêm các nguồn vốn để thực hiện các dự án cho ra tấm, ra món

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, tổng nguồn vốn bố trí cho tỉnh Bình Định thực hiện 3 chương trình MTQG chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, vì thế tỉnh phải chắt chiu, huy động thêm các nguồn vốn của địa phương để thực hiện các dự án cho ra tấm, ra món, tránh manh mún, dàn trải.

Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ khảo sát tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và làm việc với huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Cùng đi có Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Nghĩa Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

 Quang cảnh cuộc làm việc.

Quang cảnh cuộc làm việc.

Huyện Tây Sơn kiến nghị nhiều nội dung

Báo cáo tại buổi làm việc với huyện Tây Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng cho biết, tổng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phân bổ cho huyện là gần 84 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 50,8 tỷ đồng, còn vốn sự nghiệp là hơn 33,1 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân đến nay là hơn 39,5 tỷ đồng, đạt 47,1%, trong đó, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 59,15%, trong khi tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt 28,68%.

Trong quá trình thực hiện, huyện nhận thấy hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện khá nhiều, gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện cho cán bộ, công chức ở cấp cơ sở.

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc làm việc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc làm việc.

Với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Tây Sơn kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn triển khai tiêu chí về tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% trở lên, thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Huyện Tây Sơn cho rằng, các chỉ tiêu về tỉ lệ sử dụng hình thức hỏa táng yêu cầu đạt từ 5% trở lên, tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt từ 25%, tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% trở lên khó thực hiện, do đó Trung ương xem xét, điều chỉnh quy định nội dung chỉ tiêu trên cho phù hợp.

Huyện Tây Sơn cũng phản ánh quá trình triển khai Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính ban hành quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, còn có bất cập, chồng chéo liên quan đến các "cơ sở giáo dục nghề nghiệp".

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã cập nhật tình hình ban hành các quy định và hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện 3 chương trình MTQG, trong đó có Nghị định 38 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, đồng thời trực tiếp giải đáp một số ý kiến của huyện Tây Sơn.

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết, Bộ đang trình Chính phủ tiêu chí hộ có thu nhập thấp, dự kiến sẽ ban hành tiêu chí này trong tháng 11/2023.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Bộ mới tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tính khả thi khi áp dụng tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40%. Tại cuộc họp này, có 47 địa phương nhất trí vẫn giữ nguyên tỷ lệ này trong Bộ tiêu chí nông thôn mới.

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng quà cho các hộ dân xã Vĩnh An, huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Định.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng quà cho các hộ dân xã Vĩnh An, huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Định.

Thực hiện các dự án cho ra tấm, ra món, tránh manh mún, dàn trải

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, đối với 3 chương trình MTQG, tổng nguồn vốn bố trí cho tỉnh Bình Định thực hiện 3 chương trình chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, vì thế tỉnh phải chắt chiu, huy động thêm các nguồn vốn của địa phương để thực hiện các dự án cho ra tấm, ra món, tránh manh mún, dàn trải; đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình MTQG vì thời gian không còn nhiều.

Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, có thể sẽ có cách tiếp cận khác hiện nay. Theo đó, địa phương nào giải ngân nhanh, hiệu quả có thể được phân bổ vốn nhiều hơn, mới tạo được động lực thi đua trong việc thực hiện các chương trình MTQG.

"Các văn bản hướng dẫn ban hành trong thời gian tới sẽ chú trọng phân cấp tối đa cho các địa phương", Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có ý kiến về kiến nghị của tỉnh Bình Định liên quan đến việc mở rộng Cảng hàng không Phù Cát và sử dụng vốn vay ODA.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/binh-dinh-phai-chat-chiu-huy-dong-them-cac-nguon-von-de-thuc-hien-cac-du-an-cho-ra-tam-ra-mon-post257101.html