Bình Định: Nâng cao chất lượng cụm công nghiệp

Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Định, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.470 ha.

Ưu tiên ngành, nghề ít gây ô nhiễm

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, UBND huyện Phù Mỹ vừa có thông báo mời nhà đầu tư quan tâm đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Trung Hiệp và Trung Thành.

Theo đó, Cụm công nghiệp Trung Hiệp (tại thôn Trung Hiệp, xã Mỹ Chánh Tây) có quy mô khoảng 61 ha, còn Cụm công nghiệp Trung Thành (thôn Trung Thành 1, xã Mỹ Quang) có quy mô khoảng 75 ha.

2 cụm công nghiệp này sẽ ưu tiên các ngành nghề sản xuất, chế biến ít gây ô nhiễm môi trường như: Chế biến nông lâm sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa, may mặc…

2 Cụm công nghiệp Trung Hiệp và Trung Thành được thành lập áp dụng theo quy định mới. Ảnh: Huyện Phù Mỹ

2 Cụm công nghiệp Trung Hiệp và Trung Thành được thành lập áp dụng theo quy định mới. Ảnh: Huyện Phù Mỹ

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phù Mỹ, Cụm công nghiệp Trung Hiệp và Cụm công nghiệp Trung Thành đều có trong quy hoạch tỉnh Bình Định và huyện Phù Mỹ. Đồng thời, 2 cụm công nghiệp này thành lập phải đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Cụ thể, hồ sơ thành lập cụm công nghiệp phải có ít nhất 1 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp có quan tâm và đề xuất thành lập.

Do vậy, UBND huyện Phù Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp có quan tâm, khảo sát và đề xuất. Sau đó, nếu thấy khả thi thì đăng ký hồ sơ để huyện trình UBND tỉnh có quyết định thành lập cụm công nghiệp.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phù Mỹ cũng cho biết, sau khi có chủ trương chính thức thành lập 2 cụm công nghiệp (hiện UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương), UBND huyện Phù Mỹ sẽ xây dựng tiêu chí, đánh giá, chi phí giải phóng mặt bằng... để doanh nghiệp xây dựng hồ sơ dự án. Hiện, vị trí thực hiện cụm công nghiệp chưa giải phóng mặt bằng.

Xem xét thu hồi dự án nếu không đảm bảo tiến độ

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, để phát triển công nghiệp, cách đây 20 năm, từ năm 2004 địa phương đã quan tâm tới công tác quy hoạch phát triển cụm công nghiệp. Trải qua 4 lần lập quy hoạch, Bình Định đã xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp trong quy hoạch của tỉnh và được phê duyệt.

Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Định, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.470 ha. Đến nay, tỉnh Bình Định có 46 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập; trong đó có 37 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 904,2 ha.

Tính đến ngày 12/4/2024, các cụm công nghiệp đã thu hút 374 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất đã cho thuê 566,7 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm đi vào hoạt động 62,7%; trong đó, 246 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 22.000 lao động.

Cụm công nghiệp Tây Xuân (huyện Tây Sơn) có diện tích 50 ha. Ảnh: T. Hậu

Cụm công nghiệp Tây Xuân (huyện Tây Sơn) có diện tích 50 ha. Ảnh: T. Hậu

Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cũng cho hay, trong quý I/2024, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chủ trương thành lập 2 cụm công nghiệp mới gồm Cụm công nghiệp Qui Hội (53 ha) và Cụm công nghiệp Bình Thành (75 ha); mở rộng 2 cụm công nghiệp là Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh (mở rộng từ 37 lên 75 ha) và Cụm công nghiệp Tà Súc (mở rộng từ 35,7 ha lên 70,7 ha).

Để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2030 làm cơ sở đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Công Thuơng làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương về chỉ tiêu đất lúa để xác định các địa phương đã giành chỉ tiêu đất lúa cho phát triển cụm công nghiệp. "Đối với các cụm công nghiệp đã được đảm bảo về chỉ tiêu đất lúa, đề nghị chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện. Trường hợp chủ đầu tư chậm triển khai dự án, rà soát, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét thu hồi dự án và chuyển chỉ tiêu đất lúa cho địa phương khác để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp", ông Hoàng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức mời gọi các doanh nghiệp làm chủ đầu tư đối với các cụm công nghiệp có trong Phương án phát triển cụm công nghiệp nhưng chưa được thành lập, mở rộng (trừ cụm công nghiệp Tân Đức); đồng thời, xem xét năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Khẩn trương rà soát, tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch vùng huyện, Quy hoạch phân khu chức năng, Quy hoạch chi tiết theo đúng quy định. Đồng thời, rà soát, đưa vào Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo các điều kiện xúc tiến, kêu gọi đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện các cụm công nghiệp theo quy định.

Hạ Vĩ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-dinh-nang-cao-chat-luong-cum-cong-nghiep-321368.html