Bình đẳng giới để hướng đến phát triển bền vững

Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác bình đẳng giới đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sôi động phần thi trắc nghiệm tại Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại huyện Châu Thành năm 2023

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác bình đẳng giới đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam tăng 11 bậc về bình đẳng giới

Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu (Global Gender Gap Report) năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực khẳng định vị thế, năng lực và vai trò bình đẳng giới, trong đó người phụ nữ đang ngày càng được nhìn nhận, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát huy bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Bầu cử Quốc hội, Bộ luật Lao động, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2021-2030 một cách cụ thể, minh bạch. Các chính sách, chương trình bảo đảm an sinh xã hội được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất; kết quả này được thể hiện rõ nhất khi giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ngày càng được chú trọng phát triển; phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số được tiếp cận các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, việc làm...

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 28/NQ-CP, gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể, xác định: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”, đây là mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực chính trị; kinh tế; lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục và đào tạo; thông tin, truyền thông. Để bảo đảm việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện hiệu quả, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn thu thập số liệu và báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược một cách thống nhất, đồng bộ việc thu thập số liệu, báo cáo tình hình thực hiện chiến lược của các bộ, ngành và địa phương hằng năm.

Bên cạnh đó, năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 và thay thế Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10.6.2009 của Chính phủ. Nghị định gồm 4 chương, 24 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Phần thi tiểu phẩm về bình đẳng giới tại Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại huyện Châu Thành năm 2023.

Tây Ninh: Lồng ghép nhiều chương trình thúc đẩy bình đẳng giới

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; công tác khuyến nông, khuyến lâm; kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt lồng ghép lồng ghép trong đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030.

Thông qua các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, có 92/94 xã, phường, thị trấn thành lập mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (đạt 98%): Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững là 507 câu lạc bộ/535 ấp, khu phố (đạt 95%); 455 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 259 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 154 số đường dây nóng.

Song song đó, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các sở, ban ngành, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tọa đàm chuyên đề về bình đẳng giới với chủ đề “Phụ nữ với sức khỏe sinh sản và sức khỏe hậu Covid”; hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”; Hội thảo chuyên đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”... cùng các hoạt động chuyên đề, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới tại huyện biên giới Tân Biên, Châu Thành, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đối với chức sắc, chức việc trong các tổ chức tôn giáo, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức 167 cuộc tuyên truyền với 10.284 chức sắc, chức việc tham dự. Các cấp Hội Phụ nữ tăng cường tuyên truyền trên trên website (hoiphunu.tayninh.gov.vn) và các trang mạng xã hội (Fanpage Hội LHPN Tây Ninh 70; nhóm Facebook Phụ nữ Tây Ninh sáng tạo, đổi mới); 37 nhóm Facebook và 284 nhóm Zalo lồng ghép nội dung tài liệu tuyên truyền trong sinh hoạt định kỳ. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 539 tổ hòa giải, với 3.658 hòa giải viên, 539 cán bộ MTTQ tham gia tổ hòa giải ở cơ sở (chiếm 92,77%), góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tránh bạo lực gia đình.

Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Bộ LĐ-TB&XH hướng đến các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, trong đó đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, thống kê các chỉ tiêu, mục tiêu của địa phương đã đề ra để có các giải pháp thực hiện phù hợp, đạt mục tiêu đề ra, rút gần chỉ tiêu đang còn khoảng cách lớn so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Tổ chức triển khai các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và các chương trình, đề án liên quan; tăng cường công tác truyền thông các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông như: truyền thông trực tiếp; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình; hệ thống thông tin cơ sở ở các xã, phường, thị trấn; các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội... nhằm tiếp cận với người dân nhiều hơn, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.

Điều 13 Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021 của Chính phủ quy định xử phạt từ 3 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính; đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính; áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

Tâm Giang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/binh-dang-gioi-de-huong-den-phat-trien-ben-vung-a172298.html