Biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung Việt Nam - Lào

Chiến thắng Thượng Lào 1953 là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào (1953 - 2023), ngày 13/4, tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề: “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Dự Hội thảo có đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông; cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nhân chứng lịch sử; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan đơn vị trong toàn quân và nước bạn Lào.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Đoàn Chủ tịch Hội thảo. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Đoàn Chủ tịch Hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo. Tham gia Đoàn Chủ tịch còn có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.

Cách đây 70 năm, thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào.

Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 13/4 - 3/5/1953. Sau 3 tuần vận động tiến công, truy kích địch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 quân địch (1/5 tổng số quân địch ở Lào), đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội ở khu vực sông Nậm Hu và hàng trăm tên địch ở mặt trận đường 7 - Xiêng Khoảng; giải phóng 5 vị trí và bức rút 25 vị trí khác; giải phóng khoảng 40.000 km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Louangphabang và Phongsaly.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Quân khu 2)

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Quân khu 2)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho biết: Cách đây 70 năm, thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào và giành thắng lợi to lớn. Sau gần 1 tháng chiến đấu (từ 13/4 - 3/5/1953), quân đội hai nước đã tiêu diệt hơn 2.800 tên địch, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào).

Chiến thắng Thượng Lào 1953 góp phần mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng Việt Nam và Lào, củng cố khối đoàn kết thống nhất và liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương, đẩy thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng, mất quyền chủ động chiến lược.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thành quả của việc hiện thực hóa phương châm đoàn kết quốc tế “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của quân đội và lực lượng vũ trang cách mạng hai nước. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, QĐND Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện thành công một chiến dịch dài ngày và lớn nhất trên chiến trường Lào và giành thắng lợi.

“Chiến thắng đó mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ chỉ huy chiến dịch” - Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo. (Ảnh: Báo Quân khu 2)

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo. (Ảnh: Báo Quân khu 2)

Tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông khẳng định: Chiến dịch Thượng Lào 1953 là chiến dịch tiến công của QĐND Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Thắng lợi của chiến dịch thể hiện tình đoàn kết chiến đấu gắn bó giữa quân và dân hai nước, góp phần quan trọng trong việc mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng hai nước, buộc lực lượng cơ động của quân đội Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương phải bị động đối phó; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý được vận dụng trong các chiến dịch tiếp theo cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam và Lào hiện nay. “Chiến dịch Thượng Lào đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào vẫn tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước giữ gìn, dày công vun đắp và phát triển toàn diện đến hôm nay” - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh.

Hội thảo “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” đã nhận được gần 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo tỉnh Sơn La, các địa phương, quân khu, các binh chủng, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội…

Các tham luận đã luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của chiến thắng Thượng Lào 1953. Hội thảo cũng đã khẳng định những nhân tố làm nên thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953. Đó là tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai Đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; là nhân tố chính trị, tinh thần, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, thực hiện đúng phương châm “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”; về huy động và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Hội thảo còn nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, phân tích và làm rõ nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vun đắp, bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới. Đồng thời, góp phần thiết thực giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết Việt Nam - Lào cho toàn quân, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới...

Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế trong sáng và cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với phương châm “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại, truyền thống đoàn kết chân thành, hữu nghị, thủy chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; củng cố, phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc lên tầm cao mới./.

H.Thanh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/bieu-tuong-sinh-dong-cua-tinh-huu-nghi-thuy-chung-viet-nam-lao-635532.html