Biểu dương 10 doanh nghiệp tích cực tham gia tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2023 tổ chức ngày 6/9, Tổng cục Hải quan đã lựa chọn, biểu dương 10 doanh nghiệp tiêu biểu, tích cực tham gia 'Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan'.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trao chứng nhận cho 10 doanh nghiệp tích cực.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trao chứng nhận cho 10 doanh nghiệp tích cực.

Tạo sự chuyển biến trong nhận thức

Từ năm 2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành quyết định về việc triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan.

Năm 2023, chương trình đã được đẩy mạnh tại các cục hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Đây là một hoạt động thiết thực, là hoạt động mà ít cơ quan quản lý thực hiện.

10 doanh nghiệp tiêu biểu gồm:

Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam);

Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thái Tân;

Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú;

Công ty CP 28 Đà Nẵng;

Công ty Cổ phần Frit Huế;

Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA;

Công ty TNHH Chế tạo động cơ Zongshen Việt Nam;

Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Liên hợp Việt Nam;

Công Ty TNHH Uti Vina;

Công ty LD TNHH Nippon Express (Việt Nam).

Với những lợi ích thiết thực, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, trong thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ xem xét mở rộng đối tượng để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách.

"Chúng tôi đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu” - ông Cường nói.

70/213 doanh nghiệp tham gia được nâng hạng

Thống kê mới nhất cho thấy, kết quả triển khai trong giai đoạn 1 có 213 doanh nghiệp tham gia chương trình tại 35 cục hải quan tỉnh, thành phố. Việc triển khai chương trình mang lại lợi ích cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp.

Đối với cơ quan hải quan đã hình thành bộ máy 3 cấp từ tổng cục - cục hải quan - chi cục hải quan với lực lượng cán bộ chuyên trách gồm 123 cán bộ để theo dõi, trợ giúp doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Hơn 153 các kiến nghị, vướng mắc của nhóm doanh nghiệp này được hướng dẫn, giải đáp, đạt tỷ lệ 100%.

Hoạt động tại Công ty TNHH KRAFT VINA.

Hoạt động tại Công ty TNHH KRAFT VINA.

Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Nguyễn Nhất Kha cho biết, qua giai đoạn đầu triển khai đã có hơn 70 doanh nghiệp trong tổng số 213 doanh nghiệp tham gia chương trình được nâng hạng mức độ tuân thủ (từ mức 3, 4 lên mức độ 2).

Đặc biệt, với những doanh nghiệp tham gia chương trình được hưởng các lợi ích thiết thực trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Từ góc độ doanh nghiệp tham gia, ông Ratchapol Thanawarith - đại diện Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA, khẳng định sau khi trở thành thành viên chương trình, doanh nghiệp đã được hưởng nhiều lợi ích khác biệt với các doanh nghiệp thông thường khác.

Kết quả mức tuân thủ pháp luật của KRAFT VINA đã cải thiện từ mức tuân thủ trung bình lên mức tuân thủ cao sau khi tham gia chương trình. Nhìn thấy lợi ích như vậy, các doanh nghiệp sẽ nâng cao nghĩa vụ chấp hành pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng cao mức tuân thủ.

Cũng theo đại diện KRAFT VINA, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia chương trình là rất cần thiết.

Doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tự nguyện tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về hải quan nói riêng để trở thành văn hóa tuân thủ pháp luật hải quan như diễn đàn năm nay đã đề cập.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bieu-duong-10-doanh-nghiep-tich-cuc-tham-gia-tu-nguyen-tuan-thu-phap-luat-hai-quan-135251.html