Biệt đội nữ hàn gắn những 'vết sẹo' chiến tranh ở vùng 'đất lửa'

Mỗi bước chân của đội rà phá bom mìn đi qua là một mảnh bom được lấy ra khỏi lòng đất, để sự sống được cựa mình sinh sôi. Biệt đội ấy gồm toàn những cô gái quả cảm của 'đất lửa' Quảng Trị.

Những cô gái rà phá bom mìn ở Quảng Trị. (Ảnh: Nguyễn Á/Vietnam+)

Những cô gái rà phá bom mìn ở Quảng Trị. (Ảnh: Nguyễn Á/Vietnam+)

“3… 2… 1…, nổ!”

Một tiếng “uỳnh” vang lên khiến tôi bất giác co rúm người lại. Từ phía xa, một cột khói màu đen dần bốc lên cao. Giọng nói của người chỉ huy vang lên trong bộ đàm: “Hủy nổ thành công!”

Đó là diễn biến một buổi tiêu hủy vật liệu nổ còn sót lại trong lòng đất sau chiến tranh mà tôi được chứng kiến tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Dưới ánh nắng miền Trung gay gắt, tôi thấy các thành viên đội rà phá bom mìn mỉm cười, thở phào nhẹ nhõm. Tôi hiểu rằng họ đang hạnh phúc vì đã góp phần đẩy lui những hiểm họa trên mảnh đất quê hương. Mỗi bước chân của đội rà phá bom mìn đi qua là một mảnh bom được lấy ra khỏi lòng đất, để sự sống được cựa mình sinh sôi.

'Gian khổ sẽ dành phần ai'

Quân đội Mỹ đã trút xuống Quảng Trị hàng trăm nghìn tấn bom đạn. Ngày nay, những người rà phá bom, mìn và vật liệu nổ vẫn tiếp tục “chiến đấu” với một thế lực ngầm trong lòng đất để hồi sinh vùng quê có diện tích ô nhiễm chiếm hơn 81% tổng diện tích toàn tỉnh. Điều đặc biệt là trong số lực lượng rà phá bom mìn đó, có một đội quân toàn là nữ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, chị Nguyễn Thị Diệu Linh (sinh năm 1983) cho hay chị đã từng biết đến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Thậm chí, khi còn nhỏ, Diệu Linh và các bạn của mình đã từng chơi đùa trong khu vực có lựu đạn mà không biết.

Quang cảnh một buổi tiêu hủy vật liệu nổ. (Ảnh: Nguyễn Á/Vietnam+)

Quang cảnh một buổi tiêu hủy vật liệu nổ. (Ảnh: Nguyễn Á/Vietnam+)

Công việc rà phá bom mìn đến với Linh như một cơ duyên. Khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh, chị Linh được nhận vào làm phiên dịch của Dự án RENEW (Dự án Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh). Dần dần, chị chuyển sang làm cán bộ kỹ thuật và đến năm 2015, chị được cử làm quản lý chương trình NPA/RENEW của Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 300 nhân viên.

Chị Diệu Linh tự hào là một trong những người sáng lập đội nữ rà phá mìn đầu tiên ở Việt Nam. Nghĩ đến công việc của chị và các đồng nghiệp, tôi bỗng nhớ đến câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”

Với Trịnh Thị Hồng Thắm, Đội trưởng Đội đa nhiệm của NPA/RENEW, chị chủ động lựa chọn công việc này dù người yêu ngăn cản.

“Thủa nhỏ, tôi từng chứng kiến một vụ nổ khiến hàng xóm nhà mình tử vong. Rồi hơn chục năm trước, gia đình tôi phát hiện một quả bom nằm trong rẫy. Chúng tôi suốt ngày lo lắng vì sợ ai đó đi ngang qua vô tình dẫm đạp phải hoặc nó sẽ tự nổ dưới tiết trời nắng nóng của miền Trung. Sau đó, quả bom được một đội rà phá bom mìn mang đi,” Thắm kể.

Những bức ảnh về đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị đang được trưng bày tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những bức ảnh về đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị đang được trưng bày tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vậy là Thắm trở thành thành viên của đội rà phá bom mìn vào năm 2015. Chị đã kết hôn và có một con nhỏ.

“Sau khi ngăn cản quyết liệt không được thì người yêu cũng phải đồng ý cho tôi gia nhập đội rà phá bom mìn. Anh ấy phản đối vì sợ tôi vất vả mà thôi,” Thắm cười.

Các thành viên đều được đào tạo trong nhiều tháng trước khi bước ra thực địa. Với các loại bom đạn chùm như bom bi, rất dễ phát nổ khi bị tác động, họ phải tiến hành cảnh báo người dân, cách ly khu vực có bom và tiến hành tiêu hủy tại hiện trường. Với các loại vật liệu nổ khác, họ thu gom và tập hợp tại những điểm tiêu hủy cố định, cách xa khu dân cư.

Khách nước ngoài rất quan tâm đến câu chuyện về những người phụ nữ rà phá bom mìn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Khách nước ngoài rất quan tâm đến câu chuyện về những người phụ nữ rà phá bom mìn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Dù được đào tạo bài bản, nhưng tai nạn đáng tiếc cũng đã xảy ra, cướp đi sinh mạng một thành viên đội khảo sát kỹ thuật khiến mọi người đều sốc. Song, họ cùng nhau vượt qua nỗi đau để tiếp tục công việc, bởi ngày ngày, “tử thần” vẫn rình rập từ dưới lòng đất, đe dọa lấy đi tính mạng, sức khỏe người dân khi họ đào đất làm rẫy, làm nhà…

Tiêu hủy 126.000 vật liệu nổ

Trong lần được mời báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế (ngày 8/4/2021), chị Nguyễn Thị Diệu Linh cho biết: “Theo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, từ năm 1975 đến năm 2023, bom, mìn và vật liệu nổ đã gây thương vong cho hơn 8.540 người; trong đó có 3.432 người chết, còn lại là bị thương.”

Đáng mừng là trong vòng 5 năm trở lại đây, khi các hoạt động khảo sát, rà phá và giáo dục nhận thức về bom mìn được đẩy mạnh, con số thương vong tại tỉnh đã giảm, thậm chí về mức "0" một cách ngoạn mục trong giai đoạn 2018-2021.

Cuốn sách ảnh mới ra mắt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á khắc họa chân dung những người phụ nữ rà phá bom mìn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cuốn sách ảnh mới ra mắt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á khắc họa chân dung những người phụ nữ rà phá bom mìn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đổi lấy sự bình yên cho người Quảng Trị những năm qua là chuỗi ngày làm việc bất kể nắng mưa của khoảng 1.000 thành viên thuộc 3 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bom mìn độc lập, trong đó có NPA-RENEW. Với họ, việc phát hiện, rà phá thành công vật liệu nổ là công việc đầy tự hào, là cách để bày tỏ tình cảm với quê hương, hàn gắn những “vết sẹo” chiến tranh để lại.

Tổ chức NPA-RENEW có 2 đội 100% nhân sự nữ, gồm Đội rà phá hiện trường (15 thành viên) và Đội xử lý bom mìn lưu động (6 thành viên). Trong đội, tất cả công việc từ lái xe, chăm sóc y tế, rà phá bom mìn... đều do các thành viên nữ đảm nhận.

“Việc thành lập hai đội nữ cho thấy sự bình đẳng giới trong công việc, nghĩa là việc nào mà nam giới làm được, phụ nữ cũng có thể hoàn thành, thậm chí hoàn thành tốt. Ngoài ra, chúng tôi tự hào khi có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái, giúp họ có niềm tin rằng chỉ cần nỗ lực, họ có thể làm được nhiều việc hơn họ vẫn nghĩ,” Diệu Linh bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (trái) và chị Nguyễn Thị Diệu Linh là những thành viên chủ chốt của đội rà phá bom mìn. (Ảnh: Nguyễn Á/Vietnam+)

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (trái) và chị Nguyễn Thị Diệu Linh là những thành viên chủ chốt của đội rà phá bom mìn. (Ảnh: Nguyễn Á/Vietnam+)

Chị phấn khởi chia sẻ rằng: “Đến cuối tháng 6/2023, NPA/RENEW đã hoàn thành công tác lập bản đồ các khu vực ô nhiễm bom đạn chùm tại 690 thôn của tỉnh Quảng Trị, với diện tích ô nhiễm lên đến hơn 619 km2, rà phá an toàn gần 25 km2 và xử lý an toàn hơn 126.000 vật liệu nổ các loại.”

Khi nhiếp ảnh gia Nguyễn Á được biết về đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị, tưởng tượng về công việc thật nguy hiểm giữa thời bình mà lại thật cần thiết cho hòa bình thật sự, ống kính của anh lại cựa quậy thúc giục lên đường.

“Tôi vô cùng cảm phục họ. Cảm xúc đã dẫn tôi đến với Quảng Trị tới 3 lần trong 9 tháng, theo bước họ ra hiện trường trong nắng lửa, gió Lào, mưa dầm, chứng kiến những bước dò tìm cẩn trọng từng centimet vuông, thao tác tháo dỡ chuyên nghiệp, nín thở chờ hiệu lệnh nổ, thở phào sau âm thanh chát chúa và cột khói đen kịt. Vậy là đã có thêm những khoảng đất sạch được trả lại cho người dân,” nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ.

Với những cảm xúc đó, Nguyễn Á đã ghi lại công việc của những cán bộ rà phá bom mìn tại Quảng Trị trong cuốn sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa”. Những bức ảnh cũng đang được trưng bày tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội đến ngày 13/8./.

Chị Diệu Linh cùng các đồng đội của mình. (Ảnh: Nguyễn Á/Vietnam+)

Chị Diệu Linh cùng các đồng đội của mình. (Ảnh: Nguyễn Á/Vietnam+)

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/biet-doi-nu-han-gan-nhung-vet-seo-chien-tranh-o-vung-dat-lua/888731.vnp