Biệt đội B5 và trận đánh rúng động Sài Gòn

Hoạt động giữa sào huyệt địch, biệt đội trinh sát vũ trang nội đô B5 (An ninh T4) có nhiệm vụ diệt ác phá kìm, trừng trị những viên chức cao cấp phản động, những tên tay sai bán nước, nợ máu với nhân dân. Mỗi trận đánh của trinh sát là thể hiện đường lối sách lược, bản lĩnh và trí tuệ, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng đấu tranh vùng lên, góp phần phá vỡ âm mưu thâm độc của quân thù.

Chiêu bài dân chủ

Sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ gia đình trị, giết chết anh em Diệm - Nhu, suốt 18 tháng ròng rã Việt Nam cộng hòa (VNCH) rơi vào tình trạng lũng đoạn, khủng hoảng lãnh đạo chính trị. Đây là thời kỳ quân quản, các phe cánh tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau, đám quân đội hằm hè với phe dân sự, đảo chính liên tiếp xảy ra.

Tháng 6/1965, Hội đồng quân lực thành lập Ủy ban lãnh đạo quốc gia, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Chủ tịch (Quốc trưởng), thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ chức Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, trung tướng Phạm Xuân Chiểu là Tổng thư ký. Tháng 6/1966, Ủy ban lãnh đạo quốc gia tuyên bố mở cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến vào ngày 03/9/1967, Thiệu - Kỳ cùng ra ứng cử Tổng thống.

Đã đổ quá nhiều tiền của, huy động tối đa lực lượng, phương tiện kỹ thuật hiện đại mà vẫn sa lầy trong cuộc chiến tại Việt Nam, Mỹ tỏ ra quan ngại khi giới quân phiệt lên nắm triều chính. Chúng đã ngán ngẩm với thời kỳ quân quản rối ren, muốn duy trì một chính quyền tay sai mà người đứng đầu thuộc phe dân sự, cho có màu sắc dân chủ và bịp dư luận.

Kẻ được CIA và Tòa đại sứ Mỹ tin cậy đưa ra tranh cử Tổng thống là Trần Văn Văn (58 tuổi), Dân biểu Quốc hội lập hiến. Có tư tưởng chống cộng quyết liệt, nhưng Văn lại thường mâu thuẫn với giới tướng lĩnh chóp bu bởi những bất đồng chính kiến, ngôi vị quyền lực. Việc một chính khách được Mỹ ủng hộ ra tranh cử Tổng thống khiến mâu thuẫn giữa hai phe quân đội, dân sự càng trở nên sâu sắc.

Ông Võ Văn Em (mặc thường phục) nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND

Ông Võ Văn Em (mặc thường phục) nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND

"Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam..." (lời Hồ Chủ tịch), vậy nên không có thể chế chính trị, quốc gia nào được phép hình thành ngoài Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được thế giới công nhận từ 1945; Mỹ ngụy bày ra cuộc bầu cử Quốc hội là trò hề, trái với luật pháp quốc tế. Cần phải lên án, bẻ gãy âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, loại bỏ con bài Mỹ đang nuôi dưỡng, lãnh đạo An ninh T4 lệnh cho Biệt đội trinh sát vũ trang nội đô B5 lên kế hoạch diệt Trần Văn Văn, trừ hậu họa và khoét sâu thêm mâu thuẫn nội bộ địch.

Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh, SN 1944) được giao đảm nhiệm trọng trách. Quê Củ Chi đất thép, tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 20 tuổi, Sáu Sinh đã đứng trong đội ngũ trinh sát vũ trang, nhanh nhạy, gan lỳ trong chiến đấu. Hồi ấy, Sinh ẩn nấp trong vai người làm công cho bà Bảy Lợi bên quận 4, có chồng là cơ sở cách mạng, làm công nhân cảng Sài Gòn. Thông qua những tay giang hồ cộm cán quận 4 và anh em công nhân cảng, anh dò biết được nhà riêng Trần Văn Văn cùng một số đặc điểm sinh hoạt của ông ta, từ đó tranh thủ theo dõi nắm quy luật đi lại, chuẩn bị kế hoạch hành động.

Sau gần 3 tháng bí mật giám sát, Sáu Sinh báo cáo chỉ huy đơn vị: nhà Trần Văn Văn ở số 8 Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), hằng ngày đến trụ sở Quốc hội bằng ôtô qua các tuyến đường Phan Thanh Giản, Phan Kế Bính, Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu)... Anh đề xuất phương án "đánh" một mình để đảm bảo bí mật, lỡ xảy ra bất trắc cũng dễ bề xoay sở. Lãnh đạo B5 chấp thuận và căn dặn, nếu bị bắt cứ khai được một đại tá dù nào đó thuê mướn giải quyết ân oán!

Đầu tháng 11/1966, mật cứ gửi tiền cho Sinh mua xe máy. Anh nhờ cơ sở là chú Sáu Dừa mua giùm được chiếc Honda dame của viên đại úy công binh, cố tình không sang tên với dự tính biến nó thành vật chứng biết nói khi cần thiết. Vừa tập chạy xe cho điệu nghệ, vừa tiếp tục trinh sát, Sáu Sinh quyết định phục kích mục tiêu ngay trước cổng nhà, tấn công khi xe hơi vừa chui ra, hoặc tại các khúc cua quẹo lúc xe buộc phải giảm tốc độ. Nhận vũ khí là khẩu súng ngắn hiệu Walther vào cuối tháng 11, anh được lãnh đạo B5 ấn định thời gian hành động là đầu tháng tới.

Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh)

Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh)

Thành đô náo loạn

Sáng 02/12/1966, Trần Hoàng Sinh tới gần cửa nhà Trần Văn Văn làm bộ sửa xe chờ đợi. Hơn 8 giờ, xe hơi của Văn từ từ bò ra khỏi cổng. Đúng lúc ấy, một chiếc ôtô bên ngành điện lực rề rà chạy qua chắn ngang tầm nhìn, Sáu Sinh chưa kịp áp sát, xe Văn đã đi mất. Hôm sau anh đứng đợi trên đường Phan Kế Bính, khi mục tiêu xuất hiện cũng là lúc có xe tuần cảnh từ hướng cầu Phan Thanh Giản phóng tới. "Giá mà đuổi theo được, nhưng rất khó để vừa điều khiển xe vừa tập kích", Sáu Sinh suy nghĩ rồi trình bày với lãnh đạo. Chỉ huy B5 tăng cường ngay một chiến sĩ quả cảm làm nhiệm vụ cầm lái cho Sáu Sinh chiến đấu.

Đó là Tám Em, họ tên đầy đủ Võ Văn Em (SN 1945), cũng quê đất thép thành đồng, 16 tuổi đã gia nhập du kích xã. Hồi nhỏ anh mắc bệnh đậu mùa hư một mắt; điều kém may mắn này khiến anh gặp thuận lợi, thuộc diện tàn tật được miễn quân dịch, địch ít để ý nên dễ bề tung hoành. Tám Em từng là xã đội phó du kích, tiểu đội trưởng trinh sát huyện Củ Chi, có những trận đánh lớn ở Miễu Bà Mũi Lớn, mộ Ông Cả... Năm 1965, sau lần rải truyền đơn, ném lựu đạn bị lộ tung tích, cấp trên điều anh về biên chế cho B5.

Được tham gia trừ khử một nhân vật đầu não trong chế độ Mỹ ngụy, Tám Em rất phấn khởi. Anh cùng Sáu Sinh bàn bạc kỹ phương án tác chiến, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ dù có phải hy sinh tính mạng.

Tám Em bình thản trước án tử hình

Tám Em bình thản trước án tử hình

Sáng 07/12/1966, hai trinh sát vũ trang nội đô mai phục trên đường Phan Kế Bính. Hồi hộp chờ đợi mãi đến 8 giờ 45, xe ông dân biểu mới lăn bánh tới. Trần Văn Văn ngồi ghế trước, nhìn rất rõ mặt. Tám Em lái Honda chở Sáu Sinh lặng lẽ bám theo, đến khúc quẹo sang đường Phan Đình Phùng thì tăng ga chặn đầu mục tiêu. Xe Văn khựng lại, Sinh nhảy xuống nhanh nhẹn tiếp cận, bắn vỡ kính xe rồi thọc tay vào nổ liền mấy phát. Thấy Văn gục xuống, anh nhảy lên xe máy, giục Tám Em chạy lẹ.

Tám Em vặn ga hết cỡ mà chiếc Honda dame cứ chậm rì. Rồi Sáu Sinh nghe âm thanh gầm rú phía sau, ngoái lại thấy nhiều môtô, xe Jeep đang đuổi theo. Đây là trung tâm thành phố nên bọn địch bủa ra rất nhanh. Sinh rút súng bắn ngược lại, chúng cũng nổ súng bắn trả. Nghĩ chúng sẽ cố bắt sống chứ không bắn chết, Sinh giục Tám Em chạy thục mạng. Tới ngã tư Mạc Đĩnh Chi - Tự Đức (nay là Nguyễn Văn Thủ), xe hai anh bị một chiếc Harley của cảnh sát công lộ húc đổ kềnh ra đường. Sáu Sinh lăn mấy vòng, lọt vào gầm một chiếc xe tải đậu bên lề đường, khẩu súng văng mất lúc té xuống.

Bị thương tích nặng ở chân không thể đứng dậy, Tám Em vớ được khẩu súng của Sáu Sinh rớt lại, chĩa về phía lính địch bắn 2 phát thì hết đạn. Tiếng súng của Tám Em khiến quân địch phải co lại, ẩn nấp, Sáu Sinh thừa cơ hội lợi dụng khung cảnh hỗn loạn bỏ trốn. Anh luồn lách qua những chiếc xe hơi, xe tải đang bị buộc dừng lại cho quân quốc gia thi hành công vụ, trà trộn vào dòng người hiếu kỳ cứ đông dần mà thoát hiểm.

Bị bắt, tra tấn dã man nhưng trước sau Tám Em chỉ một mực khai anh làm thợ tiện cho hãng cơ khí Đại Việt, được một sỹ quan ba bông mai bạc bận đồ lính dù mướn đi giải quyết ân oán giang hồ, xong việc sẽ cho nhiều tiền, xe honda và giúp có việc làm lương cao; người đã trốn thoát cũng được thuê mướn như anh, là ai và lai lịch ra sao không biết. Sợ hãi và nể trọng, đám lính lác dưới trướng tướng Nguyễn Ngọc Loan gọi Tám Em là "sát thủ độc nhãn"!

Sau cái chết của Trần Văn Văn, báo chí Sài Gòn và quốc tế như phát sốt, nhiều thông tin trái chiều nhưng đa phần cho rằng do mâu thuẫn trong tranh giành quyền lợi, địa vị khiến nội bộ, phe cánh thanh toán lẫn nhau. Đài phát thanh Giải phóng, đài BBC bình luận Văn ra tranh cử Tổng thống bị đám tướng lĩnh Thiệu, Kỳ, Loan ám sát... Vợ ông dân biểu thẳng thừng "Tám Em chỉ là con chốt thí, con dê tế thần, có thế lực đứng sau giật dây". Quốc hội lập hiến thành lập ủy ban điều tra nhưng sớm bị tướng Loan ép giải tán. Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu phải điều trần trước Quốc hội và tuyên bố sẽ tử hình kẻ sát hại ông Văn.

"Phải cứu ảnh", ý nghĩ ấy cứ nung nấu Sáu Sinh. Anh suy tính rồi viết một bức thư nặc danh gửi vợ ông dân biểu, nội dung: Để tranh giành ghế Tổng thống, phe cánh đối lập giết chồng bà, Tám Em chỉ là người thực hiện, bị khống chế buộc phải làm. Bà hãy giữ lấy mạng anh ấy làm chứng cứ vạch trần bộ mặt bọn đối nghịch, nếu để Tám Em bị xử tử sẽ mất manh mối và chúng tôi không đảm bảo được tính mạng cho bà cùng gia đình... Sau đó, báo Tin sáng đăng tin bà Văn làm đơn kiến nghị Quốc hội và Thiệu miễn án tử cho Tám Em.

Ngày 09/01/1967, Tòa án quân sự biệt khu Thủ đô và Vùng 3 chiến thuật mở phiên xét xử Võ Văn Em ám sát dân biểu Trần Văn Văn. Chúng chuẩn bị nhân chứng, cáo trạng cố ép anh là người trực tiếp nổ súng và khép án tử hình. Tuy nhiên, nhà cầm quyền không bắn anh do sợ dư luận lên án là bịt đầu mối. Mặt khác, quan thầy đã có mật lệnh giữ lại tử tù cộng sản để trao đổi lấy lính Mỹ đang bị quân giải phóng bắt giữ. Tám Em bị đày ra Côn Đảo, "nếm" đủ "chuồng cọp", "hầm bò” cùng những đòn hiểm độc nơi địa ngục trần gian.

Sau 8 năm 4 tháng 24 ngày, Tám Em được quân cách mạng đón về trong niềm vui miền Nam toàn thắng. Sức khỏe yếu do bị giam cầm, đánh đập, anh chuyển ngạch sang dân sự, làm Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch quận Bình Thạnh, sau cùng là Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ súc sản Vissan. Năm 2018, ông Võ Văn Em được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong vòng tay đồng đội, những người bạn già từng kề vai sát cánh sinh tử ngày nào, ông bồi hồi nhớ lại trận đánh ngoạn mục giữa lòng thành phố năm xưa. Bị tù đày, khổ sai, nhưng ông thấy rất đỗi tự hào...

TRẦN TRANG ANH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/biet-doi-b5-va-tran-danh-rung-dong-sai-gon_151495.html