'Biến' sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh có hệ thống ngầm chống ngập và cao tốc ngầm sẽ thay đổi 'bộ mặt' Thủ đô?

Thời gian gần đây, dự án về cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm Linh kết hợp xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập, cao tốc ngầm dọc sông, đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia đầu ngành về nước, môi trường, kiến trúc, quy hoạch, mỹ thuật, phong thủy… và đặc biệt là dư luận Thủ đô – những hộ dân sinh sống dọc tuyến sông Tô Lịch.

Ông Nguyễn Tiến Độ (76 tuổi, ở phường Định Công, quận Hoàng Mai) là người tận mắt chứng kiến những thăng trầm, thay đổi của sông Tô Lịch.

Từ một dòng sông mang làn nước trong xanh, mát mẻ, nay Tô Lịch đã trở thành nơi chứa rác thải của thành phố. Bởi vậy, những ngày này, khi thời tiết Thủ đô mưa nắng thất thường, ông Độ cũng không hào hứng với hoạt động thể dục dọc bờ sông như trước đây.

Bởi vậy, ông Độ và các cư dân sinh sống dọc tuyến sông Tô Lịch có mong muốn giản đơn là dòng sông được hồi sinh, cải thiện môi trường sống trong khu vực và hơn hết là trả lại bầu không khí không còn mùi hôi thối đặc trưng của sông.

Nước sông Tô Lịch màu đục, luôn bốc mùi hôi thối.

Nước sông Tô Lịch màu đục, luôn bốc mùi hôi thối.

Song, bên cạnh việc cải thiện chất lượng nước, ông Độ và các cư dân cũng thực sự lưu tâm chính là sự ảnh hưởng, thay đổi, tác động của dự án đến hết cấu hạ tầng các công trình của cư dân hai bên sông.

Trước những âu lo của cư dân, trả lời nhanh phóng viên chuyên trang Gia đình và Xã hội, đại diện lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE (VJE Group) cho biết, tiêu chí của dự án khi thực hiện, triển khai là không tác động đến khu dân cư ở 2 bên sông, không phải giải phóng mặt bằng.

"Dự án cũng chủ trương không thu hẹp lòng sông, bảo tồn các di tích dọc sông, không bê tông hóa (cứng hóa) đáy sông. Dự án sẽ xử lý tận gốc mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm ở cả trong lòng sông bằng Công nghệ Nhật Bản nên sẽ duy trì được môi trường nước của dòng sông luôn sạch sẽ trong mát để đảm bảo sức khỏe người dân và du khách khi tới Công viên Tô Lịch", đại diện JVE Group cho hay.

Sông Tô Lịch trong phối cảnh 3D tái hiện Triều đại Nhà Hậu Lê.

Sông Tô Lịch trong phối cảnh 3D tái hiện Triều đại Nhà Hậu Lê.

Theo đại diện JVE Group, nếu Hà Nội có một công trình văn hóa tiêu biểu có quy mô, độc đáo, đặc sắc bản sắc nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, chắc chắc, Hà Nội không chỉ thu hút đông đảo khách du lịch đến với Thủ đô, góp phần chuyển biến thực sự diện mạo của Thủ đô, mà còn đưa Hà Nội sánh ngang với bạn bè quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản – những quốc gia hiện đã và đang rất phát triển về công nghiệp văn hóa.

Là người có nhiều năm chứng kiến sự "chết mòn" của dòng sông Tô Lịch, TS Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội sử học Hà Nội hoàn toàn tán thành với việc hồi sinh dòng "sông chết" Tô Lịch.

TS Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Nếu sông Tô Lịch thực sự được hồi sinh và tạo nên một không gian văn hóa, đậm chất lịch sử, tâm linh, tôi cho rằng, dòng sông sẽ mang giá trị kép vả về cải thiện môi trường, tái hiện chuỗi những giá trị cốt lõi, tiêu biểu về lịch sử văn hóa của dân tộc của Thủ đô".

"Sông Tô Lịch là dòng sông lịch sử gắn bó với quá trình hình thành vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngay từ buổi đầu, đó là "làng Hà Nội gốc - Long Đỗ Hương". Sau được tôn thờ làm Thần Thành Hoàng đầu tiên bảo vệ Thành Đại La, Thành Thăng Long. Do đó, kết hợp vừa cải tạo, vừa biến dòng sông thành công viên mang đậm giá trị Lịch sử, văn hóa, tâm linh là một hướng đi đúng và sáng tạo", TS Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Cùng quan điểm, nhà sử học Lê Văn Lan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long khẳng định: "Hồi sinh dòng "sông chết" không chỉ là việc cứu vớt cho dòng sông đang ngắc ngoải này mà còn làm đẹp cho dòng sông, tạo không gian văn hóa lịch sử ngay trên sông, bao gồm cả giá trị biểu tượng, giá trị tâm linh".

Trước đó, ngày 20/5/2022, Văn phòng UBND Thành phố đã có Thông báo số 218/TB-VP thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn.

Trong đó, ông Dương Đức Tuấn giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan Khẩn trương báo cáo UBND Thành phố về đề xuất ý tưởng "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh".

Đồng thời, đề xuất định hướng giải pháp quy hoạch cải tạo tổng thể sông Tô Lịch; báo cáo UBND Thành phố.

Về nguồn vốn thực hiện Dự án, dự kiến đề xuất chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn đối ứng trong nước (vốn ngân sách Trung ương), một số nguồn tài chính khác.

Hoài An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bien-song-to-lich-thanh-cong-vien-lich-su-van-hoa-tam-linh-co-he-thong-ngam-chong-ngap-va-cao-toc-ngam-se-thay-doi-bo-mat-thu-do-172220713223607718.htm