Biến lụa vụn thành tác phẩm nghệ thuật: lối đi riêng của một HTX

Đến với làng lụa Vạn Phúc, thuộc phường Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội), không ít người bị thu hút bởi một 'căn phòng' nhỏ, tường bằng kính làm nổi bật những bức tranh dân gian bằng vải sinh động, đầy màu sắc được treo ngay ngắn. Đó là nơi những người khuyết tật ngày ngày sáng tạo, tỉ mỉ cắt, dán, ghép lụa vụn tạo thành những sản phẩm độc đáo của HTX Vụn Art – ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn.

HTX Vụn Art được thành lập vào năm 2017, từ quy mô ban đầu chỉ có 2 thành viên tham gia, nay HTX đã trở thành mái nhà chung của 33 thành viên người khuyết tật. Nơi đây không chỉ giúp đỡ người khuyết tật có công ăn việc làm mà còn tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề, đúng như câu nói "trao cần câu hơn trao con cá".

Vẽ ước mơ từ vải vụn

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, anh Lê Việt Cường - Giám đốc HTX Vụn cho biết: “Căn bệnh bại liệt năm 1 tuổi đã khiến tôi trở thành một người khuyết tật. Những khiếm khuyết trên cơ thể khiến tuổi thơ tôi chịu nhiều tổn thương bởi sự kỳ thị, coi thường từ những người xung quanh.”

Thấu hiểu những áp lực mà người khuyết tật phải gánh chịu, anh Cường luôn nung nấu ý định tạo ra công ăn việc làm ổn định, phù hợp với sức khỏe và trình độ văn hóa của họ. Đối với anh, việc giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ là cách hiệu quả nhất để “chữa lành cho đứa trẻ bên trong mình”.

May mắn đến với anh Cường vào năm 2017, khi ông Nguyễn Văn Trường - Phó Bí thư thường trực Quận ủy quận Hà Đông và là một họa sĩ đến thăm nơi làm việc của anh tại làng lụa Vạn Phúc. Nhìn thấy những mảnh vải vụn, ông Trường đã ghép thành bức tranh và nói với Cường hãy phát triển nghề này để mở rộng mô hình, tạo thêm nhiều việc làm hơn cho những người yếu thế. Được sự khuyến khích và ủng hộ của chính quyền cũng như những người thân, anh Cường thành lập HTX Vụn Art làm tranh ghép bằng vải vụn, với mong muốn tạo việc làm cho người khuyết tật, tận dụng các nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường.

Để tạo ra một bức tranh ghép vải phải trải qua nhiều công đoạn, đa số được làm thủ công. Đầu tiên là phác thảo tranh trên bìa cứng để định hình rồi cắt rời chi tiết. Vải vụn chuẩn bị trước đó phải được làm sạch sẽ rồi là cho phẳng. Để đảm bảo độ cứng cáp cho miếng vải cũng như bền màu sau này, những mảnh vải vụn sẽ được tráng hoặc phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô.

Những sản phẩm nơi đây gồm tranh vải, túi vải thời trang, bưu thiếp... đủ màu sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian với họa tiết của dòng tranh Đông Hồ hay biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Hồ Gươm, làng cổ Đường Lâm, làng lụa Vạn Phúc... Việc chuyển thể tranh dân gian vào tranh vải được thực hiện theo nguyên tắc vừa trung thành với nguyên bản, nhưng không vì thế mà gạt bỏ những giá trị thẩm mỹ mới phù hợp với thị hiếu của người đương thời.

Khi được hỏi về ý nghĩa của tên Vụn Art, anh Lê Việt Cường cho biết: "Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vụn nhỏ, một mảnh ghép và tôi là chất keo để gắn kết những mảnh ghép tỏa sáng. Đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội, chúng tôi đã trở thành một mảnh vải lớn và trên đó, chúng tôi có thể tự vẽ được ước mơ của chính mình".

Hưởng “trái ngọt” từ sự kiên trì

Để có được mô hình HTX với 33 thành viên như hiện tại, anh Cường đã phải mất gần 2 năm, gõ cửa 17 phường của quận Hà Đông để vận động người khuyết tật đi học nghề. Bên cạnh đó, việc đào tạo quản lý những người khuyết tật cũng là vấn đề khiến anh và các cộng sự trăn trở.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Duy Hoàng – thành viên ban quản lý HTX, người trực tiếp đào tạo người khuyết tật từ năm 2017 đến nay cho biết: “HTX tập trung nhiều dạng khuyết tật ở độ tuổi từ 18-50, mỗi dạng đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Chúng tôi dựa vào đó để hướng nghiệp và đào tạo cho họ. Nếu người bình thường chỉ mất vài ngày để tạo ra một sản phẩm tranh ghép hoàn chỉnh thì đối với người khuyết tật, quá trình đó được tính bằng nhiều tháng, thậm chí nhiều năm”.

HTX Vụn Art luôn là nơi dang tay đón nhận những hoàn cảnh khó khăn do khuyết tật đến học tập, lao động.

Chưa dừng lại ở đó, những ngày đầu tay nghề của công nhân chưa hoàn thiện, tranh không bán được, trong suốt 11 tháng không có doanh thu, đầu ra rất thấp. Sau đó, Cường cùng một số cộng sự nảy ra ý tưởng trang trí tranh trên đồ dùng như túi vải, khăn trải bàn, áo phông… Từ tháng 3-9/2019, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Cường đã tìm được loại keo ưng ý để ghép tranh trên túi và áo mà không bị bung khi giặt. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư vào công nghệ để sản xuất sản phẩm với số lượng lớn.

“Tôi được quận hỗ trợ 50% tiền mua máy cắt laze, còn máy ép tôi mua chịu của người bán keo. Cái máy ép 40 triệu đồng, nhóm người khuyết tật làm gì có tiền, tôi đã nghĩ cái bàn là để các bạn ép dính cho lụa ăn keo, khi ghép tranh hoàn tất mới mang sang ép chết”, anh Cường chia sẻ.

Khi đã ổn định về nguồn cung, anh Cường bắt đầu phát triển kênh phân phối của Vụn. Nhận thấy chi phí 1 tháng của Vụn rất lớn, tầm 150 triệu/tháng, anh chọn làm B2B (bán buôn cho doanh nghiệp). Kênh bán hàng này không được về giá, nhưng tạo việc làm ổn định và là khoản tiền có ngay.

Sau 5 năm hình thành và phát triển, với tư duy sáng tạo và nỗ lực không ngừng, Vụn Art đã bán hàng chục nghìn sản phẩm như túi tote, áo sơ mi và tranh ảnh cho khách hàng cá nhân cũng như các doanh nghiệp và tổ chức lớn, bao gồm: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại học Ngoại thương và Bảo tàng Cà phê Thế giới. Vụn Art cũng đạt được doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của quận Hà Đông, đồng thời quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc và những giá trị văn hóa dân gian Việt Nam.

Quan trọng hơn, HTX đã mang lại việc làm và thu nhập cho cộng đồng người khuyết tật tại địa phương. Ngoài mức lương từ 1,5 -10 triệu đồng tùy theo năng lực, người khuyết tật nơi đây còn được rèn luyện các kỹ năng sống, tạo động lực cho họ hòa nhập cộng đồng, chủ động và tự lập trong cuộc sống.

Bạn Bùi Thu Hương (22 tuổi), một người khuyết tật đã làm việc tại HTX được 6 năm cho biết: "Từ khi đi làm ở đây, em đã tự tin hơn, có nhiều bạn hơn và học được những kỹ năng sống cần thiết. Công việc chính của em là tạo ra các bộ kit ghép tranh để các em nhỏ trải nghiệm, em rất thích công việc của mình vì mang lại được niềm vui cho nhiều người."

Đáng chú ý, năm 2019, Vụn Art có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Thành phố Hà Nội, gồm tranh, túi, bộ kit ghép tranh và áo phông. Gần đây nhất, nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, HTX Vụn Art phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm "Những mảnh vụn" với mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực sống của những người yếu thế. Các sản phẩm từ HTX đã xuất hiện trên thị trường nhiều nước, được nhiều bạn bè quốc tế yêu thích… Những thành tựu này không chỉ là động lực cho các thành viên của Vụn Art mà còn là nguồn cảm hứng cho người khuyết tật theo đuổi nỗ lực kinh doanh, khởi nghiệp.

“Đồng hành cùng Vụn Art từ năm 2022 đến nay, chúng tôi nhận thấy HTX ngày càng mở rộng về quy mô, giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn. Bên cạnh việc tài trợ, công ty chúng tôi cũng hỗ trợ Vụn Art tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm nhà tài trợ”, ông Ngô Duy Tân - đại diện tổ chức từ thiện The Intrepid Foundation cho biết.

Những dự định còn bỏ ngỏ

Bước đầu đạt được những thành tựu, Vụn Art hiện đang nỗ lực mở rộng mô hình, vươn lên phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, kênh phân phối nhỏ hẹp cùng với nguồn vốn hạn chế đang là những “chướng ngại vật” kìm hãm sự phát triển của HTX này.

“Đến nay doanh thu của Vụn Art vẫn chưa thực sự ổn định, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19, HTX bị sụt giảm doanh thu đáng kể, gần 95%”, anh Cường cho biết.

Vụn Art đã xoay sở, tìm cách cá nhân hóa từng món hàng để bán trên sàn thương mại điện tử trong nước hoặc nhờ sự giúp đỡ của Bộ Công Thương để xuất sang Mỹ, bán trên Amazon. Ngoài ra, anh Cường cũng suy nghĩ về những hướng đi mới như chuyển từ bán hàng truyền thống sang online, tận dụng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, cá nhân hóa từng sản phẩm… Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn.

Anh Cường mong rằng Nhà nước sẽ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn cho HTX, cũng như khuyến khích tiêu thụ sản phẩm mang đậm tính văn hóa, nhân văn, góp phần bảo vệ môi trường như các sản phẩm của Vụn Art. Như vậy, nỗi lo của anh Cường và các cộng sự mới được giải quyết triệt để, các thành viên của HTX cũng có thể yên tâm sản xuất.

Vụn Art và những nhân công của mình luôn cố gắng hoàn thiện và đổi mới sản phẩm, đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu để mọi khách hàng đều hài lòng khi nhận được sản phẩm. Vụn Art cũng luôn nhận được nhiều sự tin yêu của rất nhiều khách hàng và luôn là nơi dang tay đón nhận những hoàn cảnh khó khăn do khuyết tật đến học tập, lao động.

Kim Yên – Thanh Uyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/bien-lua-vun-thanh-tac-pham-nghe-thuat-loi-di-rieng-cua-mot-htx-1093805.html